Ngân hàng Trung ương châu Âu trước 'vòng xoáy' khủng hoảng tại Italy

Các nhà đầu tư đang dấy lên đồn đoán về những cách thức mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể thực hiện để giải quyết vấn đề lợi suất trái phiếu Italy tăng vọt.
Ngân hàng Trung ương châu Âu trước 'vòng xoáy' khủng hoảng tại Italy ảnh 1Biểu tượng đồng euro trước trụ sở cũ của ECB ở Frankfurt, Đức. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các nhà đầu tư đang dấy lên đồn đoán về những cách thức mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể thực hiện để giải quyết vấn đề lợi suất trái phiếu Italy tăng vọt, vốn đang gây căng thẳng cho các ngân hàng nước này cũng như khơi lại những câu hỏi về khả năng tan vỡ của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Sẽ có những ảnh hưởng rất lớn nếu một cuộc bầu cử sớm tại nền kinh tế lớn thứ ba của Eurozone trở thành một cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên của Italy trong Eurozone và vai trò của nước này trong Liên minh châu Âu (EU).

Quy mô nền kinh tế của Italy lớn gấp ít nhất 10 lần nền kinh tế Hy Lạp - quốc gia đã cần 250 tỷ euro (289 tỷ USD) tiền cứu trợ từ Eurozone và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Nếu Italy cần một chương trình hỗ trợ tương tự, con số trên có thể lên tới mức không tưởng.

Trong khi đó, số tiền mà IMF đưa ra có thể chỉ vào khoảng 500 tỷ euro. Và thậm chí với 400 tỷ euro mà Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) có thể góp vào, tổng số tiền trên vẫn chưa hoàn toàn đủ để trợ giúp cho Italy. Điều này cũng là một trong những lý do khiến thị trường trái phiếu Italy phải chứng kiến đợt bán tháo tồi tệ nhất trong vòng 26 năm qua trong phiên giao dịch ngày 29/5.

[Diễn biến chính trị ở Italy đang khiến cả châu Âu lo ngại]

Theo nhà quản lý cấp cao Giuseppe Sersale tại công ty quản lý quỹ đầu tư Anthilia Capital Partners, nếu tình hình không ổn định lại trong một vài ngày tới, ECB sẽ phải can thiệp bằng cách này hay cách khác. Nhà quản lý này cho biết sức ép lên đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ Italy có thể làm “tắc nghẽn” cơ chế chuyển tiền của các ngân hàng trung ương.

Vậy ECB có thể làm gì để giúp Italy? Hiện ECB vẫn đang mua trái phiếu từ Italy như một phần của chương trình nới lỏng định lượng (QE) trị giá 30 tỷ euro mỗi tháng, song điều này dường như không hạn chế được các thiệt hại. Các chuyên gia ước tính Italy cần được tái cấp vốn khoảng 200 tỷ euro mỗi năm, trong khi kế hoạch QE của ECB được dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 12 năm nay.

Thời hạn trên tất nhiên có thể bị trì hoãn, nhưng có vẻ là một công cụ tiền tệ khác của ECB được phát triển từ năm 2012 những chưa được sử dụng mang tên Giao dịch Tiền tệ Công khai (OMT) - đang được cân nhắc. Lợi ích của OMT là về mặt kỹ thuật chương trình này không bị giới hạn và có thể trực tiếp giải quyết tình trạng của Rome. Nhưng mặt hạn chế của OMT là những tác động không mấy tích cực về mặt chính trị khi Italy vẫn có những chính đảng phản đối hay tỏ ra hoài nghi EU và đồng euro.

Nguy cơ khu vực Eurozone tan rã đã buộc ECB sáu năm trước phải "ra tay." Nhưng sự khác biệt ở hiện tại là liệu Italy có muốn được giúp đỡ, hay thay vào đó nước này sẽ chọn từ bỏ đồng euro và EU (còn được gọi là "Quitaly").

Ông Francesco Papadia - cựu quản lý cấp cao của ECB, người đã giúp xây dựng kế hoạch OMT - cho rằng nếu Rome chưa đưa ra lời khẳng định rằng việc từ bỏ đồng euro sẽ không xảy ra, thị trường khó có thể bình tĩnh trở lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.