Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 23/1, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) duy trì lãi suất âm trong một động thái đã được dự đoán trước.
BOJ đã giữ nguyên các chính sách quan trọng và giảm dự báo lạm phát cho năm tài chính tiếp theo trong bối cảnh giá cả tiếp tục tăng và các nỗ lực phục hồi đang được thực hiện sau trận động đất kinh hoàng vào ngày đầu năm mới.
Kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, BOJ giữ nguyên nội dung tuyên bố với các từ ngữ thiên về xu hướng ôn hòa, cam kết sẽ định hướng lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và lãi suất 10 năm ở mức 0%, đồng thời duy trì chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) để cho phép lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm tăng lên khoảng 1,0%.
BOJ cam kết sẽ "không ngần ngại thực hiện bổ sung các biện pháp nếu cần thiết," đồng thời nói thêm rằng sẽ tiếp tục chính sách YCC "miễn là cần thiết để duy trì mục tiêu lạm phát ở mức 2% một cách ổn định."
BOJ dự kiến giá tiêu dùng lõi, ngoại trừ thực phẩm tươi sống dễ biến động, sẽ tăng 2,4% trong năm tài chính 2024 bắt đầu từ tháng 4/2024, giảm so với mức 2,8% dự kiến trước đó.
Tuy nhiên, BOJ đã nâng dự báo giá tiêu dùng của năm tài chính 2025 và nhận định khả năng đạt được lạm phát ổn định ở mức 2% tiếp tục tăng dần.
BOJ tin rằng tăng trưởng tiền lương mạnh mẽ sẽ thúc đẩy khả năng đạt được mục tiêu lạm phát ổn định.
BoJ: Còn quá sớm để dỡ bỏ chính sách nới lỏng tiền tệ
Với lạm phát vượt mục tiêu 2% của Ngân hàng trung ương Nhật Bản trong hơn một năm, thị trường ngày càng kỳ vọng rằng BoJ sẽ dỡ bỏ chính sách nới lỏng tiền tệ vào năm tới.
Trong báo cáo triển vọng, BOJ cho biết: “Lạm phát CPI cơ bản có thể sẽ tăng dần để đạt được mục tiêu ổn định giá cả.”
BOJ xác nhận sẽ căn cứ mọi diễn biến trong tương lai dựa trên dữ liệu kinh tế, bao gồm cả các cuộc đàm phán tiền lương hằng năm tại Nhật Bản trong năm nay.
Trước đó, đa số các nhà kinh tế khi được khảo sát đều dự đoán sẽ không có thay đổi nào trong cuộc họp của BOJ trong tháng 1/2024.
Các hoạt động cứu trợ đang diễn ra ở bờ biển phía Tây miền Trung Nhật Bản, nơi xảy ra trận động đất mạnh vào ngày đầu năm mới khiến các nhà kinh tế nhận định BOJ sẽ tránh được một sự thay đổi chính sách lớn trong tình huống khẩn cấp như hiện nay.
Lạm phát tiêu dùng lõi của Nhật Bản, không bao gồm thực phẩm tươi sống, tiếp tục giảm tốc, chạm mức 2,3% trong tháng 12, mức thấp nhất trong 18 tháng, phản ánh giá năng lượng giảm.
Nếu không bao gồm thực phẩm và năng lượng, lạm phát tiêu dùng ở mức 3,7%, cho thấy mức tăng giá lan rộng từ hàng hóa sang dịch vụ.
BOJ được cho là đang theo dõi vòng đàm phán tiền lương hằng năm giữa các doanh nghiệp và các liên đoàn lao động lớn, với các thỏa thuận dự kiến sẽ diễn ra vào giữa tháng 3/2024.
Thống đốc BOJ Kazuo Ueda cho biết vào tháng 12/2023 rằng “điều quan trọng là vòng đàm phán lương sẽ mang lại kết quả có lợi cho việc tăng lương bền vững.”
Shunsuke Kobayashi, nhà kinh tế trưởng tại Mizuho Securities, cho biết: “BOJ đang báo hiệu rằng mọi việc đã sẵn sàng để chấm dứt lãi suất âm.”
Trong một cuộc khảo sát của QUICK, một chi nhánh của Nikkei, có 18 trong số 23 nhà kinh tế dự đoán BOJ sẽ chấm dứt chính sách lãi suất âm trong quý từ tháng 4-6/2024.
Cuộc họp lần tới của Hội đồng Chính sách của BOJ sẽ diễn ra vào ngày 18-19/3 và sau đó là ngày 25-26/4.
Tuy nhiên, BOJ được cho là khó có thể giữ quan điểm quá lâu trong bối cảnh đồng yen gần đây lại chịu áp lực giảm giá so với các loại tiền tệ khác.
Ngày 18/1, tại Tokyo, đồng yen giảm xuống 148,26 yên/USD - mức thấp nhất kể từ tháng 11/2023.
Việc bán ra đồng yen phản ánh kỳ vọng rằng chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ sẽ tiếp tục tăng cao khi giới đầu tư giảm dần hy vọng về việc cắt giảm lãi suất sớm ở Mỹ.
Theo chỉ số Fed Watch do CME Group cung cấp, xác suất Mỹ cắt giảm lãi suất vào tháng 3 đã giảm xuống 46% tính đến ngày 19/1, từ mức 77% một tuần trước đó.
Một cựu Giám đốc của BOJ nhận định: “Nếu đồng yen tiếp tục trượt giá và hướng tới mức 160 yen/USD, BOJ sẽ thay đổi chính sách của mình và ngăn điều đó xảy ra.”
Cùng ngày 23/1, chứng khoán Tokyo tăng cao hơn trong phiên giao dịch buổi sáng khi chỉ số Nikkei nhanh chóng đạt mức cao mới trong 34 năm.
Các nhà đầu tư được cho đã chốt lời sau khi chỉ số Nikkei tăng hơn 1.000 điểm trong hai phiên gần đây.
Chỉ số Nikkei Stock Average 225 đã tăng 373,32 điểm, tương đương 1,02%, trong ngày 22/1 lên 36.920,27 điểm. Chỉ số Topix tăng 16,94 điểm, tương đương 0,67%, ở mức 2.561,86 điểm.
Đồng USD Mỹ giảm nhẹ khi các nhà đầu tư chờ đợi kết quả cuộc họp chính sách của BOJ.
Vào buổi trưa 23/1, đồng USD đạt mức 148,22-23 yen/USD so với 148,05-15 yen/USD ở New York và 148,04-05 yen ở Tokyo cuối ngày 22/1.
Đồng euro được niêm yết ở mức 1,0886-0890 USD/euro và 161,35-42 yen/euro so với mức 1,0878-0888 USD/euro và 161,15-25 yen ở New York và 1,0897-0898 USD/euro và 161,32-36 yen/euro ở Tokyo vào cuối chiều 22/1.
Các nhà phân tích cho rằng mặc dù BOJ không thay đổi chính sách lãi suất âm, nhưng những người tham gia thị trường sẽ chú ý đến nhận xét của ông Ueda để đánh giá khi nào ngân hàng này có thể thay đổi chính sách siêu lỏng lẻo hiện nay.
Kazuo Kamitani, chiến lược gia tại của Công ty Chứng khoán Nomura, cho rằng: “Thị trường sẽ theo dõi những bình luận của Thống đốc BOJ về sự suy yếu gần đây của đồng yen, cũng như đánh giá của ông về tác động của trận động đất ở bán đảo Noto”./.