Ngân hàng trung ương Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nhận thấy nguy cơ gia tăng từ sự luân chuyển của những dòng tài chính bất hợp pháp trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19, trong đó có cả rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Trong một báo cáo công bố ngày 19/9, Ngân hàng trung ương UAE phản ánh nạn sử dụng các nhà cung cấp dịch vụ tiền tệ không có giấy phép cũng như thương mại điện tử để rửa tiền đã gia tăng trong cuộc khủng hoảng COVID-19.
Báo cáo nêu rõ thương mại điện tử đã bùng nổ trong dịch COVID-19 do lệnh phong tỏa nhằm khống chế dịch bệnh được áp đặt tại các nước.
Do khả năng hạn chế di chuyển các nguồn quỹ và hàng hóa, thương mại điện tử đã trở thành công cụ rửa tiền của những đối tượng tội phạm.
Theo báo cáo, số lượng các "con la tiền" - những người nhận tiền từ một bên thứ 3 bằng tài khoản ngân hàng của họ và chuyển số tiền đó cho một người khác hoặc rút số tiền đó ra (tiền mặt) hoặc đưa cho người khác, nhận hoa hồng từ việc làm này, đã gia tăng đáng kể trong đại dịch và theo Ngân hàng UAE, phần lớn các tài khoản này đều thuộc các cá nhân có thu nhập thấp tại châu Phi và châu Á.
[Hàn Quốc đóng cửa hàng chục sàn giao dịch tiền điện tử]
Ngoài ra, ngân hàng cũng xác định một loạt những nguy cơ gian lận liên quan đến dịch COVID-19 như trường hợp các công ty hoặc cá nhân cung cấp các thông tin sai lệch nhằm đủ điều kiện để nhận hỗ trợ từ gói kích thích kinh tế của chính phủ.
Ngân hàng UAE còn phát hiện các nguy cơ gian lận từ bên ngoài, đặc biệt tội phạm mạng ở cả các kênh truyền thống và kỹ thuật số.
Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh Ngân hàng trung ương UAE đẩy mạnh những nỗ lực để kiểm soát các dòng tài chính bất hợp pháp.
Lực lượng đặc nhiệm tài chính, một tổ chức liên chính phủ giám sát chống rửa tiền, năm ngoái cho rằng Ngân hàng trung ương UAE cần có những cải tiến lớn để tránh việc bị đưa vào "danh sách xám" các quốc gia cần tăng cường giám sát./.