Ngành bán dẫn vi mạch Việt Nam quyết giành lại thị trường nội địa

Với xu thế sử dụng thiết bị công nghệ cao, ngành công nghiệp vi mạch Việt Nam quyết tâm giành lại thị trường nội địa 90 triệu dân với mục tiêu đạt doanh thu 100-150 triệu USD vào năm 2017.
Ngành bán dẫn vi mạch Việt Nam quyết giành lại thị trường nội địa ảnh 1Phòng nghiên cứu, thiết kế vi mạch tại ICDREC, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Công nghiệp vi mạch điện tử đã trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của nhiều quốc gia trên thế giới, thị trường vi mạch điện tử toàn cầu dự báo mức tăng trưởng đạt hơn 400 tỷ USD vào 2017.

Hiện, ngành công nghiệp vi mạch tại Việt Nam đang bị thị trường ngoại chiếm lĩnh, nhưng với thị trường nội địa khoảng 90 triệu dân, ngành công nghiệp vi mạch của Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng và cơ hội để tăng trưởng.

Hình thành ngành công nghiệp vi mạch

Ngành công nghệ bán dẫn hiện đang nhận được sự quan tâm lớn của Chính phủ khi được đưa vào danh mục 9 sản phẩm trọng điểm quốc gia, thông qua các Chương trình đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020.

Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu trong việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm vi mạch khi phê duyệt “Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2013-2020” vào tháng 12/2012.

Chương trình này đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ gắn với 7 đề án cụ thể như Đề án đào tạo lĩnh vực thiết kế vi mạch; Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ vi mạch và hệ thống nhúng; Phát triển thị trường vi mạch; Chương trình nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm vi mạch; Dự án xây dựng nhà thiết kế (Design House)…, với mục tiêu hình thành hệ sinh thái hoàn chỉnh cho ngành công nghiệp vi mạch của Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả bước đầu như đào tạo nguồn lực, nghiên cứu thiết kế chíp với một số sản phẩm chíp vi xử lý 8 bit VN801, chíp vi xử lý 32 bit VN1632, chip Analog LDO TH7105 hay chip SG8V1…, trong đó, có không ít dòng chíp đã và đang trong quá trình thương mại hóa sản phẩm như thiết bị định vị-hộp đen xe gắn máy, ôtô; khóa container điện tử và sắp đến là điện kế điện tử.

Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang xúc tiến nhanh việc xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch với công suất khoảng 1,8 tỷ con chíp/năm và doanh thu ước đạt 90 triệu USD/năm.

Góp phần thúc đẩy Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế Vi mạch ICDREC thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố việc hợp tác với Nhật Bản về phát triển, thương mại chíp RFID đầu tiên do Việt Nam thiết kế.

Sự kiện này đã đánh dấu bước phát triển mới của ngành công nghiệp vi mạch tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung.

Tiếp đó, ngày 15/9 vừa qua, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh đã ký bản ghi nhớ hợp tác với Tổ hợp nghiên cứu phát triển công nghệ xưởng cực tiểu (Minimal Fab) của Nhật Bản. Theo đó, Việt Nam sẽ là nước đầu tiên được chuyển giao công nghệ Minimal Fab và sẵn sàng sản xuất chíp.

Số tiền đầu tư cho những xưởng cực tiểu này chỉ tương đương 1/1.000 một nhà máy sản xuất vi mạch thông thường nên giúp doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào sản xuất các loại chíp đặc thù, số lượng ít với giá thành cạnh tranh.

Để góp phần cùng với Thành phố Hồ Chí Minh thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển ngành công nghiệp vi mạch, vừa qua, tại Hà Nội, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã ký thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội quốc tế về vật liệu bán dẫn (SEMI) để thúc đẩy phát triển ngành điện tử, bán dẫn tại Hà Nội và khu vực phía Bắc.

Ông Phạm Đại Dương, Giám đốc Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cho rằng thỏa thuận hợp tác là sự kiện quan trọng, đánh dấu sự khởi đầu thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài trong lĩnh vực điện tử bán dẫn, công nghệ thông tin để tạo ra một hệ sinh thái sản xuất chất bán dẫn thân thiện tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc nói riêng và Việt Nam nói chung.

Từng bước giành lại thị trường nội địa

Theo các chuyên gia, giống như một số nước, thị trường Việt Nam phát triển nhờ vào sự gia tăng lượng tiêu thụ các sản phẩm smartphone, máy tính bảng, hộp giải mã truyền hình kỹ thuật số (set-top box) và thiết bị điện tử tự động. Theo đó, xu thế sử dụng thiết bị công nghệ cao chính là giải pháp đầu ra dành cho thiết bị bán dẫn trong những năm tới trên thế giới.

Tại Việt Nam, ngành công nghiệp vi mạch đang bị thị trường ngoại chiếm lĩnh, nhưng với sự quyết tâm của Chính phủ, ngành công nghiệp vi mạch của Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng và cơ hội để tăng trưởng với thị trường nội địa khoảng 90 triệu dân, tuy nhiên, phải vượt qua không ít khó khăn và thách thức.

Hội nghị “SEMI Việt Nam 2015 – Sứ mệnh liên kết ngành bán dẫn” vừa diễn ra một lần nữa khẳng định quyết tâm của Chính phủ cũng như cộng đồng vi mạch Việt Nam trong việc phát triển ngành công nghiệp non trẻ này.

Nói về tương lai của ngành công nghiệp vi mạch Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh rất lạc quan và cho rằng ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đi sau so với thế giới nhưng với thị trường nội địa rộng lớn, cùng với sự quyết tâm của Chính phủ, Việt Nam hoàn toàn có những “ngách” để thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng của ngành công nghiệp này.

Trước mắt, con chíp Việt có thể tham gia vào lĩnh vực giao thông, điện, y tế…, hay chip RFID có thể ứng dụng cho nhiều lĩnh vực trong đời sống, SIM card điện thoại di động, chip điện thoại di động thông minh…

Không chỉ tại thị trường nội đia, nếu Việt Nam biết cách “đứng” trên vai người “khổng lồ” thông qua việc hợp tác với các tập đoàn lớn thì hoàn toàn có cơ hội để thâm nhập thị trường thế giới.

Ông Don Tran, Giám đốc điều hành Công ty Global Equipment Services (GES) tin tưởng viễn cảnh phát triển tốt thị trường thiết bị bán dẫn Việt Nam, khi mà lượng người sử dụng internet trong nước thuộc hạng cao trên thế giới, nhu cầu sử dụng các sản phẩm điện tử của người tiêu dùng gia tăng...

Hiện ngành công nghiệp vi mạch tại Việt Nam đang bị thị trường ngoại chiếm lĩnh với sự xuất hiện của các tập đoàn điện tử viễn thông lớn của thế giới tại thị trường Việt Nam như Samsung, Foxconn, LG, Panasonic, Intel… cho thấy, đây là mảnh đất màu mỡ của lĩnh vực vi mạch điện tử.

Để thúc đẩy sự tăng trưởng ngành vi mạch, Việt Nam đang chuẩn bị nguồn lực để từng bước dành lại thị trường nội với mục tiêu đến năm 2017, ngành vi mạch đạt 100-150 triệu USD, hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia về lĩnh vực công nghiệp điện tử tại Việt Nam, đào tạo 2.000 người hoạt động trong lĩnh vực vi mạch điện tử (kỹ sư, kỹ thuật viên...), ươm tạo trên 30 doanh nghiệp khoa học công nghệ hoạt động lĩnh vực điện tử vi mạch, đảm bảo hình thành, phát triển hệ sinh thái cho ngành công nghiệp vi mạch Việt Nam./.  

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục