Ngành đóng tàu gặp khó: Ai đỡ ‘người khổng lồ’ đứng dậy?

Các đơn vị thành viên của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy đang “gồng mình” để kiếm đủ việc làm cho người lao động nhằm vượt qua dịch COVID-19 tác động nặng nề tới ngành đóng tàu.
Thị trường đóng tàu chưa rõ đến khi nào mới phục hồi khi đội tàu vận tải biển của các nước trên thế giới vẫn đang dư thừa. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Khủng hoảng kinh tế từ những năm 2009 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC). Thời kỳ hoàng kim của ngành đóng tàu chưa biết có thể quay trở lại hay không khi đội tàu vận tải biển của các chủ tàu trong và ngoài nước tiếp tục dư thừa dẫn đến cạnh tranh khốc liệt về giá cước.

Mặt khác, thị trường đóng tàu quốc tế chỉ có một số ít đơn hàng đóng mới, xu hướng phục hồi chưa rõ ràng. Tại thị trường trong nước, do không thu xếp được nguồn vốn đầu tư, các đơn vị kinh doanh vận tải biển cũng không có nhiều dự án đóng mới.

Đã khó, đại dịch COVID-19 lại giáng một đòn nặng nề tới ngành vận tải biển khi các đơn hàng, vận chuyển vốn không có nhiều lại bị cắt giảm do nhu cầu thị trường. Điều ấy khiến ngành đóng tàu càng thêm nhiều áp lực và SBIC không nằm ngoài thực tế đó.

Với tiềm lực tài chính khó khăn, không còn các tàu biển tải trọng lớn, các đơn vị thành viên của SBIC đang “gồng mình” để kiếm đủ việc làm cho người lao động bằng các phương tiện vận tải thủy trọng tải nhỏ, vừa; nhận gia công các sản phẩm cơ khí và sửa chữa...

Bài 1: Khi ‘người khổng lồ’ đóng tàu phải ‘ăn đong từng bữa’

Đại dịch COVID-19 bùng phát nhiều nơi trên thế giới đặc biệt là khu vực châu Âu dẫn đến nguy cơ suy thoái nền kinh tế ảnh hưởng đến ngành vận tải biển và ngành đóng tàu. Việc ký các hợp đồng đóng tàu, các sản phẩm mới gặp nhiều khó khăn, sức ép về giá của các chủ đầu tư, giãn tiến độ thi công ảnh hưởng đến doanh thu và sản phẩm bàn giao.

Trước tình hình khó khăn chung, các đơn vị thành viên của SBIC đã chủ động tìm kiếm, xúc tiến tìm thị trường; chuyển hướng sản xuất; từ việc chỉ chuyên đóng với và sửa chữa tàu biển nay đã mở rộng sản xuất nhận các đơn hàng  cơ khí…

“Bẻ lái” sản xuất, không kén chọn việc

ÔngVũ Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc phụ trách chỉ đạo sản xuất của Công ty công nghiệp tàu thủy Nam Triệu (đơn vị thành viên của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy-SBIC) chia sẻ những đơn hàng dành cho tàu lớn đã ít dần do ngành vận tải biển điêu đứng và các chủ tàu không có nhiều đơn hàng, thị trường dư thừa tàu lớn. Vì thế, những ụ nổi hay triền đà ở Nam Triệu hiện chỉ đóng tàu có tải trọng bằng một nửa so với trước.

Ông Tùng cũng đưa ra dự báo thị trường đóng mới tiếp tục trầm lắng nhưng sửa chữa sẽ tăng trưởng do dịch bệnh COVID-19 nên tàu ít đi nước ngoài. Mặt khác, các công ty đóng tàu đã đáp ứng sửa chữa tốt hơn các năm trước nên đảm bảo cạnh tranh được với các nước trong khu vực. Bởi thế sự tăng trưởng trong doanh thu sửa chữa sẽ bù đắp được một phần các đơn hàng đóng mới, giúp duy trì sản xuất và giữ chân người lao động.

Là đơn vị của SBIC ở phía Nam, ông Trần Tấn Châm, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công nghiệp Tàu thủy Sài Gòn (SSIC) cho biết các sản phẩm tàu mà SSIC đang đóng mới cho các khách hàng đều bị giãn tiến độ hoặc ngừng thi công do kế hoạch khai thác tàu dự kiến của các chủ tàu bị thay đổi hoàn toàn do COVID-19. Một số hợp đồng đóng mới đã được SSIC và chủ đầu tư chuẩn bị ký kết chính thức để triển khai trong năm 2020 cũng đã bị đình hoãn lại.

[Tàu biển ''đói hàng'', cảng biển sống lay lắt vì dịch COVID-19]

Dự kiến, năm nay SSIC bàn giao 6 tàu đóng mới, 20 tàu sửa chữa. Số lượng tàu đóng mới trong nước hiện nay quá khan hiếm đặc biệt là khu vực phía Nam trong khi giao thương quốc tế tại một số nước vẫn đang trong tình trạng rất hạn chế hoặc phong tỏa một phần. Dịch bệnh COIVD-19 kéo dài sẽ là thách thức nghiêm trọng cho công tác tìm kiếm hợp đồng đóng mới.

Theo ông Châm, trong bối cảnh thị trường đóng mới đang ngưng trệ do ảnh hưởng của dịch bệnh thì khối sửa chữa vẫn duy trì công việc khá đều. Đây được xem là niềm hy vọng về việc giúp cho SSIC tiếp tục cầm cự trong thời điểm cực kỳ khó khăn dù doanh thu của sửa chữa không nhiều như đóng mới nhưng bù lại doanh thu xoay vòng nhanh.

“Công ty tăng cường các mảng hoạt động sản xuất kinh doanh khác như gia công cơ khí, dịch vụ... Nói chung là không chê việc, cứ có việc gì liên quan đến cơ khí, kết cấu thép đơn vị đều nhận làm để có doanh thu,” ông Châm nói và cho biết SSIC “đang bám” dự án đóng tàu phục vụ triển khai nhà máy điện gió khu vực phía Nam để có việc gối đầu cho năm 2021.

Đi bằng thế “kiềng hai chân”

Theo ông Đỗ Văn Khoa, Chủ tịch Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đóng tàu và công nghiệp Hàng hải Sài Gòn (Công ty Saigon Shipmarin), tác động của đại dịch COVID-19 đối với ngành hàng hải là rất lớn, số lượng hợp đồng đóng mới và sửa chữa tàu giảm đi đáng kể. Các tàu đưa về nhà máy sửa chữa không đúng như kế hoạch do phải nằm vùng cách ly, kiểm duyệt y tế. Số lượng tàu và sửa chữa tại Công ty nhiều nhưng hầu hết là sản phẩm có giá trị không cao.

“Thị trường du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng dẫn đến quá trình đàm phán với các đối tác đóng mới tàu du lịch cũng bị chậm lại. Vì vậy, Công ty đang gặp khó khăn trong công tác xúc tiến thương mại các sản phẩm đóng mới, sửa chữa với các chủ tàu như tàu khách, tàu hàng, tàu dầu, tàu lai dắt… Công tác vận chuyển mua sắm vật tư, máy móc trang thiết bị đặc biệt là nhập khẩu rất khó khăn cũng ảnh hưởng đến kế hoạch đóng mới trong năm nay,” ông Khoa cho hay.

[Vận tải biển và đóng tàu: Nhân tố quan trọng trong chiến lược biển]

Hiện, Công ty Saigon Shipmarin chưa ký hợp đồng đóng mới và gối đầu sản phẩm cho năm 2021. Dự kiến, hết quý 1 và 2/2021 mới có thể có các hợp đồng đóng mới của chủ tàu. Công ty phải “thắt lưng, buộc bụng” để vượt qua dịch COVID-19.

Các Công ty đóng tàu đều nhận sửa chữa tàu biển, tàu thủy trong khi đơn hàng đóng tàu ngày càng khan hiếm do dịch COVID-19. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Trong thời gian đóng tàu mới khó khăn, Công ty tìm kiếm nguồn hàng sản phẩm mới như sửa chữa hay gia công kết cấu thép, sơn hay làm sạch bề mặt kim loại... Sang năm 2021, các đơn vị của Công ty Saigon Shipmarin đều phát huy thế mạnh về sửa chữa tàu và đặt mục tiêu doanh thu sửa chữa chiếm từ 30-50%.

Thẳng thắn đánh giá nhu cầu hoán cải, sửa chữa tàu không phải là tiềm năng dài hạn, ông Trần Tấn Châm nhấn mạnh cước vận tải biển rất thấp, các nhà máy đóng tàu không có đơn hàng đóng mới nên cạnh tranh nhau về giá sửa chữa thấp, lợi nhuận sẽ mỏng.

“Hy vọng ngành vận tải biển phát triển trở lại, cước vận tải biển tăng lên thì ngành đóng tàu sẽ dần hồi phục,” ông Châm bộc bạch./.

Bài 2: Ngành đóng tàu trước thảm cảnh thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục