Theo phó giáo sư-tiến sỹ Võ Sĩ Tuấn, Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Việt Nam đang trên con đường hội nhập và ngành hải dương học của nước nhà không thể đứng ngoài, mà phải là thành phần tích cực thúc đẩy tiến trình này.
Thực tế cho thấy hội nhập quốc tế về hải dương học đang từng bước được thực hiện và thương hiệu hải dương học Việt Nam đang có một vị trí nhất định ở khu vực.
Để đạt được chuyển biến mới trong hội nhập quốc tế về hải dương học, tính chủ động và trách nhiệm của các chuyên gia và cơ quan hải dương học là rất quan trọng. Mặt khác, các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải thay đổi tư duy và phương thức quản lý, để bảo đảm rằng chúng ta sẵn sàng tham gia cuộc chơi và tuân thủ luật chơi chung của cộng đồng hải dương học thế giới.
Hội nhập quốc tế của một quốc gia là chính sách vĩ mô và liên quan đến nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, khoa học...
Vấn đề định hướng hội nhập quốc tế hải dương học chủ yếu dựa trên ưu tiên chiến lược và hoạt động hiện nay của Ủy ban Liên chính phủ Hải dương học (IOC), thuộc UNESCO và Phân ban Tây Thái Bình Dương của IOC (WESTPAC), với các tài liệu tham khảo chính là báo cáo của Hội nghị lần thứ 27 của Đại Hội đồng IOC (UNESCO/ IOC, 2013); báo cáo của cuộc họp Ban tư vấn của WESTPAC (IOC/WESTPAC, 2013).
Sự nghiệp hải dương học Việt Nam bắt đầu từ khi thành lập Sở Hải dương học nghề cá Đông dương vào ngày 14/9/1922 theo quyết định của Toàn Quyền Đông Dương. Đây là tiền thân của Viện Hải dương học Đông Dương (1930), Hải học viện Nha Trang (1952), Viện Nghiên cứu biển Nha Trang (1975) và Viện Hải dương học (1993).
Ngay sau khi thành lập, với sự tham gia của tàu De Lanessan, ngành hải dương học đã tiến hành nghiên cứu và thu thập thông tin xuống phía Nam (Vịnh Thái Lan, 1925), lên phía Bắc (Vịnh Bắc Bộ, 1925), ra các vùng khơi xa xôi (quần đảo Hoàng Sa, 1926 và quần đảo Trường Sa, 1927) và thiết lập hệ thống khảo sát định kỳ trên 572 trạm, đặc biệt là hai trạm cố định ở Cầu Đá (Nha Trang) và ở quần đảo Hoàng Sa.
Tiếp theo hàng loạt chuyến khảo sát được tổ chức với sự tham gia của nhiều tàu nghiên cứu. Riêng đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tổng cộng đã có 7 chuyến khảo sát trong thời gian từ năm 1925-1953.
Nội dung nghiên cứu của các chuyến khảo sát này rất đa dạng từ địa lý, địa chất, thủy văn động lực biển, đến sinh vật trên đảo, dưới biển và tiềm năng khai thác thác sử dụng tài nguyên.
Đặc biệt, con tàu nghiên cứu biển đầu tiên De Lanessan đã thực hiện nhiều chuyến khảo sát trên biển Việt Nam, trong đó có bốn chuyến ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa vào tháng 6/1925, tháng 6-7/1926, tháng 5-6/1931 và tháng 10/1935.
Bằng hợp tác quốc tế, ngành hải dương học Việt Nam đã tham gia khảo cứu vùng biển Vịnh Thái Lan và miền Nam Việt Nam trong chương trình NAGA (1959-1960) và chương trình CSK (1965-1977).
Đây là những chương trình hợp tác đa phương với sự tham gia của nhiều quốc gia.
Kết quả quan trọng của Chương trình NAGA là 17 công trình khoa học về các vấn đề vật lý thủy văn, địa chất, sinh vật. Giá trị số liệu của chương trình CSK được đánh giá cao vì chúng xác định bằng phương pháp chuẩn và thống nhất.
Chương trình CSK đã công bố 7 tập Atlas, hơn 400 tập báo cáo số liệu khảo sát, một phụ lục, 53 số bản tin của chương trình.
Cũng trong những năm 1960, đã có hai chương trình hợp tác quốc tế lớn là Chương trình hợp tác Việt-Trung và hợp tác Việt-Xô điều tra tổng hợp Vịnh Bắc Bộ. Kết quả của các chuyến khảo sát này đã cung cấp một khối lượng lớn các số liệu về khí tượng thủy văn, môi trường, nguồn lợi thủy sinh vật.
Trong thời gian từ năm 1981-1985, nhiều chuyến khảo sát hỗn hợp được tổ chức với phương tiện là các tàu nghiên cứu của Liên Xô (cũ) như Berill, Kallisto, giáo sư Bogorov, viện sỹ Nhesmianov với các vùng biển khảo sát bao gồm Nam Trung bộ và quần đảo Trường Sa, biển đông nam và tây của Nam Việt Nam.
Trong thời kỳ 1986-1990, song song với thực hiện Chương trình Biển 48B, đã có nhiều chuyến điều tra với sự tham gia của các nhà khoa học Việt Nam trên các tàu của Liên Xô (cũ) như Shirshov và Ocean.
Các chuyến khảo sát này đã thu thập được nhiều số liệu mới về hải dương học vùng thềm lục địa và vùng khơi Biển Đông, đặc biệt là về các điều kiện tự nhiên và nguồn lợi các đảo ven bờ. Hợp tác quốc tế tiếp tục được duy trì trong những năm gần đây. Trong đó đáng ghi nhận là chương trình Hợp tác Việt-Đức về khoa học biển (2003-2009).
Tổng cộng đã thực hiện 9 chuyến khảo sát bằng các tàu lớn là Nghiên Cứu Biển, HQ38 (Việt Nam), tàu SONNE (Đức) và 8 chuyến khảo sát ven bờ bằng các tàu nhỏ.
Nghiên cứu vùng nước trồi và các quá trình liên quan ở vùng biển Nam Việt Nam là một trong những kết quả quan trọng của hợp tác này.
Thực hiện chủ trương hòa nhập khu vực, Chương trình “Khảo sát Nghiên cứu Khoa học biển và Hải dương học phối hợp Việt Nam-Philippines trên Biển Đông” (JOMSRE) được thực hiện từ năm 1996.
Cho tới nay đã có bốn chuyến khảo sát hỗn hợp được tiến hành với sự tham gia của các cán bộ khoa học, ngoại giao, quân sự của hai nước vào các năm 1996, 2000, 2005 và 2007.
Nội dung khảo sát bao gồm vật lý, hóa học, sinh học, địa chất và sinh thái rạn san hô. Vùng khảo sát chủ yếu là ở xung quanh các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Hợp tác hải dương học với Nga đã được khôi phục, điển hình là khảo sát đa dạng sinh học và hóa sinh biển trên tàu Viện sỹ Oparin (2005, 2010) và điều tra khảo sát khí tượng, thủy văn và động lực học Biển Đông (2009-2011).
Hợp tác với các tổ chức quốc tế trong hải dương học và các lĩnh vực khoa học biển khác chỉ mới được tiến hành trong thời gian gần dây.
Một ví dụ nữa là sự tham gia của Việt Nam vào dự án UNEP/GEF “Ngăn chặn xu thế suy thoái môi trường Biển Đông và Vịnh Thái Lan”, với tổng kinh phí 36 triệu USD được GEF tài trợ và do UNEP thực hiện với sự tham gia của 7 nước xung quanh Biển Đông là Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thailand và Việt Nam.
Dự án gồm 4 hợp phần là "Mất mát và suy thoái hệ sinh thái," "Đánh bắt quá mức," "Ô nhiễm từ đất liền" và "Điều phối khu vực," trong đó hợp phần đầu tiên là lớn nhất và gồm 4 tiểu hợp phần là "Rừng ngập mặn," "Rạn san hô," "Thảm cỏ biển" và "Đất nước ven biển."
Các sản phẩm quan trọng của dự án bao gồm dữ liệu và thông tin về các lĩnh vực liên quan ở Biển Đông; các báo cáo quốc gia, các kế hoạch hành động cho từng hợp phần và tiểu hợp phần ở các nước và kế hoạch hành động chiến lược khu vực (SAP) và mạng lưới các điểm trình diễn trong khu vực.
Có thể cho rằng ngành hải dương học Việt Nam hình thành khá muộn và những bước đi đầu tiên của ngành chủ yếu do người Pháp tiến hành. Trước năm 1954, với hoạt động của Viện hải dương học do người Pháp lãnh đạo, một số chuyên gia hải dương học Việt Nam đã được đào tạo, mặc dù số lượng còn rất ít ỏi.
Hoạt động nghiên cứu hải dương học ở Miền Nam trước 1975 chủ yếu được tiến hành trên cơ sở Viện Hải dương học do người Pháp để lại. Các chương trình hợp tác với Trung Quốc và Liên Xô (cũ) trong những năm 1960 đã giúp hình thành đội ngũ cán bộ nghiên cứu hải dương học ở miền Bắc.
Sau khi thống nhất đất nước, ngành hải dương học tiếp tục phát triển từ nền móng đã được hình thành nói trên. Từ những hoạt động hợp tác quốc tế từ sau ngày thống nhất đất nước, ngành hải dương học Việt Nam đã từng bước thực hiện quá trình hội nhập. Bước khởi đầu là sự trao đổi thông tin khoa học và tư liệu khảo sát.
Nhiều chuyên gia trong một số lĩnh vực đã đạt trình độ khu vực và quốc tế, đủ khả năng để tham gia các hoạt động ở tầm khu vực hoặc trở thành chuyên gia của các tổ chức quốc tế. Một số chuyên gia đã chủ động xây dựng các quan hệ đối tác và cùng nhau xây dựng các hoạt động hợp tác chia sẻ trách nhiệm tổ chức thực hiện và đáp ứng lợi ích của các bên.
Một số chuyên gia về biển của Việt Nam cũng đã tham gia tích cực vào việc xây dựng các kế hoạch hành động, hoặc chiến lược phát triển của các tổ chức hay mạng lưới liên quan đến hải dương học nói riêng và khoa học-công nghệ biển nói chung.
Về mặt tổ chức, Việt Nam hiện có một số cơ quan nghiên cứu liên quan đến hải dương học, bao gồm một số viện chuyên ngành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trung tâm Hải văn (Tổng cục Biển và Hải Đảo Việt Nam) và các khoa thuộc một số trường đại học. Trong đó, Viện Hải dương học được biết đến nhiều nhất bởi nhiều tổ chức, cơ quan và chuyên gia trên thế giới./.