Ngành hàng không muốn vay thêm 30.000 tỷ: Ngân hàng Nhà nước nói gì?

Trước đề xuất của các hãng hàng không, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm lãi suất, áp dụng cho vay tín chấp... nhằm giúp ngành này sớm hồi phục.
Ngành hàng không muốn vay thêm 30.000 tỷ: Ngân hàng Nhà nước nói gì? ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính để đề xuất gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho các hãng hàng không và sớm đệ trình lên Chính phủ.

Đó là ý kiến của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tại cuộc làm việc giữa Ngân hàng Nhà nước với một số bộ ngành, các ngân hàng thương mại và các hãng hàng không diễn ra chiều ngày 28/9 tại Hà Nội.

Mỗi ngày phải chi 100 tỷ cho máy bay... đắp chiếu

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch-Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam, cho biết số lượng chuyến bay và hành khách 6 tháng đầu năm 2021 giảm 60%-70% so với thời điểm trước dịch. Đăc biệt từ cuối tháng Năm đến nay, doanh thu của ngành hàng không giảm 80%-90%. "Toàn bộ các đường bay thương mại quốc tế đều đã bị dừng và phải hàng năm nữa mới có thể được khôi phục trở lại cũng như có thể phải mất nhiều năm mới đạt lại mức trước dịch," ông Nề cho hay.

Cũng theo ông Bùi Doãn Nề, mỗi ngày, các hãng hàng không phải chi trên 100 tỷ đồng trong thời gian máy bay phải ngừng bay, nằm tại các sân bay từ 80%-90%.

Dù vậy, đại diện các hãng hàng không cũng đánh giá cao Nhà nước và ngành ngân hàng đã có những hỗ trợ rất thiết thực cho các doanh nghiệp trong ngành hàng không, góp phần giảm bớt khó khăn, thiệt hại cho các doanh nghiệp trong ngành như giảm bớt nhiều loại phí, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu hàng không; khoanh, dãn nợ cho các doanh nghiệp hàng không.

[Gói cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp: Cần phải đến đúng đối tượng]

Các ngân hàng thương mại cũng đã cho nhiều doanh nghiệp hàng không vay vốn để cải thiện tính thanh khoản trong giai đoạn khó khăn.

Ông Nề cho biết thêm, hiện nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng bay lớn nhất Việt Nam đã lên tới 36.000 tỷ đồng (riêng Tổng công ty hàng không Việt Nam-VNA là 20.000 tỷ đồng). Vì vậy, Hiệp hội doanh nghiệp hàng không kiến nghị ngành ngân hàng cho các doanh nghiệp hàng không vay khoảng trên 30.000 tỷ đồng để trang trải các khoản nợ phải trả (trong đó VNA cần hỗ trợ vốn vay ưu đãi 10.000-12.000 tỷ đồng, Vietjet trên 10.000 tỷ đồng, Bamboo 5.000 tỷ đồng, Pacific Airlines 5.700 tỷ đồng, Vietravel 1.000 tỷ đồng).

“Chúng tôi mong muốn ngành ngân hàng áp dụng cơ chế tái cấp vốn vay lãi suất 0% như đã áp dụng với VNA cho các hãng hàng không khác với quy mô vốn từ 4.000 tỷ đồng, thời hạn tối đa 3 năm. Đặc biệt, cho phép các hãng hàng không thuộc Hiệp hội được vay gói hỗ trợ 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất (ngân sách cấp bù lãi suất 4%) với thời hạn 3-4 năm,” ông Nề đưa ra kiến nghị.

Trong khi đó, ông Trần Thanh Hiền-kế toán trưởng Vietnam Airlines cũng kiến nghị cần có một cơ chế tổng thể để hỗ trợ cho các hãng hàng không vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Theo ông Hiền, để đạt hiệu quả cao, cơ chế đó phải phù hợp với thực tế của các hãng hàng không hiện nay (không có tài sản bảo đảm, thời gian hồi phục kéo dài...), nếu không sẽ rất khó triển khai. Các doanh nghiệp cũng cần các ngân hàng kéo dài thời gian cơ cấu lại các khoản nợ, giảm lãi suất, được duy trì hạn mức tín dụng...

"Với thực tế hiện nay, không hãng hàng không nào có thể vượt qua được đại dịch nếu không nhận được hỗ trợ từ Nhà nước - cổ đông - các đối tác - giải pháp nội lực từ các hãng hàng không," ông Hiền bày tỏ.

Trong khi đó, đại diện hãng Bamboo Airway lại cho rằng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ với các doanh nghiệp hàng không chưa được nhiều. Để tồn tại, thời gian qua Bamboo đã phải 'tự thân vận động' bằng cách làm việc với tất cả các đối tác, các nhà cung cấp để yêu cầu giảm các khoản phí. Tuy nhiên, những giải pháp đó chỉ trong ngắn hạn và đến nay các đối tác và nhà cung cấp đã bắt đầu yêu cầu Bamboo có kế hoạch trả nợ.

Do vậy, để vượt qua khó khăn, đại diện Bamboo đề nghị các giải pháp giảm lãi suất của ngành ngân hàng nên kéo dài đến hết năm 2022 đồng thời cho phép các hãng bay được vay thêm các khoản vay mới.

Sẽ tạo điều kiện cho các hãng hàng không vay vốn

Tại cuộc họp, ông Trần Long, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho biết tổng hạn mức mà BIDV cấp cho VNA và Bamboo là 3.300 tỷ đồng và hiện dư nợ cấp cho hai hãng này là 2.800 tỷ đồng. Ngoài cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, BIDV cũng giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu với lãi suất rất ưu đãi cho doanh nghiệp. Nếu cộng thêm các chi phí như bảo hiểm tiền gửi, dự trữ bắt buộc… thì margin là âm.

Vì vậy, lãnh đạo BIDV kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét tháo gỡ khó khăn cho các ngân hàng trong việc thực hiện các chính sách tài trợ cho các hãng hàng không đang lỗ liên tục và chưa xác định rõ được khả năng trả nợ trong tương lai.

Ngành hàng không muốn vay thêm 30.000 tỷ: Ngân hàng Nhà nước nói gì? ảnh 2Toàn cảnh buổi làm việc giữa Ngân hàng Nhà nước và các hãng hàng không. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

“Đây là khó khăn của ngân hàng khi tiếp tục cấp vốn, duy trì và gia tăng hạn mức cho các hãng hàng không. Vì nếu như theo chính sách cấp tín dụng, BIDV phải giảm dần dư nợ, yêu cầu doanh nghiệp trả nợ. Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn cho hãng hàng không, BIDV vẫn cấp vốn lưu động cho các hãng hàng không duy trì hoạt động,” ông Trần Long cho biết.

Cùng quan điểm, ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank), cho hay hiện tổng dư nợ cho vay hệ sinh thái hàng không đạt gần 5.000 tỷ đồng.

“Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ cho ngành hàng không trong giai đoạn này để sớm hồi phục. Tuy nhiên, chúng tôi kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nới giới hạn về tín dụng cho HDBank vì hiện room tín dụng của ngân hàng đã gần chạm ngưỡng 10% cho phép. Hiện tại, ngân hàng chỉ có thể cấp tín dụng cho các khoản vay nhỏ, không thể cấp tín dụng cho các khoản vay lớn,” ông Thanh nêu ý kiến.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết cập nhật đến hiện tại, dư nợ ngành hàng không là khoảng 24.000 tỷ đồng, chủ yếu được vay với lãi suất ưu đãi 5%. Như vậy, nếu cộng cả đề xuất cho vay thêm 30.000 tỷ đồng thì dư nợ sẽ "đội' lên 50.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này so với tổng dư nợ toàn nền kinh tế là gần 10 triệu tỷ đồng thì không phải là quá lớn.

Cũng theo Phó Thống đốc, khi kiểm soát dịch thành công, hoạt động hàng không nới lỏng hơn thì dòng tiền của các hãng hàng không sẽ quay về và bù đắp lại rất nhanh. Điều này khác hẳn một số lĩnh vực kinh tế khác, có khi phải tốn thời gian 5-7 năm thì mới có dòng tiền về. Do vậy, Phó Thống đốc khẳng định ngành ngân hàng sẽ ưu tiên tạo điều kiện cho các hãng hàng không vay vốn.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đề nghị các ngân hàng thương mại chủ động cho vay ưu tiên vì đây là lĩnh vực quan trọng. Nếu việc cơ cấu lại nợ từ nay đến 30/6/2022 mà tình hình diễn biến còn khó khăn thì Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều chỉnh Thông tư 01, 03 và 14 để hỗ trợ.

"Các ngân hàng thương mại được đề nghị giảm lãi suất và mạnh dạn cho các hãng hàng không vay tín chấp. Do nhu cầu vốn lớn nên nếu cần tăng hạn mức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước sẽ nới bổ sung," ông Tú nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.