Ngành nông nghiệp sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu trên 40 tỷ USD

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 9 tháng năm 2020 đạt 30,05 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019, và với tốc độ này, năm nay ngành sẽ đạt được mục tiêu xuất khẩu trên 40 tỷ USD.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy ở tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: TTXVN)

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sáng 6/10 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 9 tháng đạt 30,05 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Với tốc độ này, năm nay ngành sẽ đạt được mục tiêu xuất khẩu trên 40 tỷ USD.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho biết từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam vào thị trường EU đã đạt 766,3 triệu USD; trong đó, tháng 8 xuất khẩu tăng 11,5% so tháng 7, tháng 9 tăng trên 30% so với tháng 7 và bình quân 2 tháng gần đây tăng trên 20%.

Với thuế suất bằng 0% sẽ kéo cơ cấu sản xuất phát triển từ hàng hóa đến quản trị doanh nghiệp.

[Nông, lâm, thủy sản xuất siêu 7,25 tỷ USD trong 9 tháng]

Để tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng các ngành hàng phải chuẩn hóa từ giống, quy trình sản xuất, vận chuyển, chế biến... Từng ngành hàng với các giải pháp chủ động trong sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu để đạt các mục tiêu của năm 2020.

Về nông nghiệp, diện tích sản xuất cây lương thực năm nay là 7,2 triệu ha, giảm nhẹ do chuyển đổi cây trồng bởi xâm nhập mặn. Tuy nhiên, do năng suất tăng nên tuy có giảm về diện tích nhưng sản lượng lương thực năm nay sẽ đạt 43 triệu tấn trở lên.

Cục Trồng trọt đang theo dõi tình hình bão, lũ và tăng cường kiểm soát tình hình sản xuất lúa vụ Thu Đông và vụ Mùa đảm bảo đúng tiến độ và kế hoạch đề ra.

Bên cạnh đó, Cục Trồng trọt chỉ đạo tăng cường đầu tư, chăm sóc cây công nghiệp, cây ăn quả sau khi trải qua mùa khô hạn, xâm nhập mặn kéo dài.

Với cây công nghiệp, cây ăn quả, ngành nông nghiệp tiếp tục theo dõi tình hình sản xuất cây ăn trái các tỉnh phía Nam, đặc biệt là nắm bắt sản lượng các loại cây ăn quả chủ lực phục vụ xuất khẩu như thanh long, nhãn, xoài, chôm chôm, sầu riêng, để có đề xuất chỉ đạo rải vụ các đối tượng cây trồng này phù hợp với thị trường tiêu thụ.

Nông dân Hợp tác xã Long Trì (huyện Châu Thành, Long An) thu hoạch thanh long xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Trong 9 tháng qua, chăn nuôi trên cả nước phát triển khá tốt, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp để đẩy nhanh tái đàn lợn, phát triển chăn nuôi bò, gia cầm... đảm bảo nguồn cung thực phẩm, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nhờ đó, đây là lĩnh vực trong quý 3 giá trị sản xuất tăng cao nhất với 9,67%; lũy kế 9 tháng lĩnh vực này tăng 3,76%.

Riêng đàn lợn cả nước đang dần được khôi phục, tuy nhiên việc tái đàn tại các địa phương nhìn chung vẫn còn chậm so với kỳ vọng. Tổng số lợn tăng khoảng 3,6% so với cùng thời điểm năm 2019.

Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết thêm đàn lợn đã tăng 12% so với đầu năm 2020. Nguồn cung cho thị trường trong nước chủ yếu là từ tái đàn. Với tốc độ tái đàn hiện nay, đàn lợn dự kiến sẽ tăng tăng 14% trong quý 4/2020. Nguồn cung thịt lợn vào cuối năm sẽ đáp ứng được nhu cầu.

Về thủy sản, sản xuất thủy sản tuy vẫn tăng trưởng khá nhưng tốc độ tăng thấp nhất từ năm 2016. Giá trị sản xuất lĩnh vực thủy sản quý 3 tăng 2,5% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng, giá trị sản xuất tăng 2,48%.

Tổng cục Thủy sản hướng dẫn các địa phương tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản các đối tượng nuôi chủ lực (tôm sú, tôm chân trắng, cá tra) và các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng nâng cao giá trị thương mại và phát triển bền vững. Ngành phối hợp với địa phương, hiệp hội để tháo gỡ khó khăn đối với cá tra, phục hồi nuôi cá tra.

Bên cạnh đó, ngành triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả các khuyến nghị mà Liên minh châu Âu đưa ra đối với Việt Nam để gỡ “thẻ vàng” và hướng tới phát triển thủy sản biển bền vững.

Về lâm nghiệp, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp chế biến gỗ gặp khó khăn bởi nhiều đơn hàng xuất khẩu gỗ bị hủy hoặc chậm thanh toán nên giảm thu mua gỗ nguyên liệu, dẫn đến chuỗi cung ứng gỗ bị giảm.

Cả nước đã thu được 1.424 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, đạt 50% kế hoạch thu năm 2020 và bằng 76% so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết ngành đang tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp khôi phục sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm sản.

Dự kiến năm nay, tỷ lệ che phủ rừng sẽ đạt 42%; kim ngạch xuất khẩu lâm sản chắc chắn đạt trên 12 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục