Ngành nông nghiệp: Thiếu hụt trầm trọng nhân lực trình độ cao

Ngành nông nghiệp đang phải đối mặt với nhiều thách thức về yêu cầu đổi mới công nghệ, thực hành bền vững, tăng năng suất... do đó nhu cầu tuyển dụng kỹ sư nông nghiệp có chuyên môn ngày càng tăng.
Số lượng người học trong ngành nông nghiệp đang ngày càng suy giảm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Việc doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp ngày càng cần nguồn lao động đã qua đào tạo nhưng do nguồn cung suy giảm dẫn đến ảnh hưởng lớn đến việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, kinh doanh. Đặc biệt, việc thiếu hụt này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Thông tin này được đưa ta tại hội nghị hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức ngày 11/7 tại Hà Nội.

Số người học ngành nông nghiệp ngày càng ít

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022 cả nước có hơn 521.000 sinh viên nhập học ở 25 lĩnh vực đào tạo. Trong đó, chỉ có 7.100 sinh viên nhập học khối ngành nông lâm nghiệp, thuỷ sản, thú y - chiếm tỷ lệ 1,37%.

Chia sẻ thực trạng tuyển sinh tại Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế), ông Trần Thanh Đức, Hiệu trưởng nhà trường cho biết thời điểm cao nhất tuyển sinh được hơn 2.300 sinh viên là năm 2015 nhưng đã giảm đáng kể ở các năm tiếp theo. Cụ thể, đến năm 2016, nhà trường tuyển sinh được hơn 1.700 và năm 2017 tuyển sinh hơn 1.200 sinh viên. Đặc biệt trong 5 năm gần đây từ 2018-2022, hàng năm nhà trường chỉ tuyển sinh được khoảng 750-1.000 sinh viên, chỉ đạt khoảng 40% so với dự kiến.

[Việt-Nhật liên kết đào tạo nhân lực chất lượng cao ngành nông nghiệp]

Sự suy giảm về số lượng người học trong ngành nông nghiệp không chỉ diễn ra ở đào tạo đại học mà đối với giáo dục nghề nghiệp. Ông Ngô Hồng Giang, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết hệ đào tạo cao đẳng sơ cấp và dạy nghề ngắn hạn đang sụt giảm nhanh. Trình độ cao đẳng có xu hướng suy giảm từ hơn 6.000 học sinh năm 2016 xuống còn hơn 4.300 vào năm 2021. Một số trường đạt dưới 50% chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo cao đẳng so với chỉ tiêu đăng ký.

Hệ trung cấp cũng giảm từ hơn 2.900 học sinh từ năm 2017 xuống còn hơn 2.100 năm 2021, giảm tới 39%. Hệ sơ cấp và dạy nghề dưới ba tháng cũng giảm mạnh từ hơn 2.400 học sinh năm 2016 xuống còn 532 học sinh năm 2021.

“Đặc biệt, một số ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản truyền thống là khoa học đất, khuyến nông, khai thác thuỷ sản, quản lý và khai thác nguồn lợi biển đảo; lâm sinh, lâm học, quản lý tài nguyên rừng có rất ít hoặc thậm chí không có sinh viên đăng ký theo học,” ông Ngô Hồng Giang cho hay.

Các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo trao thỏa thuận hợp tác đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trái ngược với xu hướng tuyển sinh ngày càng giảm thì nhu cầu về nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản lại ngày càng tăng. Trong 5 năm gần đây, hầu hết các doanh nghiệp cho biết đang thiếu hụt trầm trọng nhân lực trình độ đại học.

Ông Trần Thanh Đức cho biết ở trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế trong giai đoạn 2018-2023, hàng năm các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khoảng 2.200-3.000 kỹ sư, bác sỹ thú y nhưng số sinh viên ra trường hàng năm chỉ có 1.500-2.000 người, mới chỉ đáp ứng 2/3 nhu cầu tuyển dụng.

Theo ông Đức, số liệu khảo sát sinh viên nhà trường năm 2022 cho thấy sinh viên sau khi tốt nghiệp chủ yếu làm việc ở các doanh nghiệp trong và ngoài nước chiếm tới hơn 86%, làm việc tại các doanh nghiệp Nhà nước chỉ chiếm hơn 11% và hơn 1% tự tạo việc làm.

Chi sẻ từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển bền vững, Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN cho biết ngành nông nghiệp đang phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau như yêu cầu tiến bộ công nghệ, thực hành bền vững và tăng năng suất. Để giải quyết những thách thức này, nhu cầu tuyển dụng các kỹ sư có chuyên môn về nông nghiệp và thuỷ sản ngày càng tăng.

"Bắt tay" phát triển nguồn nhân lực

Ông Nguyễn Trung Anh chỉ ra rằng lực lượng lao động suy giảm nhanh và trình độ đào tạo thấp khiến sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm nông nghiệp thấp, khả năng thích ứng với biến động của thị trường và công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường còn hạn chế. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo cần có sự hợp tác để nâng cao chất lượng, thu hút được nguồn nhân lực trong ngành nông nghiệp.

Theo ông Nguyễn Trung Anh, các chương trình đào tạo và thực tập thực tế nên có sự hợp tác với các doanh nghiệp nông nghiệp. Đặc biệt, các chương trình đào tạo có thể được thiết kế để kết hợp giải quyết những vấn đề thực tế của doanh nghiệp, chú trọng sử dụng công nghệ và thực hành bền vững.

Bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ kinh nghiệp hợp tác với doanh nghiệp. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo, bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ nhờ phối hợp với doanh nghiệp nên chất lượng đào tạo tại trường đã được tăng lên.

Theo bà Nguyễn Thị Lan, thông qua hợp tác với các doanh nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đổi mới 43 chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tiễn; xây dựng và phát triển 9 chương trình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp (POHE); tăng kỹ năng mềm, kỹ năng nghề nghiệp và kiến thức thực tiễn của sinh viên. Nhờ đó, tỷ lệ sinh viên có việc làm đã tăng lên 97%, công tác tuyển sinh cũng thuận lợi, thu hút được nhiều sinh viên khá, giỏi vào lĩnh vực nông nghiệp.

Khẳng định nhu cầu tăng cường tự động hoá, đưa công nghệ mới vào ngành nông nghiệp đang mở ra cơ hội để các trường tham gia vào đổi mới đào tạo chất lượng cao, ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm trao quyền tự chủ nhiệm vụ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bởi, trong thực tế để liên kết, hợp tác với doanh nghiệp cần phải có sự linh hoạt, mở trong quá trình tổ chức giáo dục và đào tạo.

“Hiện nay, nhà trường nếu muốn điều chỉnh nhiệm vụ thì phải chờ cấp phép, xin phép. Thời gian cho việc này nhanh cũng phải chờ cả tháng. Nếu không trao quyền tự chủ nhiệm vụ thì nhà trường sẽ rất khó hợp tác với doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp thì không chờ đợi,” ông Đồng Văn Ngọc cho hay.

Ông Đồng Văn Ngọc dẫn chứng: “Ở trường chúng tôi, khi doanh nghiệp đặt vấn đề hợp tác họ chỉ chờ câu trả lời trong 3 ngày, nếu nhà trường phải bàn thảo quá nhiều, tính tự chủ, quyết định của lãnh đạo nhà trường mà chậm trễ thì sẽ mất đi cơ hội hợp tác. Do đó, lãnh đạo nhà trường phải linh hoạt trong điều hành, quản trị, có tính quyết đoán và chịu trách nhiệm rất cao.”

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đã bày tỏ mong muốn doanh nghiệp sẽ là những người hiến kế, có nhiều sáng kiến để giúp Bộ, Chính phủ trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực trong ngành nông nghiệp. Doanh nghiệp có thể trở thành ban cố vấn của nhà trường, cùng nhà trường xây dựng, cách tân chương trình đào tạo để giảng dạy cho phù hợp với thực tế. 

"Tư duy mở 'thực học là thực nghiệm,' 'lấy người học làm trung tâm' chỉ phát huy khi có doanh nghiệp đến với các trường đại học, cơ sở đào tạo và sinh viên, giáo viên chủ động bước ra khỏi cổng trường đến với doanh nghiệp, nhà máy, nông trại...," Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục