“Năm 2020, Tổng cục Thuế thực hiện thu ngân sách đạt 1,29 triệu tỷ đồng, bằng 101,9% dự toán (vượt 24.349 tỷ đồng) và vượt 175.849 tỷ đồng so với số ước thu đã báo cáo Quốc hội,” ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế thông tin tại Hội nghị Tổng kết công tác thuế năm 2020 và triển khai các giải pháp thực hiện nhiệm vụ công tác thuế năm 2021, ngày 5/1, tại Hà Nội.
Cụ thể, thu từ dầu thô đạt 34.576 tỷ đồng, bằng 98,2% dự toán và thu nội địa đạt 1,24 triệu tỷ đồng, tương ứng 102% dự toán.
Để đạt được kết quả trên, Tổng cục trưởng cho biết đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên phạm vị toàn cầu đã tác động tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực, trong đó nhiều lĩnh vực của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề và khiến hàng triệu lao động thiếu hoặc mất việc làm, thu nhập giảm sâu.
Thêm vào đó, thiên tai, lũ lụt đã gây thiệt hại lớn ở các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên tác động tiêu cực đến sản xuất, đời sống và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thu ngân sách.
Trong bối cảnh đó, Tổng cục Thuế đã chủ động đánh giá tác động của thiên tai, dịch bệnh đến số thu ngân sách Nhà nước theo các kịch bản tăng trưởng và tham mưu cho Chính phủ, Bộ Tài chính về các phương án để chủ động cân đối ngân sách năm 2020.
“Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý thu ngân sách Nhà nước, kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, tăng cường chống thất thu gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính…, tăng cường quản lý, hạn chế nợ đọng thuế, góp phần tạo ra môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng và khai thác tăng thêm nguồn thu cho ngân sách,” ông Tuấn chia sẻ.
41/63 địa phương có tăng trưởng thu
Báo cáo của Tổng cục Thuế cho hay so với dự toán, cả nước đã có 55/63 địa phương ước hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán và có một số địa phương vượt trên 10% như Ninh Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế, Lào Cai…, như vậy cả nước đã có 41/63 địa phương có tăng trưởng thu.
Đóng góp vào kết quả chung, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn chia sẻ tính đến 17 giờ ngày 31/12/2020, tổng thu ngân sách Nhà nước do Cục Thuế Hà Nội quản lý đạt khoảng 265.890 tỷ đồng, bằng 102,1% dự toán, tăng 5,9% so với thực hiện năm 2019.
Theo ông Sơn, kết quả trên có được là do cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế đã nỗ lực vượt qua khó khăn và sự quan tâm chỉ đạo sát sao có định hướng cụ thể của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đối với công tác thu ngân sách và hỗ trợ doanh nghiệp.
Bên cạnh đó có sự phối hợp chặt chẽ có hiệu quả của các đơn vị thuộc trong toàn tài chính cùng cả hệ thống chính trị của địa phương trong công tác thu ngân sách, sự đoàn kết đồng lòng và nỗ lực triển khai thực hiện tốt các giải pháp quản lý thuế đề ra ngay từ đầu năm.
Với Quảng Ninh, đại dịch COVID-19 bùng phát với tốc độ lây lan nhanh, diễn biến khó lường, đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội tại địa phương. Trong đó, nhiều hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là một số lĩnh vực công nghiệp (sản xuất than, điện), dịch vụ, vận tải và du lịch,...
Theo đại diện Cục Thuế Quảng Ninh, ngành thuế đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế như tăng cường chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế và thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý thu hồi nợ thuế. Cùng với đó, cơ quan thuế tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm thời gian, chi phí cho người nộp thuế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác thu thuế.
“Mặc dù gặp khó khăn, thách thức lớn, nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cùng sự phối hợp chặt chẽ kịp thời của các sở, ngành, địa phương và sự nỗ lực, quyết tâm của cán bộ công chức ngành, nhiệm vụ công tác thuế năm 2020 đã đạt được kết quả quan trọng với tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 37.158 tỷ đồng, đạt 104,5% dự toán, bằng 107% so với cùng kỳ năm ngoái,” đại diện Cục Thuế Quảng Ninh cho hay.
Quyết tâm phòng chống “virus trì trệ”
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đánh giá ngành tài chính nói chung, ngành thuế nói riêng đã rất nỗ lực và đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào thành công chung về phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 của đất nước, đặc biệt là công tác thu và quản lý thu ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng nhấn mạnh ngành thuế cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá khách quan và kỹ hơn một số tồn tại, hạn chế của ngành để tập trung khắc phục, có giải pháp đột phá trong thời gian tới.
Phó thủ tướng chỉ ra mặc dù chính sách về thuế dần được hoàn thiện, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn phát triển (như chính sách thuế VAT đối với mặt hàng phân bón, vẫn chưa bảo đảm công bằng giữa phân bón nhập khẩu và phân bón sản xuất trong nước).
“Do đó, các chính sách phải được hoàn thiện theo hướng vừa bảo đảm nguồn thu, vừa nuôi dưỡng nguồn thu, bao quát nguồn thu đồng thời bảo đảm công bằng, khuyến khích hoạt động sản xuất kinh doanh như thế mới tạo ra nguồn thu bền vững,” Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng đã chỉ ra trong ngành vẫn còn xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, khiếu nại, khiếu kiện của doanh nghiệp, người nộp thuế cũng như kỷ luật kỷ cương ở một số nơi còn chưa nghiêm, vẫn còn hiện tượng cán bộ vi phạm, phải xử lý.
Do đó, Phó thủ tướng đề nghị ngành thuế phải có nhìn nhận thấu đáo, chỉ ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan, áp dụng đúng quy định của pháp luật nhưng không cứng nhắc, thấu tình đạt lý, tăng cường chủ động, trách nhiệm trong công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan, đối thoại, giải thích với doanh nghiệp để tìm giải pháp xử lý dứt điểm, thấu đáo trong thời gian tới, giảm thiểu khối lượng công việc phải đẩy lên Chính phủ, Thủ tướng.
“Ngành thuế không được để tình trạng ‘trên nóng, dưới lạnh’ và phải quyết tâm phòng chống ‘virus trì trệ.’ Hiện nay, tình trạng nợ đọng thuế còn lớn, người nộp thuế chây ỳ, trốn thuế, chuyển giá vẫn còn diễn ra, điều này làm giảm tính công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế và tính lành mạnh của môi trường kinh doanh, nhất là các hoạt động kinh doanh liên quan đến sử dụng công nghệ đa quốc gia tại Việt Nam,” Phó Thủ tướng nêu ra.
Thời gian tới, tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi phức tạp, nhanh chóng, khó đoán định. Đại dịch COVID-19 vẫn chưa thể được ngăn chặn một sớm, một chiều, thế giới tiếp tục đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng nhiều mặt, cả về y tế, kinh tế, xã hội và quản trị, có thể tiếp tục kéo dài trong các năm 2021-2022…
Trong nước, năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng-năm tiến hành Đại hội lần thứ XIII, năm đầu quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội, trong đó có Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
“Vì vậy, toàn ngành thuế cần chủ động, tích cực quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện thật tốt, ngay từ đầu năm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ bằng những chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, phù hợp với thực tế, có tính khả thi cao, ngành thuế phải tích cực, chủ động, năng động, sáng tạo trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để đạt được kết quả tốt hơn thời gian qua,” Phó Thủ tướng nói./.
Ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế phát biểu: