Do ảnh hưởng kết hợp của không khí lạnh với rìa phía Bắc dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Nam Trung Bộ và nhiễu động trong đới gió Đông trên cao, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có mưa to và rất to từ ngày 27-28/10.
Lượng mưa tại các huyện A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc phổ biến 150-250mm, một số nơi cao hơn như huyện Nam Đông 300mm và Bạch Mã (huyện Phú Lộc) 440mm. Mưa lớn kéo dài đã khiến nhiều địa phương bị ngập lụt và sạt lở đất.
Trong đêm 27/10 và sáng sớm 28/10, mưa lớn ở vùng đồng bằng đã gây ngập úng, ngập lụt cục bộ thoát chậm 0,1-0,2m ở một số tuyến đường nội đô thành phố Huế như Phan Anh, Nguyễn Duy Trinh và Nguyễn Hữu Cảnh. Đến đầu giờ chiều 28/10, nước đã rút.
Tại huyện Quảng Điền, một số đường giao thông liên xã, liên thôn thuộc các xã Quảng An, Quảng Thành, Quảng Thọ, Quảng Vinh, Quảng Phước, Quảng Thái còn ngập cục bộ từ 0,1-0,15m.
[Thừa Thiên-Huế: Nhiều khu vực bờ sông, bờ biển sạt lở nguy hiểm]
Mưa lớn còn khiến tuyến đường Hồ Chí Minh qua huyện A Lưới và Quốc lộ 49 bị sạt lở tại một số điểm. Ngành giao thông địa phương đã huy động phương tiện, máy móc và nhân lực xử lý nhiều khối đất đá trên mặt đường để thông tuyến, đảm bảo an toàn, đi lại cho bà con.
Do nước sông dâng cao, nước chảy mạnh đã làm sạt lở hơn 2,67km bờ sông Hương và sông Bồ. Cụ thể, sụt lún khoảng 100m sát bờ sông Hương đoạn qua phường Hương Hồ (thành phố Huế) và sạt lở khoảng 100m bờ sông Hương tại phường Thủy Bằng (thành phố Huế). Nhiều đoạn bờ sông Bồ bị sạt lở từ 20-500m ở các đoạn qua địa phận thị xã Hương Trà và huyện Quảng Điền.
Đặc biệt, triều cường, sóng lớn, gió mạnh trên biển đã gây ra tình trạng xói lở bờ biển dài khoảng 1.000m đoạn qua thôn Tân An, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang và sạt lở bờ biển dài khoảng 250m, ăn sâu vào đất liền khoảng 5m ở bờ biển thôn Thái Dương Hạ Bắc, xã Hải Dương, thành phố Huế.
Theo thống kê từ 7 giờ ngày 27/10 đến 7 giờ ngày 28/10, lượng mưa đo được tại các trạm khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế dao động từ 62-440m. Một số trạm có lượng mưa lớn là Thượng Nhật, Khe Tre (huyện Nam Đông) và Bạch Mã (huyện Phú Lộc).
Trong sáng 28/10, mực nước trên triền sông Hương tại trạm Kim Long (thành phố Huế) ở trên báo động một là 0,66m. Trên triền sông Bồ, mực nước tại trạm Phú Ốc đo được đạt 2,62m dưới báo động hai là 0,38m. Mực nước sông Ô Lâu tại xã Phong Bình (huyện Phong Điền) là 2,12m.
Vào lúc 7 giờ cùng ngày, trên địa bàn tỉnh, có 45/55 hồ chứa thủy lợi đã đạt mực nước dâng bình thường. Các hồ chứa nước có cửa van còn lại chưa đạt mực nước dâng bình thường do quy trình vận hành các hồ này chưa tích nước.
Dự báo, do ảnh hưởng kết hợp của không khí lạnh với nhiễu động trong đới gió Đông trên cao nên từ nay đến ngày 31/10, ở Thừa Thiên Huế sẽ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Trong cơn dông cần đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh. Bên cạnh đó, khả năng xuất hiện một đợt lũ trên địa bàn; đỉnh lũ trên các sông ở mức xấp xỉ báo động 2.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét ở miền núi, sạt lở đất ở các sườn dốc, ven sông, suối, vùng núi, đặc biệt là các huyện: Phong Điền, A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc và thị xã Hương Trà. Khu vực ven sông, suối có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt và ngập úng vùng trũng thấp, đặc biệt là các huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc, Phú Vang, thành phố Huế và thị xã Hương Trà. Cấp độ rủi ro thiên tai dự báo là cấp một.
Để ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lũ, trong những ngày qua, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chỉ đạo các hồ chứa nước vận hành xả để có dung tích phòng lũ theo quy trình đã được phê duyệt.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã và thành phố Huế tiếp tục kiểm tra, rà soát các vị trí có nguy cơ sạt lở; chuẩn bị các phương án sơ tán, di dời các hộ dân các khu vực có nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất; bố trí các biển cảnh báo, phân luồng giao thông tại các vị trí sạt lở và sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng trực để xử lý khi có yêu cầu./.