Nhân dịp Ngày Gấu Việt Nam 2018 (26/11), Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), cùng các tổ chức phi chính phủ về bảo vệ gấu đã tổ chức lễ phát động cuộc thi viết thư cho chủ gấu với tên gọi “Hãy cho gấu cuộc sống tốt đẹp hơn” tại Trường phổ thông quốc tế Newton, Hà Nội.
Cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức và kêu gọi giới trẻ thể hiện vai trò tích cực trong các nỗ lực bảo vệ gấu. Đồng thời mang đến cơ hội cho các bạn trẻ tham gia viết những lá thư gửi đến các chủ nuôi nhốt gấu, khuyến khích họ sớm tự nguyện chuyển giao gấu đến các trung tâm cứu hộ.
Ngày Gấu Việt Nam năm nay được tổ chức, đánh dấu một năm với nhiều thành tựu trong các nỗ lực chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu tại Việt Nam. Tính đến tháng 10/2018, số lượng gấu bị nuôi nhốt trên cả nước chỉ còn khoảng gần 800 cá thể, giảm đáng kể so với hơn 4.300 cá thể gấu từng bị nuôi nhốt tại hàng trăm cơ sở trên cả nước vào năm 2005.
Chỉ riêng trong tháng 11 này, ba cá thể gấu nuôi tại 3 tỉnh Đồng Nai, Bến Tre và Lâm Đồng đã được chủ gấu chuyển giao đến các trung tâm cứu hộ, nâng tổng số gấu được tự nguyện chuyển giao trong năm nay lên 18 cá thể.
Bên cạnh đó, Ninh Bình, Cần Thơ và Bến Tre là ba tỉnh mới nhất thành công chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu trong năm nay, nâng tổng số địa phương không có gấu nuôi nhốt trong cả nước lên con số 23.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ENV, cuộc chiến bảo vệ gấu sẽ chỉ có thể kết thúc thắng lợi nếu nhận được sự ủng hộ và chung tay từ cả cộng đồng.
[Làm rõ nghi vấn doanh nhân khoe nhậu chim quý đắt hơn ngà voi]
Từ góc độ tổ chức vận động chính sách, bà Nguyễn Phương Dung, Phó giám đốc ENV cho rằng đã đến lúc gia tăng áp lực để các chủ gấu từ bỏ hoạt động nuôi nhốt gấu. “Những chủ gấu cần phải hiểu rằng kinh doanh mật gấu ở Việt Nam là vi phạm pháp luật hình sự. Cộng đồng cũng đang quay lưng bằng việc không sử dụng mật gấu và các sản phẩm từ gấu,” bà Dung nói.
Phó giám đốc ENV cũng cho biết, với sự ra đời của nhiều trung tâm cứu hộ, phúc lợi gấu trên khắp cả nước, nhiều chủ nuôi gấu đã tự nguyện chuyển giao nhằm đem đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho các cá thể gấu nuôi của mình tại các trung tâm cứu hộ chuyên biệt này.
Tại đây, các cá thể gấu được chăm sóc sức khỏe, phục hồi bản năng, tận hưởng tự do ở khu bán hoang dã rộng lớn và sẽ không phải chịu đựng những đau đớn vì bị trích hút mật chỉ bởi nhu cầu sử dụng của con người.
Chính vì thế, “cuộc thi lần này hy vọng sẽ đem đến cơ hội cho cộng đồng chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của họ với những chủ nuôi nhốt gấu, từ đó đóng góp vào các nỗ lực chung nhằm chấm dứt hoàn toàn hoạt động nuôi nhốt gấu tàn nhẫn và bất hợp pháp này,” bà Dung nhấn mạnh.
Ngoài ra, bà Dung cũng kêu gọi cộng đồng cam kết không sử dụng mật gấu, lan tỏa thông điệp bảo vệ gấu đến những người xung quanh và thông báo các vi phạm về gấu đến đường dây nóng miễn phí bảo vệ động vật hoang dã 1800-1522./.
Các tác giả có bài dự thi có thể gửi tới Trung tâm Giáo dục thiên nhiên, theo địa chỉ: Phòng 1701, nhà 17T5 Hoàng Đạo Thúy, Thanh Xuân, Hà Nội.
Thời gian nộp bài tính từ ngày hôm nay (26/11) đến ngày 15/3/2019. Lễ trao giải sẽ được trao vào tháng 9/2019.
Cuộc thi gồm 2 giải nhất, 2 giải nhì, 2 giải ba và 2 giải tập thể.