Ngày hội Đại đoàn kết: Cơ hội nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân

Theo Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, với phương châm "Lấy sức dân để chăm lo cuộc sống cho dân," Ngày hội Đại đoàn kết đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu. (Nguồn: TTXVN)

Những ngày qua, nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam-Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11), các địa phương, khu dân cư trong cả nước hân hoan, phấn khởi tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đây là hoạt động có ý nghĩa lớn trong cộng đồng dân cư, góp phần phát huy hơn nữa tinh thần đại đoàn kết-truyền thống cực kỳ quý báu, tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam.

Đánh giá về Ngày hội năm nay tại các địa phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu cho rằng đây không chỉ là ngày hội, ngày vui diễn ra trên hàng chục nghìn khu dân cư, mà còn là dịp để thể hiện ý Đảng, lòng dân, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng.

- Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về không khí tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết năm nay ở khắp các địa phương trên cả nước?

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu: Qua gần 20 năm, chủ trương tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành minh chứng rõ nét cho thấy sự gắn kết rất chặt chẽ giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước với người dân. Ngày hội là dịp để các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy đảng, chính quyền gặp gỡ, tiếp xúc và lắng nghe ý kiến của nhân dân.

Đây cũng là cơ hội để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; cùng với nhân dân bàn bạc, trao đổi, xây dựng giải pháp thực hiện có hiệu quả mọi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng an ninh; tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng lòng tin của nhân dân đối với các cấp ủy, chính quyền địa phương.

[Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc: Cầu nối tinh thần đại đoàn kết]

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm nay càng có ý nghĩa hơn khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn thách thức; tích cực khắc phục những thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra, khẩn trương đẩy mạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế, từng bước hiện thực hóa mục tiêu khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp đề ra.

Trong dịp này, tôi đã tháp tùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi về dự ngày hội với người dân và cảm nhận một không khí ấm áp, hân hoan, rộn ràng của Ngày hội Đại đoàn kết ở các khu dân cư.

Với phương châm "Lấy sức dân để chăm lo cuộc sống cho dân," Ngày hội đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân ở khu dân cư hưởng ứng và nhiệt tình tham gia.

Nhân dân được hưởng những thành quả từ chính công sức của mình, đồng thời thấy được vai trò của mình đối với cộng đồng, từ đó khơi dậy được tính tự giác, tinh thần làm chủ cuộc sống của mỗi người dân ở khu dân cư. Mỗi người dân khi tham gia Ngày hội đã ý thức được sự gắn bó giữa cá nhân và cộng đồng, nhất là các cán bộ, đảng viên, công chức với khu dân cư mà mình sinh sống. Qua đó, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố.

- Ông có thể chia sẻ về điểm mới trong quá trình tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết năm nay cũng như những ý nghĩa tích cực của Ngày hội đối với cộng đồng dân cư?

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu: Trong năm nay, việc tổ chức Ngày hội ở khu dân cư diễn ra với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Tại những vùng nông thôn, vùng miền núi, Ngày hội càng mang nhiều bản sắc văn hóa, tập trung đông đảo quần chúng nhân dân tham gia và thực sự trở thành ngày hội của toàn dân tộc.

Đến thời điểm này, hầu hết các khu dân cư trên cả nước đã tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với sự tham dự đông đủ của người dân trong khu dân cư. Không chỉ có phần lễ, phần hội cũng mang lại không khí ấm áp, phấn khởi với sự tham gia nhiệt tình của người dân. Nhiều khu dân cư đã đồng loạt tổ chức những bữa cơm đoàn kết.

Bên cạnh tinh thần đoàn kết, gắn bó, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn, thông qua Ngày hội, các nét văn hóa đặc sắc của các tầng lớp dân cư, các dân tộc trên địa bàn sẽ tiếp tục được bảo tồn, phát huy.

Nhân dân các dân tộc buôn Ciết, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk rạng rỡ trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2022. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày hội cũng tạo điều kiện cho việc phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân, tạo nên môi trường gắn bó, thân thiết, gần gũi giữa Đảng với nhân dân; giúp Đảng lắng nghe được những nguyện vọng, phản ánh của nhân dân trong cuộc sống.

Do đó, có thể thấy Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc không chỉ đem đến niềm vui trong hoạt động văn hóa, văn nghệ mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố khối đoàn kết các dân tộc, gắn kết tình làng nghĩa xóm “tối lửa tắt đèn có nhau” và động viên, khuyến khích mọi người dân phát huy ý chí tự lực tự cường, khơi dậy khát vọng vươn lên thoát khỏi đói nghèo, xây dựng quê hương không ngừng phát triển.

Trong thời gian tới, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tiếp tục có những hoạt động thiết thực nào hướng về khu dân cư, thôn xóm, thưa ông?

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu: Hướng về người dân là một trong những chủ trương xuyên suốt trong hoạt động của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, bởi đặc thù của Mặt trận là có hệ thống đến tận khu dân cư, do đó các hoạt động muốn đến gần hơn với người dân thì phải thông qua Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư.

Thời gian qua, đội ngũ Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư đã hoạt động rất hiệu quả, sát sao, nhiệt tình, tích cực. Điển hình như trong giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch COVID-19, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc nhưng có thể nói đội ngũ cán bộ cơ sở mà đặc biệt là đội ngũ Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư đã rất nhiệt tình, trách nhiệm.

Để ghi nhận những đóng góp đó, trong các ngày từ 25-27/11 tới đây, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị biểu dương Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017-2022. Đây là hoạt động thiết thực để Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục ghi nhận, biểu dương những đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ Mặt trận cơ sở và cũng là một trong những hoạt động thiết thực để Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng về khu dân cư, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cũng như những đề xuất cụ thể của người dân nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận.

Từ đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tiếp tục đề nghị Mặt trận các cấp phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các tổ chức thành viên đổi mới phương pháp, cách thức thông tin, tuyên truyền, vận động; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả, linh hoạt, phù hợp giữa các hình thức hiện đại với truyền thống.

Đồng thời, vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận ở khu dân cư sẽ được tiếp tục phát huy, song song với việc đổi mới mạnh mẽ tư duy, nhận thức của đội ngũ cán bộ, trên cơ sở dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không cả nể, không né tránh và thực hiện nhiệm vụ một cách thường xuyên, quyết liệt hơn nữa để thực sự đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân, sự mong đợi của xã hội.

Trân trọng cảm ơn ông!./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục