Ngày Khí tượng 2017: "Hiểu về mây" để cảnh báo mưa dông, vòi rồng

Theo các chuyên gia khí tượng, “Hiểu biết về mây” là cơ sở khoa học để đưa ra những cảnh báo kịp thời về diễn biến của thời tiết, cũng như mô phỏng các tác động của biến đổi khí hậu.
Ngày Khí tượng 2017: "Hiểu về mây" để cảnh báo mưa dông, vòi rồng ảnh 1Chủ đề Ngày Khí tượng thế giới 2017 là hiểu biết về mây. (Nguồn ảnh: Monre)

Theo nhận định của các chuyên gia khí tượng, hiện nay, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp cả về tần suất và mức độ ảnh hưởng đến con người. Minh chứng rõ nhất là tại nhiều nơi, tình trạng hạn hán, nắng nóng và mưa trái mùa… đang trở nên khắc nghiệt và diễn biến bất thường hơn.

Đó cũng là lý do Tổ chức Khí tượng Thế giới chọn chủ đề Ngày Khí tượng Thế giới (23/3) năm 2017 là “Hiểu biết về mây,” để đưa ra những cảnh báo kịp thời về diễn biến của thời tiết, cũng như mô phỏng các tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai.

Theo giáo sư Petteri Taalas, Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới, mây có vai trò rất quan trọng trong việc điều tiết khí hậu, thời tiết và cân bằng năng lượng của Trái đất. Vì thế cần hiểu biết về mây, bởi đây là cơ sở quan trọng để dự báo tình hình thời tiết và dự đoán nguồn tài nguyên nước, bảo đảm an toàn trước diễn biến của thiên tai.

Kinh nghiệm của người xưa cũng đã đúc kết rằng: “Mây xanh thì nắng, mây trắng thì mưa”; “Vàng mây thì gió, đỏ mây thì mưa.” Điều này cho thấy, mây là yếu tố quan trọng để nhận biết sự thay đổi của thời tiết.

Trao đổi với báo chí, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, mây hết sức quan trọng và không thể thiếu được trong quan trắc thủy văn. Hiểu biết về mây là cơ sở khoa học để cải tiến chất lượng dự báo. Trên cơ sở đó, có thể đưa ra được các đánh giá về biến đổi khí hậu một cách cách chính xác hơn.

“Chúng ta không thể biết được nguyên nhân nhân trực tiếp nhưng qua hệ thống mây, chúng ta có thể nhận biết được. Theo thuật ngữ của người làm dự báo là ‘nhận vết để xác định ra chân.’ Nghĩa là nhờ vào biểu hiện của mây để xác định độ mạnh của bão,” ông Hải nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Hải cũng lưu ý: “Tất cả các hiện tượng về mây không chỉ quan trọng với người làm công tác dự báo, mà người dân cũng có thể căn cứ vào các hiện tượng bất thường của mây để chủ động cách phòng tránh như: Khi thấy một cơn dông ùn ùn kéo tới, hay nhìn thấy đám mây dông mùa hè, đó là biểu hiện của cơn mưa lớn, có thể kèm theo lốc xoáy, vòi rồng.”./.

Năm 2017, Tổ chức Khí tượng thế giới chọn chủ đề cho Ngày Khí tượng thế giới là “Hiểu biết về mây." Thông điệp của Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới năm 2017 tập trung vào 3 nội dung chính, đó là: Sự quan trọng của mây trong cuộc sống từ góc nhìn khoa học; Sự quan trọng của mây trong cuộc sống từ góc nhìn nghệ thuật; Giới thiệu về Atlas quốc tế về mây, phiên bản điện tử đầu tiên được xây dựng nhân Ngày Khí tượng thế giới năm 2017.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.