Ngày Quốc tế Phụ nữ: Những phụ nữ vùng cao “xé rào” định kiến

Mỗi người một lứa tuổi, một hoàn cảnh, phụ nữ vùng cao Lào Cai dù là thủ lĩnh phong trào hay nông dân vượt khó làm giàu, điểm chung của họ là sự năng động, sáng tạo, đặc biệt kiên trì với lựa chọn.
Chị em thu hái quýt. (Ảnh: Hương Thu/TTXVN)

Bằng những việc làm cụ thể, nhiều phụ nữ vùng cao Lào Cai đã và đang chứng minh rằng muốn vượt qua định kiến của xã hội, trước hết cần vượt lên rào cản chính bản thân mình.

Từ "Thủ lĩnh nông dân"...

"Từ bao đời nay, tư tưởng phụ nữ phải lo việc nhà, chăm chồng con, dựa dẫm vào người đàn ông ăn sâu trong tiềm thức của rất nhiều người dân địa phương. Cộng đồng dân tộc Giáy chúng tôi cũng không ngoại lệ," bà Nông Thị Minh, sinh năm 1964, người có uy tín, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lào Cai khóa XV nhiệm kỳ 2019-2024, mở đầu câu chuyện.

Sinh ra và lớn lên tại xã Cốc San (trước thuộc huyện biên giới Bát Xát, nay thuộc thành phố Lào Cai), bà Minh hiểu rõ tâm tư của phụ nữ dân tộc thiểu số địa phương. Từ năm 2000 đến 2006, với vai trò là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, bà luôn trăn trở, cảm nhận rõ việc chị em ngại giao tiếp, ít khi đi xa ra khỏi cộng đồng, dẫn đến hạn chế tiếp cận các dịch vụ xã hội, tiếp cận cái mới.

Để giúp chị em thoát khỏi suy nghĩ định kiến đó, không chỉ đến từng nhà vận động tham gia Hội, bà Minh đã không ngại khó lăn lộn, sát cánh cùng chị em trong mọi hoạt động.

Những năm 2000, người dân xã Cốc San thường xuyên chứng kiến hình ảnh bà Nông Thị Minh đi khắp bản làng, ruộng nương vận động chị em trồng giống lúa mới ngắn ngày, năng suất cao. Nơi nào thiếu nước làm ruộng, bà vận động bà con chuyển sang trồng màu, trồng hoa, làm thêm vụ 3. Ở những chân ruộng chiêm trũng, năng suất lúa không cao, bà Minh vận động chuyển đổi sang đào ao nuôi cá chép lai, cá rôphi đơn tính. Hộ nào thiếu vốn, bà vận động chị em gây quỹ Hội hỗ trợ nhau và vay vốn ngân hàng phát triển kinh tế.

[Hoa hậu H"Hen Niê cùng hàng nghìn người diễu hành tôn vinh áo dài Việt]

Thấy bà con do dự vì chưa có hình mẫu, bà tham mưu với lãnh đạo xã đưa một số hộ đi tham quan mô hình sản xuất giỏi ở một số địa phương trong tỉnh. Sau đó, bà hướng dẫn từng hộ có nhu cầu vay vốn, thậm chí đứng ra tín chấp cho hội viên vay. Chỉ sau một năm, nhiều hộ từ khó khăn đã vươn lên thoát nghèo. Điển hình là hộ chị Hoàng Thị Chắp. Chỉ sau hai vụ thu hoạch cá, số tiền bán cá gấp 6 -7 lần trồng lúa, chị Chắp đã trả được cả gốc và lãi cho ngân hàng. Giờ đây, chị trở thành tỷ phú nhờ nuôi bán cá giống.

Nhờ sự vận động tích cực cùng với những hành động quyết liệt của bà Minh, phụ nữ ở Cốc San dần tự tin hơn trong việc tham gia các tổ chức xã hội. Chỉ sau 1 năm bà làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, số hội viên tăng từ 200 lên đến 600 người. Đến năm 2006, tất cả phụ nữ trong xã đã tham gia Hội.

Không chỉ giúp phụ nữ tự tin hơn trong việc tham gia các tổ chức xã hội, bà Minh còn tích cực vận động người dân trong xã xây dựng nông thôn mới. Năm 2007, bà Minh chuyển công tác sang làm Chủ tịch Hội Nông dân xã. Ở cương vị mới, để người dân tin theo, bà đã tự nguyện hiến 2.200m2 đất xây dựng đường giao thông.

Sau khi chính quyền đổ bêtông trên đoạn đường bà hiến đất, mọi người thấy lợi ích của việc mở đường, đường đi thuận tiện giúp việc di chuyển và buôn bán dễ dàng hơn. Từ đó, khi bà xuống vận động hiến đất, nhà nào cũng sẵn sàng tự nguyện. Noi gương bà Minh, hộ ông Hoàng Văn Cao (thôn Ún Tà) đã hiến 2,5ha đất làm đường giao thông. Ngoài ra, hàng chục hộ dân khác hỗ trợ mỗi nhà trên 1.000m2 đất.

Không những vậy, bà Minh đã thành công trong việc vận động bà con di chuyển chuồng trại gia súc ra xa nhà, xây dựng hố tiêu hợp vệ sinh. Nhờ đó, tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới của xã được hoàn thành, góp phần giúp xã về đích nông thôn mới trong năm 2014.

Nhiều phụ nữ vùng cao Lào Cai đã vượt qua rào cản của chính bản thân mình. (Ảnh: Hương Thu/TTXVN)

Năm 2019, dù nghỉ hưu, bà Minh vẫn tham gia hoạt động trong công tác Mặt trận. Bà tiếp tục là người đi đầu trong tổ chức sản xuất, phục vụ khách du lịch thành công bằng những sản vật của địa phương.

Mô hình tắm lá thuốc người Dao của gia đình đã và đang thu hút đông đảo khách tới tham quan, sử dụng sản phẩm bởi những hiệu quả thực tế về sức khỏe.

Với sự điều hành linh hoạt của bà, mô hình đứng vững và vẫn có lợi nhuận ngay cả trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế tại địa phương.

Được người dân địa phương ưu ái gọi là "thủ lĩnh nông dân", với những đóng góp của mình, trong suốt quá trình công tác, bà Nông Thị Minh được các cấp, ngành trao tặng nhiều Giấy khen, Bằng khen của Trung ương và địa phương.

... đến tỷ phú vườn đồi

Có hàng chục ha đất đồi dốc do bố mẹ để lại sau khi kết hôn, vợ chồng chị Lò Dìn Phủng, sinh năm 1985, người Bố Y, thôn Lao Chải, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương, trước đây chủ yếu chỉ biết trồng ngô. Đất nhiều mà bao nhiêu năm chăm chỉ trồng trọt. Cái nghèo vẫn bám riết gia đình không buông.

Chị cho biết nơi chị sống, khi ấy vẫn còn nhiều người quan niệm phụ nữ chỉ là những người đảm đương công việc nội trợ, không được bàn việc làm ăn, việc lớn trong gia đình, hoặc chỉ làm việc theo sự sắp xếp của đàn ông.

Năm 2006, một số gia đình có địa thế vườn đồi, chất đất tương tự mà trồng được quýt ngọt bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thấy vậy, chị Phủng dự định chuyển diện tích trồng ngô của gia đình sang trồng quýt. Trong khi không ít người mỉa mai, nghi hoặc cho rằng chị "vẽ chuyện," "chân yếu tay mềm thì làm được gì"... chị vẫn quyết tâm vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Khương 50 triệu đồng mua cây giống, phân bón và bắt tay vào khởi nghiệp.

Đến nay, vườn nhà chị Lò Dìn Phủng có hơn 10.000 cây quýt và hồng không hạt giống Nhật Bản. (Ảnh: Hương Thu/TTXVN)

Chị cho biết ngày ấy, người trồng quýt tại Mường Khương không nhiều. Quýt mới được đưa vào trồng thử nghiệm nên chẳng ai có kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc loại cây này.

Xóa tan những nghi ngờ về năng lực của mình, người phụ nữ Bố Y nhỏ nhắn vừa làm vừa rút kinh nghiệm, ngày ngày vác địu leo đồi, chăm sóc 100 gốc quýt đầu tiên. Trời không phụ công chị, ngay năm đầu tiên thu hoạch, chị đã có lãi. Số tiền lãi gấp 10 lần trồng ngô đã củng cố niềm tin để chị trồng thêm 2.000 gốc quýt.

Đến nay, vườn nhà chị Lò Dìn Phủng có hơn 10.000 cây quýt và hồng không hạt giống Nhật Bản. Trong đó, cây đang trong thời gian thu hoạch có khoảng trên 6.000 cây, còn lại là những cây đang trong độ tuổi từ 1-3 năm.

Mỗi năm, nhà chị thu hoạch được khoảng 60-70 tấn quýt và hồng, rải vụ từ tháng 8 đến hết tháng 2/2023, thu lãi từ 400-500 triệu đồng/năm.

Nhờ chị tích cực quảng bá sản phẩm qua hệ thống mạng xã hội, các chuyến hàng của gia đình gửi đi xuống thành phố Lào Cai và đi khắp các tỉnh miền Bắc.

Học từ mô hình của chị Phủng, nhiều hội viên phụ nữ trong thôn Lao Chải đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng quýt.

Trong các buổi sinh hoạt Chi hội phụ nữ, chị em trong thôn thường chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc các loại cây ăn quả, phát triển kinh tế gia đình.

Vì học hỏi và bảo ban nhau chứ không mạnh ai nấy làm, những năm qua, chất lượng quýt ở Lao Chải rất tốt, đồng đều.

Có khách hàng, các gia đình giới thiệu cho nhau, do vậy, nhà nào cũng bán được giá. "Kinh tế khá giả, đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao. Do vậy, phụ nữ Bố Y ngày càng mạnh dạn, độc lập, sẵn sàng chia sẻ và gánh vác cùng đàn ông mọi việc lớn nhỏ trong gia đình, không thụ động, dựa dẫm như trước nữa," chị Phủng chia sẻ.

Mỗi người một lứa tuổi, một hoàn cảnh, phụ nữ vùng cao Lào Cai dù là thủ lĩnh các phong trào hay nông dân vượt khó làm giàu, điểm chung của họ là sự năng động, sáng tạo, đặc biệt kiên trì với lựa chọn của mình, chưa từng nghĩ tới bỏ cuộc bất chấp những rào cản định kiến xã hội nơi họ sinh ra và lớn lên.

Những thành tựu của họ đã và đang đóng góp không nhỏ vào thành tựu chung trong phát triển kinh tế, xã hội nơi vùng cao biên cương Tổ quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục