Trước tình trạng tồn đọng các loại nông sản, sản phẩm nông nghiệp đã, đang và sắp đến vụ thu hoạch nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tỉnh Nghệ An đang tích cực hỗ trợ tìm kiếm đối tác và kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân trên địa bàn tỉnh.
Từ cuối năm 2021, sản phẩm gừng Kỳ Sơn vào vụ thu hoạch. Nếu như những năm trước, giá thu mua gừng cho bà con lên đến trên 20.000 đồng/kg, thì năm nay giảm sâu xuống chỉ còn chưa đầy 6.000 đồng/kg, dù giá rất rẻ nhưng vẫn không tiêu thụ được.
Theo thống kê Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn, sản lượng gừng trên địa bàn huyện vụ này khoảng 5.500 tấn, tuy nhiên đến thời điểm này mới tiêu thụ được khoảng 1.000 tấn, hiện vẫn còn 4.500 tấn đang tồn đọng tại các cơ sở thu mua và trong dân.
[Xây dựng bản đồ nông sản hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân]
Gừng là nguồn thu nhập đáng kể đối với đồng bào các dân tộc rẻo cao Kỳ Sơn hàng năm, nhưng giá rẻ và không tiêu thụ được đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân nơi đây.
Sản phẩm đặc sản gừng Kỳ Sơn được trồng trên lưng chừng núi, chất lượng tốt, đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý từ năm 2019.
Diện tích trồng gừng trên địa bàn huyện Kỳ Sơn khoảng 850ha, tập trung tại các xã Tây Sơn, Na Ngoi, Đọc Mạy, Mường Lống, Nậm Cắn.
Gừng Kỳ Sơn có 2 loại: gừng dé và gừng sừng trâu, bà con kết thúc thu hoạch vào cuối tháng 4.
Ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên khiến cho sản phẩm gừng của Kỳ Sơn không xuất khẩu được, mặt khác năm nay gừng được mùa, sản lượng có tăng hơn so với các năm trước, trong khi đó giá cước vận chuyển cao, đường sá xa xôi khiến cho việc tiêu thụ càng khó khăn hơn.
“Vòng đời của sản phẩm gừng rất ngắn, trong khi không được hỗ trợ bởi công nghiệp chế biến, dẫn đến tình trạng chỉ bán sản phẩm tươi. Về lâu dài, bên cạnh tăng năng suất, huyện cũng đề xuấtcần gắn với công tác bảo quản và chế biến, xây dựng nhà máy sơ chế. Thực tế, gừng là một loại dược liệu quý, nhu cầu sử dụng của người dân khá cao thế nên cần đa dạng hóa sản phẩm tránh tình trạng tồn đọng,” ông Phan Văn Mạnh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn cho biết.
Trước mắt, giải pháp tiêu thụ gừng cho bà con hiện nay là kêu gọi giải cứu bằng cách kết nối với hội nông dân các địa phương, các sở ban ngành trên địa bàn tỉnh.
Về phía Sở Công Thương tỉnh Nghệ An cũng đã ra văn bản kêu gọi các địa phương, doanh nghiệp cả nước hỗ trợ, kết nối tiêu thụ gần 5.000 tấn gừng tươi trên địa bàn huyện Kỳ Sơn bắt đầu vào vụ thu hoạch.
Tuy nhiên, lượng gừng tiêu thụ trong những ngày qua vẫn chưa được nhiều và hiện đang tiếp tục kêu gọi giải cứu.
Không chỉ sản phẩm gừng Kỳ Sơn mà sản phẩm dứa - loại quả chủ lực ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh nghệ An cũng đang lao đao vì giá rớt xuống còn một nửa mà vẫn khó tìm được người mua. Điều này như gánh nặng làm oằn thêm nỗi lo của nông dân, vì chuyện thua lỗ không dừng lại ở chuyện trồng cao-bán thấp.
Tân Thắng là địa phương có diện tích trồng dứa nhiều nhất huyện Quỳnh Lưu với 1.200ha, năng suất trung bình 30-35 tấn/ha. Thời điểm này có khoảng 500-600ha cho quả thu hoạch.
Cây dứa xác định là cây trồng chủ lực, chiếm tỷ trọng 40% thu nhập ngành nông nghiệp của toàn xã.
Sau Tết Nguyên đán giá dứa 6.500-7.000 đồng/kg, nông dân phấn khởi vì được giá. Chưa kịp mừng thì sau ngày 24/2, thời điểm xung đột xảy ra tại Ukraine giá dứa giảm sốc, xuống còn 3.000-3.500 đồng/kg cho tới nay.
Trước đây, dứa nguyên liệu tại Nghệ An chủ yếu cung ứng cho nhà máy chế biến tại Ninh Bình và một nhà máy chế biến trong tỉnh. Sản phẩm qua sơ chế và chế biến, bao gồm nước ép dứa và dứa cắt lát chủ yếu xuất sang Nga và thị trường châu Âu.
Bởi vậy, khi xung đột xảy ra, sản phẩm không thể xuất đi, các nhà máy cũng hoạt động cầm chừng hoặc giảm công suất, dẫn tới nhu cầu nguyên liệu giảm, các đơn vị thu mua dừng hoặc hạn chế mua dứa của người dân.
Không chỉ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ xung đột Ukraine, dứa nguyên liệu trong nước tiếp tục bị thêm một cú “đánh bồi” từ thị trường Trung Quốc khi tình trạng tắc biên tái diễn.
Các địa phương có diện tích dứa nguyên liệu lớn như Thanh Hóa, Sơn La... phải chuyển hướng tiêu thụ ngược về phía Nam, dẫn tới giá dứa tại Nghệ An bị ảnh hưởng do cạnh tranh trong thị trường nội địa.
Trước tình hình giá dứa giảm thấp và khó tiêu thụ, ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Thắng, cho hay địa phương đang tập trung các giải pháp để sớm bình ổn giá, tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trước mắt, xã đang kêu gọi các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp địa phương hỗ trợ tiêu thụ dứa giúp nông dân.
Cùng với đó, người dân chủ động mang dứa ra đường bán cho người qua lại. Xã cũng tạo điều kiện tốt nhất cho các tư thương trên địa bàn tỉnh vào thu mua cho bà con; liên hệ với Nhà máy dứa ngoại tỉnh thu gom dứa giúp dân, ký cam kết thu mua ổn định cả sản lượng và giá.
Về lâu dài, chính quyền địa phương sẽ kêu gọi, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào xây dựng nhà máy sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất cho tới chế biến, xuất khẩu.
Để khắc phục tình trạng nông sản dư thừa, tỉnh Nghệ An cần quy hoạch nông sản hàng hóa đưa vào thị trường để doanh nghiệp mới có thể đầu tư và đưa công nghiệp vào chế biến. Khi đó, sẽ hình thành các vùng sản xuất, vùng nông nghiệp lõi, doanh nghiệp lõi, nông dân sẽ lựa chọn được nông sản để thực hành sản xuất.
Tỉnh Nghệ An cũng tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sớm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông sản, doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp; tổ chức hoạt động lại các chợ truyền thống. Đồng thời, tăng cường nắm bắt thông tin thị trường, giá cả, tình hình hoạt động tại các cửa khẩu, các yêu cầu kết nối trực tiếp và trực tuyến để kết nối tiêu thụ; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, chuyển mạnh sang thương mại điện tử; tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa nông sản...
“Sở Công Thương đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, nâng cao tính kết nối giữa sản xuất với thị trường theo chuỗi cung ứng. Ngoài ra, chuyển các hoạt động xúc tiến thương mại sang hình thức thương mại điện tử. Đặc biệt, phát huy tối đa group zalo giao thương với các tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp Nghệ An... để quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử,” ông Cao Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công thương Nghệ An - cho hay.
Trước đó, Trung tâm Xúc tiến, Thương mại và Du lịch Nghệ An đã phối hợp với sàn Thương mại điện tử Vỏ sò của Tập đoàn Viettel và Postmart của Bưu điện Việt Nam đưa hơn 100 sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP), nông sản lên sàn để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm rộng rãi tới tay người tiêu dùng./.