Những ngày này, không khí sôi nổi và tất bật gói bánh khẩn trương để kịp giao cho các xe hàng là hình ảnh của nhiều gia đình tại làng bánh chưng Vĩnh Hòa, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Số lượng nhận đặt bánh chưng tăng lên gấp đôi so với ngày thường nên gia đình chị Phan Thị Khương đã phải huy động hết người thân trong nhà và thuê thêm nhân công để kịp đáp ứng nhu cầu thị trường.
Bước vào vụ Tết, trung bình mỗi ngày phải gói gần 5.000 chiếc bánh chưng nên gia đình đã đầu tư 10 chiếc lò điện nấu suốt ngày đêm. Người dỡ bánh, người gói bánh, người chẻ lạt, lau lá, hông đỗ, thái thịt… không lúc nào ngơi tay.
“Tết đến chúng tôi chỉ ngủ tầm 2-3 tiếng/ngày, lúc nào cũng có khoảng 10 người làm bánh chính, thêm khoảng 3-4 người phụ việc. Vất vả thế nhưng không ai kêu ca vì đó là nghiệp vận vào từ đời cha mẹ mình, đời mình và có thể là của con cháu mình. Có được nghề cha truyền con nối là niềm tự hào của bất cứ người con Vĩnh Hòa nào. Thời điểm này gia đình đã chuẩn bị kỹ nguyên liệu đầu vào để có sản phẩm chất lượng thơm, ngon phục vụ khách hàng,” chị Khương cho biết.
Cách đó không xa, gia đình anh Lê Thái Yên cũng đang tất bật chuẩn bị các công đoạn và đôi tay thoăn thoắt gói bánh. Theo anh Yên, nghề gói bánh chưng ở đây đã có từ lâu đời. Mỗi dịp Tết đến, công việc sẽ tất bật hơn khi có nhiều đơn đặt hàng từ khắp nơi. Từ 15/12 Âm lịch trở đi, 7-8 người trong gia đình anh phải làm xuyên cả ngày khi đơn đặt hàng tăng lên.
"Trung bình mỗi vụ Tết gia đình nhận gói tầm 10.000 chiếc bánh; trong đó có khoảng 4.000 chiếc phục vụ cho lễ cúng ông Công, ông Táo, số còn lại dành cho những ngày Tết. Khi gói xong, bánh được đun liên tục 7-8 tiếng đồng hồ. Sau đó, đợi than tàn, nước nguội để bánh chín đều từ trong ra ngoài. Nếu vớt bánh khi nước còn nóng, vỏ bánh sẽ bị cháy, màu bánh không xanh. Bánh vớt ra, rửa sạch, ép hết nước xong mới giao hàng cho khách," anh Yên chia sẻ.
Không ai nhớ rõ nghề gói bánh chưng Vĩnh Hòa có từ bao giờ, cứ cha truyền con nối giữ gìn, phát triển đến ngày hôm nay. Ở đây, đa số người dân đều gói bánh chưng, lấy đó làm thu nhập chính. Bánh chưng Vĩnh Hòa có thương hiệu nổi tiếng bởi chất lượng, vị thơm ngon và độ dẻo không thể lẫn đi đâu được.
Lá dong, đậu xanh, nếp, thịt lợn, hạt tiêu, hành tím là những nguyên liệu tạo ra chiếc bánh chưng ngon, đậm hương vị. Ngoài nguyên liệu, theo nhiều bậc cao niên trong làng thì trình độ chuyên môn của người thợ là yếu tố tạo nên thương hiệu của làng nghề. Trung bình, mỗi người thợ chỉ mất 30 giây để gói một chiếc bánh mà không cần khuôn, thế nhưng ai gói cũng đẹp và rất chặt tay, vuông vắn.
Những ngày cận Tết, công việc của người dân làng Vĩnh Hòa bắt đầu từ khoảng 6 giờ sáng mỗi ngày. Trong làng Vĩnh Hòa, già, trẻ, gái, trai đều được phân công nhiệm vụ, người thì ngâm gạo, người gói bánh, chẻ lạt, róc lá… tiếng nói cười rộn rã. Khắp làng quê, ngõ xóm, sân nhà nào cũng chất đầy lá dong, mùi bánh tỏa ra thơm ngát, cuốn hút.
Ông Hoàng Mạnh Linh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hợp Thành, huyện Yên Thành, cho biết hơn 200 hộ dân ở Vĩnh Hòa nhà nào cũng làm bánh chưng để bán hoặc để ăn trong những dịp lễ, Tết. Thế nhưng, để hành nghề một cách chuyên nghiệp, chỉ có khoảng 80% số hộ dân. Cũng có gia đình cha truyền con nối đến 3 đời. Đời ông cha, bánh chỉ được bán ở những chợ làng, chợ huyện, nhưng đến đời con cháu thì việc kinh doanh cấp tiến hơn, thị trường hơn và hiệu suất kinh doanh nhờ thế cũng lớn hơn.
Làng Vĩnh Hòa được công nhận làng nghề chế biến nông sản vào năm 2005. Hiện bánh chưng xanh từ nếp làng nhỏ bé này đã lên “mạng,” lan tỏa muôn nơi. Bây giờ, người làng Vĩnh Hòa đã thông thạo nhận đơn đặt hàng qua các trang mạng xã hội, thế nên nguồn thu nhập từ nghề bánh lúc nào cũng ổn định, đặc biệt, mỗi dịp lễ Tết đến là cả làng gói bánh không kịp trở tay. Không chỉ là sự tự hào về làng nghề truyền thống mà bánh chưng Vĩnh Hòa còn đem lại thu nhập ổn định, tạo việc làm cho nhiều lao động nởi đay; đồng thời, góp phần tạo diện mạo mới cho địa phương.
Thời điểm này các hộ gia đình đã lên kế hoạch chuẩn bị đủ nguồn nguyên liệu, bắt đầu cao điểm là tháng 12 Âm lịch cho đến 29 Tết sản xuất kịp đơn hàng. Địa phương cũng nhắc nhở các hộ gia đình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và giữ vững truyền thống chất lượng làng nghề.
Theo các chị, các mẹ ở làng bánh Vĩnh Hòa, để có được một chiếc bánh chưng ngon không chỉ nằm ở cách chọn nếp, chọn thịt tươi ngon, đỗ xanh bùi quánh, hành tía thật già mà còn cả những bí quyết cha truyền con nối. Ấy thế nên, cũng là chiếc bánh chưng, cũng từ làng Vĩnh Hòa nhưng mỗi nhà mỗi vị, người ăn tinh ý đều có thể nhận ra bánh ấy của nhà nào. Bánh chưng Vĩnh Hòa ngon là bởi khi ta cắn miếng bánh dư vị dẻo thơm của nếp hòa quyện với vị bùi của đỗ xanh, lại có thêm chút cay của hành tía, ớt tiêu và thơm ngậy của miếng thịt ba chỉ, tất cả tạo nên hương vị của đất trời…
Ngày nay, bánh chưng Vĩnh Hòa đi xa ở Sài Gòn, Hà Nội, Vĩnh Phúc, thậm chí lên tận Hà Giang. Có người còn cấp đông bánh để gửi đi nước ngoài, giúp con cháu xa quê cảm nhận được vị Tết quê hương. Những bà, những mẹ ở làng Vĩnh Hòa cho biết, khi gửi bánh đi xa, bao giờ cũng cần chăm chút nhiều cho chiếc bánh dày hơn, bảo quản được lâu hơn và chứa đựng trong đó bao tâm huyết, tình cảm của Vĩnh Hòa với người ở xa. Bánh vì thế đến tay người nhận ấm áp và dẻo thơm bội phần.
Khắp các ngõ làng, mùi hương bánh chưng lan tỏa, Tết có lẽ đến sớm hơn đối với người dân nơi đây. Ai cũng hân hoan trong niềm vui công việc vì những chiếc bánh chưng chứa đựng niềm hy vọng về cái Tết ấm no, đủ đầy./.
Khám phá tinh hoa làng nghề Việt qua góc nhìn nội thất đương đại
Triển lãm về các sản phẩm làng nghề được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội từ 11/2023 - 5/2023 nhằm tôn vinh làng nghề thủ công truyền thống của Hà Nội và giới thiệu thiết kế sáng tạo đưa vào đời sống.