Nghệ sỹ David Thomas: Dùng nghệ thuật để xoa dịu nỗi đau chiến tranh

Họa sỹ-cựu binh Mỹ David Thomas đã nhiều lần đến Việt Nam để hàn gắn đau thương trong quá khứ và dùng nghệ thuật để cất lên "tiếng nói" phản đối chiến tranh.
Nghệ sỹ David Thomas: Dùng nghệ thuật để xoa dịu nỗi đau chiến tranh ảnh 1Tác phẩm đồ họa kết hợp với ảnh chụp não của nghệ sỹ David Thomas.

Một ngày mát mẻ cuối tháng Tư, tôi cùng họa sỹ-cựu chiến binh Mỹ David Thomas chầm chậm đi bộ trên phố Nguyễn Thái Học (Hà Nội), nơi Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang trưng bày những tác phẩm mới nhất của ông.

Ông bảo rằng đi bộ nhiều rất có lợi cho một người mắc bệnh Parkinson như mình - căn bệnh được xác định có liên quan đến chất độc da cam trong thời gian ông tham chiến tại Tây Nguyên năm 1969.

Vừa đi, chúng tôi vừa nói chuyện về những ngày tháng cũ khi ông lần đầu đặt chân đến Việt Nam để rồi đem lòng yêu mảnh đất này suốt phần đời còn lại.

'Tôi nhớ nụ cười của trẻ em Việt'

- Ông đến Việt Nam lần đầu trong thời chiến. Nhớ lại những ngày tháng đó, ông có cảm xúc như thế nào?

Ông David Thomas: Tháng 6/1968, khi vừa tốt nghiệp Trường Nghệ thuật Portland, tôi gia nhập quân đội. Từ ngày 11/4/1969 cho đến ngày 22/3/1970, tôi đóng quân tại Pleiku, Buôn Mê Thuột, Kon Tum, miền Nam Việt Nam. Công việc của tôi là lái xe jeep chở hàng hóa và vẽ bản đồ.

Điều tôi nhớ nhất là những đứa trẻ Tây Nguyên hiếu kỳ vây quanh chiếc xe jeep, nghịch ngợm chiếc radio của tôi. Lúc đó, tôi rất vui khi chơi với chúng. Trong nhóm, tôi đặc biệt thân thiết với một bé gái bị câm và điếc. Không có một rào cản ngôn ngữ nào cả, chúng tôi ra hiệu, “nói” với nhau bằng tay.

Nghệ sỹ David Thomas: Dùng nghệ thuật để xoa dịu nỗi đau chiến tranh ảnh 2Họa sỹ David Thomas tại triển lãm đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Lúc đó, tôi chỉ đơn giản là lên đường làm nhiệm vụ. Sau này, càng nghĩ tôi càng xót xa và day dứt bởi những đứa trẻ đã lớn lên trong một hoàn cảnh tồi tệ. Khi về Mỹ, điều khiến tôi nhớ nhất là nụ cười của những đứa trẻ.

“Việt Nam-chiến tranh” dường như là một câu cửa miệng, một suy nghĩ thường trực của bất kỳ người Mỹ nào trong những năm tháng ấy, nhưng tôi đã phát hiện ra những điều đẹp đẽ khác của vùng đất và con người ở đây, những tâm hồn đẹp đẽ đầy chất thơ, niềm khao khát hòa bình và sự quật cường vượt qua mọi gian khó thời chiến.

Tôi không tham gia những cuộc biểu tình phản chiến trên đường phố. Thay vào đó, tôi vẽ rất nhiều bức tranh về những đứa trẻ Việt Nam, qua đó phản ánh sự tàn phá người Mỹ đã gây ra trên đất nước này.

- Ngày 30/4/1975, khi nghe tin Việt Nam thống nhất, ông có suy nghĩ như thế nào?

Ông David Thomas: Tôi rất mừng là chiến tranh đã kết thúc, mừng cho người dân Việt Nam đã có được hòa bình vốn họ xứng đáng có được sau hàng thế kỷ đấu tranh vì bị nhiều quốc gia xâm phạm. Tôi nghĩ đến những đứa trẻ trong rừng Tây Nguyên, chúng sẽ được đến trường và có cuộc sống bình thường.

Cuộc chiến đã kết thúc nhưng thực tế, hậu quả của nó vẫn còn dai dẳng. Di chứng chất độc da cam mà tôi đang phải chịu là một ví dụ. Hàng triệu người dân Việt Nam cũng là nạn nhân của vũ khí giết người này. Thế hệ này có thể khỏe mạnh nhưng con cháu họ liệu có mang di chứng hay không? Bom mìn vẫn còn nằm trong lòng đất, có thể gây tai nạn thương tật cho người dân.

Vì vậy, nói về một mặt nào đó, cái bóng của chiến tranh vẫn hiện diện. Chính vì vậy mà tôi vẫn đang sáng tạo, để nói cho mọi người nghe về điều này.

Dành phần đời còn lại để nói về thảm kịch của cuộc chiến ở Việt Nam

- Điều gì đã khiến ông trở lại Việt Nam năm 1987 và những năm tháng sau này?

Ông David Thomas: Đó là một nỗ lực cá nhân giản dị là tìm về đất nước mà mình đã tham gia chiến tranh vào thời trai trẻ, để tìm cách kết nối và hàn gắn quá khứ. Tôi không ngờ rằng đó là chuyến đi thay đổi cuộc đời mình. Tôi đã dành phần đời còn lại để cố gắng xoa dịu nỗi đau chiến tranh, để nói cho người Mỹ biết về thảm kịch thực sự của cuộc chiến ở Việt Nam.

Tôi đã nhiều lần được mời vào nhà của “kẻ thù cũ” rồi nhận ra giữa người Mỹ và Việt Nam có nhiều điểm chung như thế nào. Chúng tôi đã khóc cười cùng nhau, đã chia sẻ nhiều kỷ niệm đẹp và hy vọng vào tương lai.

Một năm sau, vào mùa Hè 1988, tôi thành lập tổ chức phi lợi nhuận Indochina Arts Partnership (Hiệp hội Nghệ thuật Đông Dương-IAP) để tạo ra một chiếc cầu nối văn hóa nghệ thuật và ngoại giao nhân dân giữa hai quốc gia. Tôi muốn người Mỹ và thế giới biết đến Việt Nam là một đất nước tuyệt vời, với những con người tuyệt vời, bởi lúc đó, người ta chỉ biết đến Việt Nam với từ khóa “chiến tranh.”

Nghệ sỹ David Thomas: Dùng nghệ thuật để xoa dịu nỗi đau chiến tranh ảnh 3Một số cuốn sách ảnh của nghệ sỹ David Thomas. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

- Thật đáng tiếc là sau hơn 30 năm hoạt động tích cực, IAP đã phải ngừng lại…

Ông David Thomas: Đúng như vậy, IAP đã kết nối rất nhiều nghệ sỹ Việt Nam và Mỹ, đã tổ chức nhiều triển lãm thể hiện góc nhìn nghệ thuật của nghệ sỹ hai nước, cũng đã đưa hàng chục nghệ sỹ Việt Nam sang Mỹ để triển lãm, giao lưu, học tập. Từ đây, tôi đã có những người bạn tâm giao như họa sỹ Lê Huy Tiếp, họa sỹ Phan Cẩm Thượng… Tuy nhiên, đây là tổ chức phi lợi nhuận, cần gây quỹ để hoạt động. Năm 2019, tôi đã lớn tuổi và còn mắc bệnh Parkinson nên đã quyết định dừng hoạt động IAP.

[Cựu binh Mỹ mang nhật ký của liệt sỹ Cao Xuân Tuất trở về quê hương]

- Căn bệnh này đã khiến ông gặp khó khăn trong hoạt động nghệ thuật như thế nào?

Ông David Thomas: Năm 2015, tôi được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson, nguyên nhân có thể do tiếp xúc với chất độc da cam trong chiến tranh.

Trong suốt một năm ở Tây Nguyên, đơn vị của tôi chịu trách nhiệm tiêu diệt thảm thực vật xung quanh nơi đóng quân, trên những con đường chúng tôi đang xây dựng và tất cả các công trường để không tạo nơi ẩn nấp cho quân địch.

Mặc dù được cấp trên đảm bảo rằng chất độc này chỉ diệt trừ thực vật mà vô hại với con người nhưng tôi luôn nghi ngờ điều đó.

Ngày 14/12/2020, lần đầu tiên tôi nhìn thấy bộ não của mình sau khi chụp MRI. Vậy là tôi quyết định sử dụng những hình ảnh này để tạo thành những tác phẩm đồ họa nói về hậu quả của chiến tranh. Vậy, căn bệnh này sẽ cản trở tôi hay trở thành phương tiện để tôi tiếp tục sáng tạo? Thời gian sẽ trả lời.

Nghệ sỹ David Thomas: Dùng nghệ thuật để xoa dịu nỗi đau chiến tranh ảnh 4Ông David Thomas và vợ tại triển lãm nghệ thuật mới khai mạc. (Ảnh: FBNV)

- Nhiều nghệ sỹ Việt Nam sang Mỹ theo chương trình IAP đã ghé thăm nhà ông và nói rằng ở Boston có một chiếc xích lô độc nhất vô nhị?

Ông David Thomas: Đúng vậy. Tôi đã sang Việt Nam rất nhiều lần trong nhiều thập kỷ. Những năm 90, xích lô rất phổ biến, đặc biệt là ở khu vực phố cổ và khách sạn Metropole. Tôi thường tìm một người lái xích lô quen thuộc mỗi khi đến đây. Ông ấy tên là Bang.

Vào khoảng năm 1995, Bang bị đau lưng nên muốn nghỉ làm, cùng lúc đó, ông chuẩn bị tổ chức đám cưới cho con gái và muốn bán chiếc xích lô lấy tiền. Tôi đã mua lại với giá 100$. Thời điểm đó, 100$ không lớn đối với người Mỹ nhưng lại đủ để trang trải cho một đám cưới tươm tất ở Việt Nam. Cả hai chúng tôi đều rất vui về việc đó.

Tuy nhiên, để vận chuyển chiếc xích lô đến nhà tôi ở Boston là việc không hề dễ dàng. Tôi đã phải nhờ đến sự giúp đỡ của bạn bè ở Việt Nam. Họ tháo chiếc xích lô ra, gửi sang Lào, Campuchia rồi đến Mỹ bằng đường biển.

Tôi sơn lại, thay lốp và mui. Cho đến nay, nó vẫn chạy tốt. Trước đây, tôi thường chở các cháu của mình trên chiếc xích lô này đi dạo quanh nhà. Tôi rất thích chiếc xích lô này vì đó là một phần của Hà Nội, rất khác với xích lô ở Huế hay Thành phố Hồ Chí Minh.

- Xin trân trọng cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục