Đã 66 năm trôi qua kể từ ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng ký ức về thời gian chiến đấu ác liệt vẫn vẹn nguyên trong tâm trí những cựu chiến binh ở Sơn La, những người từng tham gia chiến dịch.
Ngày nay, mặc dù những người chiến sỹ năm xưa tuổi đã cao, sức đã mòn nhưng vào những ngày tháng Năm lịch sử, họ lại gặp nhau, nhớ về những kỷ niệm một thời hoa lửa.
Đã thành thông lệ, cứ vào đầu tháng Năm hằng năm, khi cả nước đang hướng tới kỷ niệm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, các cựu chiến binh và cũng là những chiến sỹ Điện Biên năm xưa ở xã Chiềng Pấc (huyện Thuận Châu) lại tìm đến nhau để ôn lại kỷ niệm.
Ở xã Chiềng Pấc hiện nay vẫn còn 4 cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Điện Biên những ngày khốc liệt nhất; trong đó, người ít tuổi nhất cũng đã ngoài 90.
Khác với mọi năm, năm nay chỉ còn 2 người là ông Hoàng Mạnh Tấc và ông Nguyễn Viết Lăng vẫn đủ sức khỏe để đến thăm nhau.
Bồi hồi nhớ lại ký ức hào hùng của những ngày cùng đồng đội tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, cựu chiến binh Nguyết Viết Lăng xúc động kể, cha mẹ ông mất sớm, nhà chỉ còn hai anh em làm nghề kiếm củi ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Năm 19 tuổi, ông nhập ngũ, được sung vào Tiểu đội mũi nhọn, thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 1, Sư đoàn 98 F316 - một trong những đơn vị chủ lực của quân đội từ phía Đông Bắc tiến lên giải phóng Tây Bắc.
[Chiến thắng Điện Biên Phủ: Ký ức của một y tá quân đội trên cứ điểm C2]
Trên đường tiến quân lên Điện Biên Phủ, ông cùng đồng đội đã tham gia nhiều trận đánh ác liệt, trong đó trận đầu tiên là đánh chiếm đồi Me tại thị xã Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang). Tiếp đó, vào ngày 10/10/1952, ông tham gia trận đánh chiếm đồn bản Mo của huyện Phù Yên (tỉnh Sơn La). Sau trận đánh đó, ông vinh dự được Sư đoàn trưởng tặng Giấy khen.
Ngày 20/10/1952, ông cùng đồng đội hành quân chiếm Đồn Mộc Lỵ nay thuộc huyện Mộc Châu, rồi hành quân ngay trong đêm chiếm đồn Nà Sản (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La).
Trong ký ức người cựu chiến binh vẫn còn in sâu hình ảnh về trận đánh mang tính quyết định trong chiến dịch Điện Biên Phủ - trận tấn công cứ điểm đồi Yên Ngựa, đồi Mâm Xôi, đồi C1 và C2. Khi đó, Chiến dịch Điện Biên Phủ bước vào đợt 3 (từ ngày 1/5 đến ngày 7/5/1954).
Các đồi C1 và C2 có vị trí quan trọng trong hệ thống phòng ngự của thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ. Tiểu đội pháo binh mũi nhọn của ông được phân công tấn công quyết liệt hàng rào thép gai, mở đường tiến vào trận địa của địch. Trong trận đánh đó ta và địch giành đi giật lại từng mét chiến hào, từng lô cốt.
“Đơn vị tôi được phân công 4 quả đồi có 4 cứ điểm, một là cứ điểm đồi Yên Ngựa, đồi Mâm Xôi, đồi C1 và C2. Các trận này kéo dài đúng là 56 ngày đêm, cứ khi mình nhích lên một chút, địch lại bắn bật mình xuống. Ném lựu đạn vào địch, địch ném xuống, mỗi ngày chỉ nhích được một chút thôi,” cựu chiến binh Nguyễn Viết Lăng bồi hồi nhớ lại.
Ông Nguyễn Viết Lăng nhớ nhất là lúc ta và địch quần nhau quyết liệt vào sáng 7/5/1954. Trong khi quân ta ào ạt xông lên tiêu diệt các lô cốt và dùng thuốc nổ phá các hầm ngầm kiên cố của địch thì chiến hào của ông bị một loạt pháo kích dữ dội, sau những tiếng nổ, đất đá bay rào rào, ông ngỡ mình khó có cơ hội sống sót.
“Ngay sau loạt pháo nổ ngay bên cạnh tôi, đất lấp hết cả người. Sau đó, đồng đội mới đến bới đất kéo tôi dậy. Một lúc sau, tôi tỉnh dậy, thấy người vẫn còn khỏe, vậy là tôi cầm súng xông lên tiếp,” ông Nguyễn Viết Lăng nhớ lại thời khắc sinh tử.
Khi nói đến chiến thắng Điện Biên Phủ, bên cạnh các lực lượng bộ đội trực tiếp chiến đấu thì không thể không nhắc tới các lực lượng phục vụ, làm công tác hậu cần cho chiến dịch.
Ông Hoàng Mạnh Tấc được biên chế về Đại đội 8, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 98, Sư đoàn 316, làm nhiệm vụ hậu cần cho chiến dịch. Tuy không trực tiếp xông pha nơi tiền tuyến, nhưng ông Tấc và đồng đội cũng trải qua những gian khổ, mất mát và hy sinh không kém các chiến sỹ trực tiếp cầm súng.
Ngày ấy đơn vị ông Tấc đóng quân ở bản Him Lam, ông làm cấp dưỡng trưởng đồng thời tham gia đơn vị trợ chiến, hàng ngày làm nhiệm vụ chính là nấu ăn cho hơn 100 người trong Trung đoàn.
“Ngày ấy, tiêu chuẩn mỗi người mỗi ngày được ăn một bữa cơm nóng, 2 bữa cơm nắm với muối vừng và một ít thịt kho mặn; rau 3 ngày mới được ăn 1 lần, cũng có hôm tự túc được rau rừng hái ở ven suối. Tuy gian khổ, nhưng mỗi người đều thể hiện tinh thần lạc quan hướng về chiến thắng và tinh thần lạc quan ấy vẫn còn giữ mãi đến tận bây giờ,” ông Hoàng Mạnh Tấc xúc động chia sẻ.
Đã 66 năm trôi qua, nhưng trong ký ức những người lính năm xưa ấy vẫn vẹn nguyên hình ảnh về tháng ngày hào hùng cùng đồng đội “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, những ngày chiến đấu ác liệt giành giật với địch từng tấc đất, từng đoạn chiến hào diễn ra trên cánh đồng Mường Thanh; những tiếng reo vang, cái ôm siết chặt vào nhau của những người lính Điện Biên mừng đại thắng…
Giờ đây, trở lại đời thường sau chiến thắng, họ vẫn luôn phát huy tinh thần, hào khí Điện Biên năm xưa, tiếp tục cống hiến cho quê hương, đất nước, hăng say tham gia hoạt động công tác xã hội, viết thêm những trang sử hào hùng của dân tộc./.