Ngày 29/3, nghệ sỹ Thanh Bùi đã chính thức ra mắt không gian giáo dục đặc biệt dành cho trẻ tự kỷ Special Em’s Education Group (SEEG), bao gồm Trung tâm Quốc tế Chẩn đoán và Can thiệp sớm Rối loạn phổ tự kỷ (VICA) và Trung tâm Giáo dục Special Em’s (SEEC) tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Sự kiện cũng hướng tới ngày “Thế giới nhận thức về tự kỷ”(2/4), lan toả thông điệp thúc đẩy nhận thức trong cộng đồng, tăng cường quan tâm và hiểu biết về hội chứng rối loạn phổ tự kỷ.
Khởi duyên từ vai trò một đại sứ của chương trình “Ngày thế giới vì trẻ em tự kỷ” tại Australia và thể hiện ca khúc chủ đề “Through My Eyes” lan toả tình yêu cho trẻ phổ tự kỷ khắp toàn cầu, nhưng nguồn động lực thúc đẩy Thanh Bùi ấp ủ sáng lập một hệ thống giáo dục chuyên biệt dành cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ lại từ câu chuyện cá nhân.
Tại lễ ra mắt, Thanh Bùi đã lần đầu tiên chia sẻ về câu chuyện của bản thân khi có hai con từng được chẩn đoán tự kỷ. Anh cho biết hai con sinh đôi của mình gặp khó khăn về phát triển ngôn ngữ vì sinh sớm.
“Thanh tìm những bác sỹ giỏi nhất và được kết luận con của Thanh bị tự kỷ. Thanh đã rất suy sụp và không thoải mái bởi kết luận đó đến quá nhanh, chỉ sau 30 phút,” nghệ sỹ Thanh Bùi chia sẻ.
Cũng theo Thanh Bùi, anh tiếp tục tìm đến những chuyên gia quốc tế đầu ngành. Và thật may mắn, anh đã gặp một chuyên gia thực hiện quá trình chẩn đoán các bé trong ba tháng để đi đến kết luận con của anh không rối loạn phổ tự kỷ.
Anh cũng nhận ra phụ huynh có con rối loạn phổ tự kỷ rất cần sự đồng hành để vượt qua nỗi sợ hãi con mình đặc biệt. Rất nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra, khi chính bố mẹ vì giấu, vì sợ mà để con mình chậm phát triển, bỏ qua giai đoạn vàng cần can thiệp sớm từ 0-6 tuổi.
“Vì cơ duyên đó, Hệ thống SEEG từng bước thành hình và ra đời ngày hôm nay,” nghệ sỹ Thanh Bùi nói.
[Nhận thức về chứng tự kỷ: Để chặng đường khó khăn không đơn độc]
Thanh Bùi cho hay hệ thống SEEG dành cho tất cả các phân khúc gia đình có trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Trong đó, VICA sẽ dành cho các gia đình người nước ngoài và SEEC dành cho gia đình người Việt Nam.
Ngoài chương trình chuyên biệt can thiệp sớm cho trẻ phổ tự kỷ, hệ thống giáo dục sáng tạo Embassy Education của anh sẽ bổ trợ cho các con các môn về nghệ thuật, vận động… hướng đến triết lý giáo dục mọi em bé phát triển toàn diện, phát huy học thuật, không chỉ về học vấn mà còn nghệ thuật và thể thao. Theo đó, trẻ rối loạn phổ tự kỷ phải được cảm giác con là một phần của xã hội, được cộng đồng nhìn nhận với tinh thần tôn trọng.
Cũng theo nghệ sỹ Thanh Bùi, điều quan trọng nhất giúp hỗ trợ tương lai cho trẻ phổ tự kỷ mà anh đang thực hiện song song là việc phát triển hệ thống ngành nghề dành cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ, để các em có cơ hội hoà nhập và đóng góp cho xã hội.
“Điều này các nước tiên tiến như Singapore và Úc đã làm rất tốt. Việc tạo ngành mang lại cho trẻ cảm giác không cô đơn trên con đường của các con, có cộng đồng lành mạnh cùng phát triển công bằng, được tôn trọng. Thanh hy vọng sẽ từng bước làm được điều này, cùng với cộng đồng trao cơ hội phát triển cho trẻ để các con được sống cuộc sống đầy ý nghĩa và có mục đích,” Thanh Bùi nói./.