Nghi ngờ xung quanh khả năng Thổ Nhĩ Kỳ 'nhổ rễ' được IS

Những hang ổ cuối cùng của IS trên thực tế nằm ở miền Đông và miền Trung của Syria, cách xa hàng trăm km các khu vực phía Bắc của Syria - nơi quân đội của Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch tấn công.
Nghi ngờ xung quanh khả năng Thổ Nhĩ Kỳ 'nhổ rễ' được IS ảnh 1Binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tại Hassa, tỉnh Hatay, gần biên giới với Syria. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo AFP, việc các lực lượng Mỹ rút quân khỏi Syria sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ tự do hơn trong việc tấn công các lực lượng người Kurd được Washington hậu thuẫn trong cuộc chiến chống lại những kẻ thánh chiến Hồi giáo. Tuy nhiên, các nhà phân tích nghi ngờ khả năng của Ankara trong việc tiêu diệt nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang thận trọng cân nhắc quyết định của người đồng cấp Mỹ Donald Trump trong việc rút toàn bộ 2.000 lính Mỹ khỏi Syria.

Quyết định gây sốc của ông Trump được đưa ra sau khi ông Erdogan thuyết phục Tổng thống Mỹ rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể xóa bỏ những hang ổ cuối cùng của IS sau khi tổ chức này phải chịu hàng loạt thất bại liên tiếp.

Ngày 25/12, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu khẳng định: "Chúng tôi có sức mạnh để tự mình vô hiệu hóa (IS)."

Tuy nhiên, mục tiêu chính của ông Erdogan tại Syria trên thực tế lại là Lực lượng Dân quân người Kurd (YPG), lực lượng được Mỹ huấn luyện để trở thành mũi nhọn đi đầu trong cuộc chiến chống IS.

[Thổ Nhĩ Kỳ cử đoàn cấp cao tới Nga bàn về vấn đề Syria]

Thổ Nhĩ Kỳ kịch liệt phản đối một thực thể của người Kurd tại vùng biên giới của nước này, do lo ngại một lực lượng như vậy sẽ làm gia tăng tham vọng ly khai của cộng đồng người Kurd thiểu số bên trong lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, và nói rằng YPG là một tổ chức "khủng bố" người Syria có quan hệ với Đảng Lao động người Kurd (PKK). PKK bị cả Ankara và các đồng minh phương Tây của Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố.

Ngày 23/12/2018, sau một cuộc điện đàm với ông Erdogan, Tổng thống Trump nói rằng ông tin ông Erdogan có thể "tiêu diệt" IS - lực lượng mà ông Trump cho rằng hiện "cơ bản đã bị đánh bại."

Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần kêu gọi Mỹ ngừng huấn luyện và cung cấp vũ khí cho YPG trong cuộc chiến chống lại IS, khẳng định rằng các lực lượng quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hoạt động hiệu quả hơn trong việc loại bỏ mối đe dọa đến từ IS.

Nicholas Heras, một nhà phân tích làm việc tại Trung tâm an ninh Mỹ mới, nói: "Tổng thống Erdogan là nạn nhân của chính mình khi thành công trong việc thuyết phục ông Trump rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn toàn sẵn sàng tiếp quản sứ mệnh chống IS ở Syria. Thổ Nhĩ Kỳ hiện không có trong tay một lực lượng nổi dậy người Syria nào đủ lớn, đủ kinh nghiệm và đủ tính pháp lý để nắm giữ miền Đông Syria, và sẽ phải mất nhiều tháng, kể cả với sự hỗ trợ của Mỹ, để Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng được một lực lượng như vậy."

Những hang ổ cuối cùng của IS trên thực tế nằm ở miền Đông và miền Trung của Syria, cách xa hàng trăm km các khu vực phía Bắc của Syria - nơi quân đội của Thổ Nhĩ Kỳ và các phiến quân Syria đã quen thuộc và là nơi họ từng tiến hành hai chiến dịch tấn công hồi năm 2016 và 2018.

Fabrice Balanche, một chuyên gia về Syria, nói: "IS ở gần Boukamal, cách Thổ Nhĩ Kỳ hơn 400km (250 dặm), và Thổ Nhĩ Kỳ không thể đi xa tới vậy. Quân đội Syria và lực lượng dân quân người Shiite của Iraq sẽ phải giải quyết điều đó sau khi Mỹ rút quân."

Ông nói thêm: "Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí không thể loại bỏ được Hayat Tahrir Al-Sham (HTS), chi nhánh của al-Qaeda tại Syria, tại Idlib - nơi giáp với biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi không biết nước này làm thế nào để loại bỏ được IS với sự giúp đỡ của các dân quân Arab." Idlib là thành trì cuối cùng của HTS tại miền Bắc Syria.

Theo Balanche, Thổ Nhĩ Kỳ ít nhất có thể "ngăn ngừa" sự trỗi dậy của IS bằng cách đóng cửa biên giới của nước này với Syria và thực hiện các chiến dịch có mục tiêu, giống như tại khu vực al-Bab ở miền Bắc Syria năm 2016.

Từ tháng 8/2016 đến tháng 3/2017, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ lực lượng nổi dậy đối lập người Syria giành được các vùng lãnh thổ ở miền Bắc Syria từ tay IS.

Sinan Ulgen, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách đối ngoại ở Istanbul, đánh giá rằng khoảng cách giữa các căn cứ cuối cùng của IS và biên giới Thổ Nhĩ Kỳ là "một vấn đề thực sự" đối với khâu hậu cầu.

Ông nói với hãng tin AFP: "Hiện chưa rõ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bố trí một chiến dịch quân sự như thế nào với khoảng cách xa đến như vậy."

Lina Khatib, giám đốc Chương trình Trung Đông và Bắc Phi thuộc Chatham House ở London, nói rằng ông Erdogan đã đảm bảo với Tổng thống Trump rằng Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng tiêu diệt IS mà không cần vạch ra "một kế hoạch."

Bà Khatib cho biết mục tiêu thực sự của Thổ Nhĩ Kỳ là "tận dụng cơ hội này (Mỹ rút quân) để đàn áp YPG." Bà nói thêm rằng việc tiêu diệt IS chỉ có thể thành công khi có một chiến lược tổng thể, điều mà thậm chí liên minh quốc tế chống IS hiện nay còn chưa có./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.