Nghị quyết 10: Quản chặt địa chất khoáng sản trên đất liền, trên biển

Theo Nghị quyết số 10-NQ/TW, việc điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản phải bảo đảm cung cấp đầy đủ thông tin, dữ liệu tin cậy, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.
Quy hoạch, điều tra, thăm dò, khai thác khoáng sản còn bất cập. (Ảnh minh họa. Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)
Quy hoạch, điều tra, thăm dò, khai thác khoáng sản còn bất cập. (Ảnh minh họa. Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Ban Chấp hành Trung ương vừa ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để khắc phục các hạn chế, bất cập sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW.

Chính sách, pháp luật về khoáng sản chưa đầy đủ

Theo Ban Chấp hành Trung ương, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị khóa XI về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, công tác quản lý và hoạt động của ngành địa chất, khoáng sản, công nghiệp khai khoáng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy vậy, trong thời gian qua, việc thực hiện Nghị quyết trên vẫn còn những hạn chế, yếu kém; chưa đạt được một số mục tiêu Nghị quyết đã đề ra; công tác điều tra cơ bản về địa chất chưa được quan tâm đúng mức; chủ trương, chính sách, pháp luật về địa chất, khoáng sản chưa đầy đủ; thông tin, dữ liệu còn phân tán, sử dụng chưa hiệu quả; quy hoạch, điều tra, thăm dò, khai thác, chế biển khoáng sản còn bất cập.

Nguồn ngân sách thu từ khoáng sản chưa được quan tâm đầu tư trở lại để phát triển kết cấu hạ tầng, bảo vệ môi trường cho các địa phương nơi khai thác khoáng sản; các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản chưa chú trọng đầu tư, đổi mới công nghệ để sử dụng tối đa giá trị khoáng sản, bảo vệ môi trường…

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém nêu trên chủ yếu là do nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, doanh nghiệp và người dân về tầm quan trọng của tài nguyên địa chất, khoáng sản; về vai trò, vị trí của ngành địa chất và công nghiệp khai khoáng chưa đầy đủ. Sự phối hợp giữa các cơ quan, bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản chưa tốt.

Nghị quyết 10: Quản chặt địa chất khoáng sản trên đất liền, trên biển ảnh 1Phấn đấu đến năm 2045, hoàn thành 100% việc lập bản đồ địa chất khoáng sản trên biển. (Nguồn ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Trong khi đó, đầu tư cho điều tra cơ bản dịa chất, khoáng sản chưa đáp ứng yêu cầu; phần lớn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thăm dò, khai thác khoáng sản có quy mô trung bình và nhỏ, hạn chế về vốn và công nghệ.

Phấn đấu hoàn thành lập bản đồ địa chất khoáng sản

Trước thực trạng nêu trên, Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị, xác định tài nguyên địa chất, khoáng sản là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, vừa là nguồn lực lâu dài của quốc gia, do đó cần phải được quy hoạch, điều tra, thăm dò đầy đủ; được quản lý tập trung, thống nhất; khai thác, sử dụng bền vững, hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, gắn với nhu cầu phát triển của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu đạt mức trung hòa cácbon.

Theo đó, Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2025, việc lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 đạt 80% diện tích đất liền; hoàn thành điều tra, đánh giá khoáng sản tại các khu vực có triển vọng ở Tây Bắc và Trung Trung Bộ; điều tra địa chất, khoáng sản biển tỷ lệ 1:50.000 ở một số khu vực đến độ sâu 1.500m nước.

[Phó Thủ tướng giao 8 nhiệm vụ ‘nóng’ cho ngành tài nguyên môi trường]

Đến năm 2030, kết quả lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 đạt 85% diện tích đất liền; hoàn thành điều tra, đánh giá khoáng sản năng lượng, kim loại tại các khu vực có triển vọng ở Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ; điều tra tai biến trượt lở, lũ quét tại các tỉnh miền núi có nguy cơ cao; điều tra, lập bản đồ địa chất môi trường các khu vực chứa khoáng sản độc hại, phóng xạ…

Đặc biệt, Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2045 sẽ hoàn thành 100% việc lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 trên biển; hoàn thành công tác điều tra cơ bản đối với các tài nguyên địa chất khác; hình thành nền công nghiệp khai khoáng tiên tiến, hiện đại gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh tương đương với các nước tiên tiến khu vực Châu Á.

Xem xét trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm

Trên tinh thần đó, Nghị quyết đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; áp dung mô hình quản trị tài nguyên khoáng sản minh bạch, hiệu quả; ưu tiên cấp phép các dự án khai thác khoáng sản cho các tổ chức doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại…

Nghị quyết 10: Quản chặt địa chất khoáng sản trên đất liền, trên biển ảnh 2Cần áp dung mô hình quản trị tài nguyên khoáng sản minh bạch, hiệu quả. (Nguồn ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Đặc biệt, Nghị quyết yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xem xét trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng khoáng sản; thu hồi giấy phép khai thác, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản, nhất là lợi dịch để đầu cơ, tích trữ, nâng giá, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước và nhân dân.

Về tổ chức thực hiện, Nghị quyết yêu cầu Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về đất chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng theo Nghị quyết và giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo việc lập, phê duyệt, triển khai Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; ưu tiên bố trí nguồn nhân lực thực hiện các nhiệm vụ, đạt mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết; sớm tổng kết việc thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010 để xây dựng, trình Quốc hội khóa XV xe xét, bổ sung, sửa đổi Luật Khoáng sản trước năm 2024.

Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện Nghị quyết; định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục