Ngoại trưởng 6 nước sáng lập EU nhóm họp về khủng hoảng di cư

Ngoại trưởng sáu nước thành viên sáng lập Liên minh châu Âu (EU) ngày 9/2 đã nhóm họp tại Rome (Italy) để bàn cách đối phó với mối đe dọa khủng bố và di cư.
Ngoại trưởng 6 nước sáng lập EU nhóm họp về khủng hoảng di cư ảnh 1Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier. (Nguồn: EPA)

Ngoại trưởng sáu nước thành viên sáng lập Liên minh châu Âu (EU) ngày 9/2 đã nhóm họp tại Rome (Italy) để bàn cách đối phó với các cuộc khủng hoảng mà khối này đang phải đối đầu như kinh tế, mối đe dọa khủng bố và di cư.

Ngoại trưởng các nước Đức, Pháp, Bỉ, Italy, Hà Lan và Luxemburg, sáu nước đã ký Hiệp ước Rome vào năm 1957 để thành lập Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC), tiền thân của Liên minh châu Âu (EU), sẽ thảo luận về nhiều chủ đề then chốt "mang tính định hướng" đối với một châu lục đang gặp phải nhiều vấn đề gây bất ổn, ảnh hưởng đến sự tồn tại của khối.

Theo ngoại trưởng Italy Paolo Gentiloni, đây là một hội nghị quan trọng nhằm đảm bảo xác lập lại "bản sắc" của khối và tìm cách duy trì EU cũng như các thiết chế đã tạo lập nên khối này, như Khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Hiệp ước miễn thị thực Schengen, cho phép công dân các nước ký Hiệp ước này được di chuyển tự do trong khối.

Ba chủ đề chính của Hội nghị bất thường này là kinh tế, chống khủng bố và khủng hoảng di cư. Báo chí Italy cho rằng về mặt kinh tế, EU cần phải có những biện pháp thực tế về kinh tế và tiền tệ để ngăn chặn suy thoái và tình trạng thất nghiệp đang gia tăng. Về nguy cơ khủng bố, EU cần có một chính sách đối ngoại mạnh và đủ khả năng đối phó.

Quan điểm của Italy đưa ra trong hội nghị này là mối đe dọa tấn công của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cần “Lục địa già” phải có một chính sách đối ngoại và đối nội thích hợp.

Italy cũng sẽ yêu cầu EU phải chú trọng hơn vào sự bất ổn ở Libya, khi IS đang mở rộng bành trướng và từ đó có thể đe dọa cả châu lục.

Về khủng hoảng di cư, mục tiêu của sáu nước sáng lập EU là duy trì Hiệp ước Schengen, gia tăng các đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ và các nước châu Phi nhằm ngăn chặn dòng người di cư và đẩy mạnh chính sách phân bổ người di cư về các nước trong khối.

Hội nghị cũng sẽ bàn luận một số chủ đề của Hội nghị thượng đỉnh EU tại Rome vào tháng 3/2017, nhân kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp ước Rome, dẫn đến sự ra đời của EEC./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.