Ngoại trưởng Anh mong cuộc thương lượng với EU sớm kết thúc

Ngoại trưởng Anh Philip Hammond đã bày tỏ ủng hộ việc Anh vẫn tiếp tục là một thành viên của EU, đồng thời mong muốn các cuộc thương lượng với EU sớm kết thúc.
Ngoại trưởng Anh mong cuộc thương lượng với EU sớm kết thúc ảnh 1Ông Philip Hammond. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngoại trưởng Anh Philip Hammond ngày 15/5 đã bày tỏ ủng hộ việc Anh vẫn tiếp tục là một thành viên của Liên minh châu Âu (EU), đồng thời mong muốn các cuộc thương lượng với EU sớm kết thúc.

Ngoại trưởng Hammond đưa ra tuyên bố trên để xóa bỏ những quan ngại trước đó liên quan đến cảnh báo của Thống đốc Ngân hàng Anh (BoE) Mark Carney nói rằng một cuộc trưng cầu dân ý (dự kiến trước cuối năm 2017) về việc "đi hay ở" của Anh trong EU đang gây bất ổn cho môi trường kinh doanh và cuộc trưng cầu ý dân này cần diễn ra "càng sớm càng tốt."

Ông Hammond nhấn mạnh mong muốn sớm đạt được thỏa thuận về vấn đề này và cuộc thương lượng với EU sẽ được đẩy nhanh tiến độ.

Phát biểu bên lề một hội nghị của ngoại trưởng các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, người đứng đầu ngành ngoại giao Anh chia sẻ rằng điều mà ông mong muốn nhất là một gói cải cách tốt, một cuộc trưng cầu với kết quả "có" và một sự thay đổi trong mối quan hệ mà ở đó Anh thực sự can dự và có tiếng nói lớn trong liên minh.

Sau khi bất ngờ giành chiến thắng đa số trong cuộc tổng tuyển cử Anh ngày 7/5 vừa qua, Chính phủ Bảo thủ của Thủ tướng David Cameron đang thúc đẩy tái đàm phán mối quan hệ của Anh với EU, và cam kết sẽ tổ chức trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU của nước này như đã hứa.

Tiến trình thương lượng sẽ do Thủ tướng Cameron, Bộ trưởng Tài chính George Osborne và Ngoại trưởng Hammond đảm trách. Dự kiến, Thủ tướng Anh sẽ nêu ra những yêu cầu đầu tiên của London để cải tổ EU tại Hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng Sáu.

Cho đến nay, tuyên bố của Thủ tướng Cameron sẽ thực hiện cuộc trưng cầu ý dân để quyết định việc Anh ở lại hay rời khỏi "ngôi nhà chung châu Âu" đã vấp phải những phản ứng khác nhau trong khối.

Trong khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker ngỏ ý "sẵn sàng tìm kiếm một giải pháp công bằng cho Anh tại EU," thì Đức khẳng định sẽ không vội vàng thay đổi các hiệp ước EU. Trong khi đó, các bộ trưởng ở Đông Âu phản đối việc hạn chế quyền của người lao động nhập cư và phân biệt đối xử với các công dân của họ. /.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.