Ngoại trưởng Italy cam kết hỗ trợ chính quyền mới ở Libya

Ngày 12/4, Ngoại trưởng Italy Paolo Gentiloni đã có chuyến thăm đến Libya và cam kết về sự hỗ trợ của quốc tế đối với chính quyền mới của quốc gia Bắc Phi này.
Ngoại trưởng Italy cam kết hỗ trợ chính quyền mới ở Libya ảnh 1Ngoại trưởng Italy Paolo Gentiloni. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 12/4, Ngoại trưởng Italy Paolo Gentiloni đã có chuyến thăm đến thủ đô Tripoli, gặp các thành viên chính phủ đoàn kết dân tộc của Libya; đồng thời cam kết về sự hỗ trợ của quốc tế đối với chính quyền mới của quốc gia Bắc Phi này.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức phương Tây cấp cao tới Tripoli kể từ khi chính phủ đoàn kết dân tộc được Liên hợp quốc ủng hộ đến Tripoli làm việc cách đây 2 tuần.

Trả lời báo giới sau cuộc gặp với Thủ tướng chính phủ đoàn kết dân tộc Libya Fayez al-Sarraj tại một căn cứ hải quân ở Tripoli, Ngoại trưởng Gentiloni bày tỏ tin tưởng rằng chuyến thăm của ông sẽ là tiền lệ để các nước khác đi theo. Ông nêu rõ hai bên đang nghiên cứu và thảo luận khả năng mở lại đại diện ngoại giao ở Tripoli.

Theo ông, quyết định đến Tripoli của Hội đồng tổng thống đã "thay đổi cuộc chơi" và mở đường cho sự ổn định tại Libya, song việc thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc hiện vẫn chưa được Quốc hội được quốc tế công nhận tại miền Đông thông qua.

Ngoài ra, ông cũng cho hay Italy đã chuyển đợt viện trợ thực phẩm và y tế đầu tiên đến Tripoli trong ngày 12/4 và dự kiến sẽ tiến hành hỗ trợ các bệnh viện tại thành phố Benghazi.

Về phần mình, Thủ tướng al-Sarraj bày tỏ tin tưởng về việc nhận được sự hỗ trợ trong tương lai từ Italy và cộng đồng quốc tế, đồng thời khẳng định chống khủng bố sẽ là một ưu tiên hàng đầu.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 12/4, hãng tin AFP dẫn lời nghị sỹ Ali Tekbali cho biết Quốc hội được quốc tế công nhận ở Libya sẽ nhóm họp vào ngày 18/4 tới để bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ đoàn kết dân tộc.

Từ giữa năm 2014, tại Libya tồn tại hai chính phủ và hai quốc hội đối địch. Chính phủ do Quốc hội được quốc tế công nhận bầu ra đã buộc phải chuyển tới thành phố Tobruk ở miền Đông sau khi lực lượng Hồi giáo Bình minh Libya chiếm thủ đô Tripoli và lập chính phủ tự xưng với sự ủng hộ của cơ quan lập pháp đã mãn nhiệm.

Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya được thành lập theo thỏa thuận chia sẻ quyền lực được các bên đối địch ký kết dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc tại Maroc hồi tháng 12/2015.

Ngày 30/3 vừa qua, Thủ tướng al-Sarraj đã từ Tunisia về thủ đô Tripoli để bắt đầu công việc, bất chấp sự phản đối của các phe phái đối địch tại nước này.

Theo các nguồn tin, Hội đồng Tổng thống lãnh đạo Chính phủ đoàn kết dân tộc đang hoạt động tại một căn cứ hải quân ở Tripoli. Ông al-Sarraj đã nhận được sự ủng hộ của các thể chế tài chính quan trọng như Ngân hàng trung ương Libya, Công ty Dầu mỏ quốc gia, cũng như của chính quyền các thành phố phía Đông và phía Nam.

Tuy nhiên, Quốc hội Libya được quốc tế công nhận hiện đang ở Tobruk chưa thể bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính phủ đoàn kết dân tộc do không tập hợp đủ số nghị sỹ cần thiết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.