Ngày 6/10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đến Tokyo để hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và các quan chức nước này trước khi tới Bình Nhưỡng lần thứ tư trong năm nay để bàn thảo vấn đề phi hạt nhân hóa với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Pompeo sẽ có cuộc hội kiến và làm việc riêng với Thủ tướng Abe và Ngoại trưởng Taro Kono trong ngày 6/10. Tại các cuộc gặp, hai bên có thể sẽ xác nhận chính sách chung trong việc duy trì các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên cho đến khi nước này phi hạt nhân hóa.
[Ngoại trưởng Mỹ bắt đầu chuyến thăm chính thức tới Triều Tiên]
Trong chuyến thăm tới Bình Nhưỡng ngày 7/10, Ngoại trưởng Pompeo sẽ nỗ lực lên kế hoạch chi tiết cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sau cuộc gặp đầu tiên tại Singapore hồi tháng Sáu.
Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Pompeo cho biết mục đích của ông khi tới Bình Nhưỡng là để hiểu rõ những gì mỗi bên đang cố gắng đạt được cũng như xây dựng lòng tin để từng bước hướng tới hòa bình. Ông hy vọng hai bên có thể nhất trí thời gian và địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai.
Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn, Ngoại trưởng Pompeo khẳng định Trung Quốc sẽ là một phần trong giải pháp cho vấn đề Triều Tiên.
Khi được hỏi rằng liệu những căng thẳng gần đây với Trung Quốc có ảnh hưởng tới các nỗ lực của Mỹ trong vấn đề Triều Tiên hay không, Ngoại trưởng Pompeo đã nhắc lại việc Bắc Kinh đã nhiều lần khẳng định rõ ràng về việc nước này muốn thấy phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ cũng hạ thấp khả năng hai nước sẽ đạt bước đột phá lớn.
Theo kế hoạch, rời Nhật Bản và Triều Tiên, Ngoại trưởng Pompeo sẽ tới Hàn Quốc, gặp Tổng thống Moon Jae-in và Ngoại trưởng Kang Kyung Wha.
Điểm dừng chân cuối cùng của ông trong chuyến thăm Đông Bắc Á sẽ là chuyến thăm tới Trung Quốc trong ngày 8/10. Giới phân tích cho rằng chặng dừng chân của ông Pompeo tại Bắc Kinh có thể gặp nhiều sóng gió do Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence vừa có bài phát biểu trong đó cáo buộc Trung Quốc can thiệp bầu cử, vốn bị Bắc Kinh bác bỏ.
Dư luận gần đây đồn đoán rằng Washington sẽ nhất trí với Bình Nhưỡng về điều kiện đưa ra tuyên bố kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) để đổi lấy các bước đi cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa của Triều Tiên. Đây cũng sẽ là vấn đề chính trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai. Cả Bắc Kinh và Seoul đều bày tỏ mong muốn về việc đưa ra được tuyên bố kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên, trong khi Tokyo vẫn tỏ ra thận trọng.
Về mặt lý thuyết, hai miền Triều Tiên vẫn đang trong trạng thái chiến tranh do cuộc Chiến tranh Triều Tiên mới chỉ kết thúc bằng hiệp định đình chiến, chứ không phải một hiệp ước hòa bình mang tính ràng buộc./.