Ngày 21/10, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã đến Saudi Arabia nhằm tìm kiếm một sự đột phá trong cuộc khủng hoảng ngoại giao ở vùng Vịnh.
Đây là chuyến thăm thứ 2 của ông Tillerson đến Saudi Arabia trong những tháng gần đây.
Ngoại trưởng Tillerson đã không thành công trong việc giải quyết những mâu thuẫn giữa các quốc gia vùng Vịnh trong chuyến thăm tới khu vực này hồi tháng 7 vừa qua.
Trước khi tới căn cứ không quân King Salman ở thủ đô Riyadh, ông Tillerson đã chỉ rõ có ít tiến triển trong vấn đề này. Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh ông không đặt nhiều kỳ vọng về việc những tranh cãi ngoại giao tại vùng Vịnh sớm được giải quyết khi cho rằng một số bên dường như không thực sự sẵn sàng hòa giải.
[Căng thẳng vùng Vịnh: Ngoại trưởng Mỹ thận trọng về khả năng đột phá]
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết bên cạnh vấn đề khủng hoảng ngoại giao ở vùng Vịnh, dự kiến ông Tillerson cũng sẽ thảo luận những vấn đề liên quan đến Iran, cuộc xung đột ở Yemen và cuộc chiến chống khủng bố với giới chức nước chủ nhà. Sau chuyến thăm Saudi Arabia, ông Tillerson sẽ đến Ấn Độ và Pakistan.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và 4 nước Arab gồm Saudi Arabia, Bahrain, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), bùng phát từ đầu tháng 6 vừa qua khi các nước Arab đồng loạt cắt đứt quan hệ ngoại giao và các tuyến vận tải với Qatar kèm cáo buộc Doha hỗ trợ khủng bố.
Chính phủ Qatar luôn phủ nhận cáo buộc này. Đây là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua giữa các quốc gia tại vùng Vịnh và cho đến nay vẫn chưa có lối thoát do các bên không chịu thỏa hiệp hay nhượng bộ.
Nhóm 4 nước Arab đưa ra bản yêu sách gồm 13 điểm đối với Qatar, trong đó có việc yêu cầu Doha đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera, hạ cấp quan hệ với Iran, đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar.
Doha đã thẳng thừng từ chối, cho rằng những yêu cầu này là "phi thực tế, không hợp lý và không thể chấp nhận được"./.