Ngoại trưởng Mỹ tìm kiếm 'con đường ngoại giao' trong vấn đề Ukraine

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã kêu gọi các biện pháp ngoại giao nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Ngoại trưởng Mỹ tìm kiếm 'con đường ngoại giao' trong vấn đề Ukraine ảnh 1Lực lượng phòng vệ quốc gia Ukraine tham gia cuộc tập trận gần cảng biển Azov, ngày 19/4/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 18/1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã kêu gọi các biện pháp ngoại giao nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Ukraine trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, người trước đó cùng ngày đã bày tỏ hoài nghi về các cuộc đàm phán.

Ngay trước khi nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ lên đường tới Ukraine, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho hay ông Blinken đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục con đường ngoại giao nhằm giảm leo thang căng thẳng xung quanh vấn đề Ukraine.

[Nga hoan nghênh Mỹ tham gia giải quyết cuộc xung đột ở Đông Ukraine]

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Blinken sẽ thực hiện chuyến công du tới Ukraine và Đức từ ngày 18-20/1.

Mục đích chuyến đi lần này của ông Blinken nhằm thống nhất cách tiếp cận trong việc giải quyết vấn đề an ninh của Ukraine, đồng thời thúc đẩy những nỗ lực chung khuyến khích các bên lựa chọn giải pháp ngoại giao, giảm leo thang căng thẳng.

Theo kế hoạch, ông Blinken sẽ gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Ngoại trưởng Dmytro Kuleba trong ngày 19/1 để củng cố các cam kết của Mỹ đối với Ukraine.

Ngoại trưởng Blinken cũng sẽ gặp nhân viên Đại sứ quán Mỹ để chuẩn bị cho các kế hoạch trong trường hợp leo thang căng thẳng giữa Nga và Ukraine.

Vào ngày 20/1, ông Blinken sẽ tới Berlin (Đức) để thảo luận về các cam kết ngoại giao gần đây với Nga và các nỗ lực chung nhằm ngăn chặn việc Nga  can dự vào Ukraine, trong đó bao gồm cả khả năng tiến hành các biện pháp kinh tế nhằm vào Moskva.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, chuyến đi và tham vấn của ông Blinken là một phần trong các nỗ lực ngoại giao nhằm giảm leo thang căng thẳng trong bối cảnh Nga triển khai quân đội sát biên giới với Ukraine.

Chính quyền Nga nhiều lần khẳng định việc điều động quân đội tới biên giới với Ukraine là nhằm bảo vệ an ninh của Nga và nước này không có kế hoạch tấn công quân sự Ukraine./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.