Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 22/9 nói rằng Mỹ muốn tránh chiến tranh với Iran và việc triển khai thêm quân tới vùng Vịnh là nhằm mục đích "răn đe và phòng vệ."
Phát biểu với kênh truyền hình Fox News, Ngoại trưởng Pompeo nói: "Hướng nhiệm vụ của chúng tôi là tránh chiến tranh. Như thông báo của Bộ trưởng (Quốc phòng Mark) Esper ngày 20/9, chúng tôi sẽ bổ sung lực lượng tới khu vực cho mục đích răn đe và phòng vệ."
Ngoại trưởng Mỹ cũng nói ông tin tưởng Tổng thống Donald Trump sẽ hành động nếu những biện pháp răn đe như vậy không có hiệu quả và theo ông, đó là điều các nhà lãnh đạo Iran "hiểu rõ."
Trước đó ngày 20/9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper cho biết nước này sẽ triển khai thêm quân tới vùng Vịnh theo đề nghị của Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Theo Bộ trưởng Esper, vụ Iran tấn công máy bay không người lái của Mỹ hồi tháng Sáu sau khi Tehran bắt giữ tàu chở dầu của Anh, cùng với vụ tấn công nhằm vào các cơ sở sản xuất dầu mới đây của Saudi Arabia “đã làm căng thẳng leo thang trong khu vực.”
Cùng ngày, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ - Tướng Joe Dunford cho biết việc triển khai quân Mỹ tới Trung Đông trong thời gian tới sẽ “được điều chỉnh phù hợp.”
[Cuộc chơi mạo hiểm của Mỹ và Iran tại Trung Đông]
Dù không cho biết chính xác các đơn vị hay trang thiết bị nào được triển khai tới Trung Đông nhưng Tướng Dunford cho biết có thể sẽ không nhiều hơn “vài nghìn binh sỹ.”
Căng thẳng giữa Iran và Mỹ cùng các đồng minh gia tăng kể từ tháng 5 năm ngoái khi Washington đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào quốc gia Hồi giáo.
Tình hình càng trở nên xấu đi sau khi xảy ra vụ tấn công nhằm vào cơ sở hóa dầu của Tập đoàn dầu khí Aramco của Saudi Arabia tại Shaybah (Say-ba), gần biên giới với UAE hôm 14/9 vừa qua.
Bất chấp việc lực lượng Houthi tại Yemen thừa nhận tiến hành, Mỹ và Saudi Arabia vẫn cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công trên, trong khi Tehran kiên quyết bác bỏ./.