Ngày 4/12, ngoại trưởng các nước Saudi Arabia và Qatar đã tham gia cuộc đàm phán bàn tròn trước thềm Hội nghị thượng đỉnh thường niên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC).
Đây được xem là cuộc gặp đầu tiên kể từ khi Saudi Arabia cùng ba nước Bahrain, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Ai Cập cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar hồi tháng Sáu vừa qua với cáo buộc quốc gia vùng Vịnh giàu tài nguyên này ủng hộ các phần tử cực đoan và tài trợ cho khủng bố.
Theo hãng tin AFP, ngoài sự tham gia của các ngoại trưởng Kuwait và Oman với tư cách là trung gian hòa giải, đồng thời là hai nước không tham gia vào chiến dịch tẩy chay Qatar, cuộc gặp còn có sự tham dự của Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề đối ngoại UAE Anwar Gagash và Trợ lý Ngoại trưởng Bahrain Abdullah al-Dossari. Cuộc gặp được coi là bước chuẩn bị cho chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh GCC diễn ra tại thủ đô Kuwait City vào ngày 5-6/12.
[Căng thẳng vùng Vịnh: Kuwait mời Qatar dự hội nghị thượng đỉnh GCC]
Theo kế hoạch, Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh GCC, song hiện chưa rõ nhà lãnh đạo nào sẽ đại diện cho Saudi Arabia, UAE và Bahrain tham dự hội nghị thượng đỉnh cũng như liệu hội nghị có thảo luận về cuộc khủng hoảng ngoại giao được xem là trầm trọng nhất trong liên minh tồn tại 36 năm này hay không.
Thành lập năm 1981, GCC là một liên minh kinh tế và chính trị bao gồm các nước Saudi Arabia, Bahrain, UAE và Qatar, cùng Oman và Kuwait.
Căng thẳng ngoại giao giữa Qatar và bốn nước Saudi Arabia, Ai Cập, UAE và Bahrain bùng phát vào ngày 5/6 sau khi bốn nước này cắt đứt quan hệ ngoại giao, đồng thời phong tỏa các tuyến vận tải đường không, đường biển và đường bộ với Doha, cáo buộc quốc gia vùng Vịnh ủng hộ các phần tử cực đoan và tài trợ cho khủng bố.
Qatar đã bác bỏ hoàn toàn những cáo buộc này và gọi đây là hành vi can thiệp vào đường lối ngoại giao độc lập của Doha./.