Ngoại trưởng Serbia tới Kosovo lần đầu tiên kể từ năm 1999

Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Serbia Ivica Dacic đã tới Pristina, thủ phủ của Kosovo - khu vực tuyên bố độc lập khỏi Serbia - để tham dự hội nghị Tây Balkan 6.
Ngoại trưởng Serbia tới Kosovo lần đầu tiên kể từ năm 1999 ảnh 1Ông Ivica Dacic (phải) tham dự Hội nghị Tây Balkan 6. (Nguồn: inserbia.info)

Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Cộng hòa Serbia Ivica Dacic ngày 25/3 đã tới Pristina, thủ phủ của Kosovo - khu vực trực thuộc Serbia đã đơn phương tuyên bố độc lập năm 2008.

Đây là lần đầu tiên một quan chức cấp cao Serbia tới Kosovo kể từ năm 1999, khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), viện cớ bảo vệ người thiểu số gốc Anbania ở Kosovo, mở chiến dịch không kích kéo dài 78 ngày đêm nhằm vào Serbia.

Ngoại trưởng Dacic tới Pristina để tham dự Hội nghị "Tây Balkan 6" do người đứng đầu ngành ngoại giao Kosovo Hashim Thaci chủ trì, cùng sự tham dự của bộ trưởng ngoại giao các nước Albania, Montenegro, Macedonia, Bosnia và Herzegovina.

Phát biểu với giới báo chí sau cuộc họp, ông Dacic cho rằng hội nghị này cho thấy mối quan hệ giữa các nước trong khu vực Balkan đã bớt căng thẳng, hoạt động giao thương cũng như quan hệ giữa người dân trong khu vực đã được cải thiện.

Ngoài hội nghị trên, ông Dacic và Thaci cũng tham gia cuộc đối thoại với sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu (EU) nhằm bình thường hóa mối quan hệ Belgrade-Pristina.

Đại diện ngành ngoại giao Kosovo Hashim Thaci nhấn mạnh rằng chuyến thăm của Ngoại trưởng Serbia Dacic tới Pristina góp phần triển khai thực hiện Thỏa thuận Brussels đạt được vào tháng 4/2013 giữa Serbia và Kosovo.

Tham dự hội nghị "Tây Balkan 6," Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề mở rộng và chính sách láng giềng Johannes Hahn cho biết trong năm 2015, EU sẽ hỗ trợ 143 triệu USD cho khu vực Tây Balkan nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng và các dự án giao thông.

Đây là một phần trong Hiệp định Công cụ hỗ trợ tiền gia nhập (IPA) II của EU nhằm hỗ trợ cải cách ở những quốc gia muốn gia nhập liên minh này trong giai đoạn 2014-2020.

Theo ông Hahn, EU cũng sẵn sàng hỗ trợ lên tới 1,1 tỷ USD đến năm 2020 để cải thiện mối quan hệ trong khu vực Tây Balkan và giữa khu vực này với EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.