Ngôi trường kỳ lạ mát mẻ quanh năm dù nằm giữa sa mạc nóng bức

Trường nữ sinh Rajkumari Ratnavati chính thức đi vào hoạt động hồi tháng 11/2021. Ngôi trường đã được vinh danh là “Công trình của năm 2020” do đặc điểm thân thiện với môi trường.
Không gian bên trong trường Rajkumari Ratnavati. (Nguồn: CNN)

Jaisalmer là một địa điểm nằm tại vùng sa mạc ở phía Bắc Ấn Độ, còn được gọi là “thành phố dát vàng” do sở hữu hàng loạt công trình kiến trúc làm từ sa thạch.

Đây là nơi thường xuyên ghi nhận nhiệt độ lên tới 49 độ C vào dịp cao điểm nắng nóng mùa Hè. 

Tuy nhiên, nơi đây cũng có nhiều ngôi nhà được thiết kế chuyên biệt để thích ứng với điều kiện nhiệt độ môi trường cực cao. Chúng chính là nguồn cảm hứng giúp kiến trúc sư người Mỹ Diana Kellogg xây dựng Trường nữ sinh Rajkumari Ratnavati.

Áp dụng kỹ thuật làm mát tự nhiên

Dự án này được xây dựng với mục tiêu khuyến khích phụ nữ và các bé gái Ấn Độ tới trường, do Jaisalmer là khu vực có tỷ lệ người biết chữ thấp nhất Ấn Độ. Dự án là sản phẩm do CITTA khởi xướng. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ, thường xuyên hỗ trợ nhóm phụ nữ vùng sâu vùng xa

Ngôi trường là công trình đầu tiên trong dự án kiến trúc lớn hơn, gồm 2 công trình khác là một trung tâm hợp tác dành cho phụ nữ và một không gian triển lãm.

Trường nữ sinh Rajkumari Ratnavati chính thức đi vào hoạt động hồi tháng 11/2021 và hiện nay đã có 120 học sinh nữ đăng ký theo học. Ngôi trường đã được tạp chí kiến trúc Architectural Digest India, vinh danh là “Công trình của năm 2020” do đặc điểm thân thiện với môi trường

Vì ngôi trường nằm giữa sa mạc Thar, việc tạo ra một không gian học tập thoải mái là thử thách lớn. Thêm vào đó, tình trạng biến đổi khí hậu phức tạp tại đây cũng gây ra những đợt hạn hán kéo dài, càng lúc càng khắc nghiệt.

“Rất nhiều phương pháp hạ nhiệt không gian sống đã được ứng dụng trong nhiều thế kỷ qua. Những gì tôi làm chỉ là kết hợp chúng lại một cách hài hòa và hiệu quả”, Kellogg chia sẻ với CNN, cho biết thêm rằng nhiệt độ trong trường thường thấp hơn nhiệt độ bên ngoài từ 1 tới 6 độ C. 

Nữ kiến trúc sư đã sử dụng đá sa thạch phổ biến ở địa phương - một vật liệu đã chứng tỏ sự bền bỉ trước tác động của thiên nhiên, để xây trường. “Đá ở đây vô cùng đa dạng phong phú, giá cả lại hợp lý. Không những thế, các nghệ nhân địa phương còn có khả năng “thổi hồn” vào từng thớ đá, khiến chúng thực sự giúp xua tan cái nóng vào ban ngày và cái lạnh vào ban đêm” - bà tán dương.

Ngoài việc sử dụng kỹ thuật xây nhà truyền thống, Kellogg còn chèn một lớp vôi trát vào giữa các lớp tường ở bên trong trường. Đây là một vật liệu có tính xốp và làm mát tự nhiên, giúp giải phóng không khí ẩm. 

Được truyền cảm hứng từ những công trình trong khu vực, bà cũng đã cho lắp đặt một “bức tường jali” - một hệ thống “lưới” làm từ sa thạch, cho phép gió có thể luân chuyển lên cao theo hiệu ứng Venturi, qua đó làm mát không gian trong trường cũng như tạo bóng râm. 

Bên cạnh đó, phần trần nhà cao và các bức tường nhiều cửa sổ sẽ giải phóng nhiệt khỏi lớp học nhanh chóng. Cùng với đó, các mái hiên trong trường được lắp pin năng lượng mặt trời, vừa cung cấp bóng mát, vừa tạo điện. 

Cấu trúc của ngôi trường, được thiết kế để nghiêng theo hướng các cơn gió thường thổi trong địa phương, có hình elip. Hình dáng này được chọn vì khả năng thu và lưu thông không khí mát mẻ, nhưng bên cạnh đó nó còn mang ý nghĩa biểu tượng của sự nữ tính, phù hợp với đặc điểm của dự án. Kellogg gọi đó là “một cái ôm thật chặt”.

Kellogg thừa nhận rằng mặc dù nhiều kỹ thuật làm mát được sử dụng tại trường có thể được áp dụng ở những nơi khác về nguyên tắc, nhưng hiệu quả và tính bền vững của chúng sẽ khác nhau giữa các địa điểm. Ví dụ, các hướng gió cụ thể và các loại đá sa thạch khác nhau sẽ điều chỉnh nhiệt độ khác với các vật liệu được tìm thấy và sử dụng ở Jaisalmer.

Khuôn viên hình oval của trường Rajkumari Ratnavati. (Nguồn: CNN)

Kết hợp hài hòa giữa “thoải mái” và “bền vững”

Kellogg nói rằng về nguyên tắc, dù nhiều kỹ thuật làm mát được sử dụng tại trường có thể dùng ở những nơi khác, hiệu quả và tính bền vững của chúng sẽ khác nhau tùy vào địa điểm áp dụng. 

Ví dụ, các hướng gió cụ thể và các loại đá sa thạch khác nhau sẽ điều chỉnh nhiệt độ khác với vật liệu được tìm thấy và sử dụng ở Jaisalmer.

Trường không sử dụng bất kỳ máy điều hòa nhiệt độ nào, không chỉ bởi chúng gây ảnh hưởng về môi trường, mà còn bởi địa phương không có nhiều thiết bị như vậy. 

Thay vào đó, dự án tập trung sử dụng các phương pháp làm mát tự nhiên và truyền thống mà học sinh đã quen thuộc trong cuộc sống thường ngày. Kellogg tin rằng các em có thể thấy thoải mái trong môi trường học tập, từ đó phát triển bản thân một cách tốt nhất.

“Tôi đã tự quan sát trong suốt 3 đến 4 tháng nay và thấy sự thay đổi của các bé gái, từ bẽn lẽn rụt rè cho tới tự tin “tỏa sáng” sẵn sàng đón nhận mọi tri thức được đưa tới cho các em,” Kellogg chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục