Ngủ điều độ giúp giảm gần 30% nguy cơ mắc các bệnh tim mạch

Kết quả một nghiên cứu cho thấy những người ngủ không điều độ có nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch nghiêm trọng cao hơn 26% so với những người có thói quen ngủ điều độ.

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Ngủ đủ giấc và đúng giờ không chỉ giúp cơ thể phục hồi sức khỏe mà còn có tác dụng phòng ngừa nhiều căn bệnh nguy hiểm, đặc biệt là các bệnh tim mạch.

Một nghiên cứu gần đây công bố trên tạp chí Epidemiology & Community Health, đã chỉ ra rằng những người không có thói quen ngủ điều độ sẽ có nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch nghiêm trọng cao hơn rất nhiều so với những người duy trì thói quen ngủ lành mạnh.

Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Sydney và Đại học Monash (Australia), Đại học Columbia (Mỹ) và Đại học Ottawa (Canada) đã phân tích dữ liệu từ 72.269 người tham gia trong độ tuổi từ 40-79, tất cả đều không có tiền sử mắc các biến cố tim mạch nghiêm trọng (MACE).

Các đối tượng tham gia nghiên cứu được yêu cầu đeo thiết bị theo dõi hoạt động trong vòng 7 ngày để ghi lại thói quen ngủ của họ.

Dựa vào dữ liệu thu thập được, các nhà nghiên cứu tính toán điểm Chỉ số Điều độ Giấc ngủ (SRI) cho mỗi người tham gia, qua đó phân loại họ thành các nhóm theo mức độ điều độ giấc ngủ.

Phân loại thói quen ngủ và nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Chỉ số Điều độ Giấc ngủ (SRI) được chia thành ba nhóm: những người có điểm số SRI trên 87,3 được xem là ngủ điều độ, trong khi những người có điểm số dưới 71,6 được coi là ngủ không điều độ. Các đối tượng có điểm số từ 71,6-87,3 được xếp vào nhóm ngủ không điều độ mức độ trung bình.

Sau khi tính đến các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch như tuổi tác, mức độ tập thể dục, chế độ ăn uống và thói quen sử dụng thuốc, kết quả nghiên cứu cho thấy những người ngủ không điều độ có nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch nghiêm trọng cao hơn 26% so với những người có thói quen ngủ điều độ. Trong khi đó, nhóm ngủ không điều độ ở mức trung bình có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn 8% so với nhóm ngủ điều độ.

Những người có thói quen ngủ điều độ, với chỉ số SRI cao nhất, có mức độ rủi ro thấp nhất đối với các bệnh tim mạch.

giac ngu2.jpg
Thói quen ngủ điều độ có những tác dụng tích cực đối với nhiều khía cạnh của sức khỏe. (Nguồn: iStock)

Giấc ngủ điều độ bảo vệ tim mạch

Ngủ điều độ không chỉ giúp cơ thể hồi phục mà còn có những tác động tích cực đến hệ tim mạch. Khi ngủ đúng giờ và đủ giấc, cơ thể có thời gian để phục hồi, tái tạo các tế bào, đồng thời điều chỉnh các chức năng sinh lý quan trọng.

Một giấc ngủ đủ và chất lượng giúp giảm mức độ căng thẳng, giảm hormone cortisol (hormone stress) trong cơ thể, từ đó giúp làm giảm huyết áp và giảm nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến tim mạch như xơ vữa động mạch, cao huyết áp, đột quỵ.

Bên cạnh đó, việc ngủ không điều độ thường xuyên có thể làm gián đoạn nhịp sinh học của cơ thể, dẫn đến sự mất cân bằng trong các hormon và chức năng sinh lý.

Cơ thể bị thiếu ngủ kéo dài có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch do làm gia tăng mức độ viêm nhiễm trong cơ thể, một yếu tố có liên quan mật thiết đến các bệnh lý về tim.

Thêm vào đó, thiếu ngủ còn dẫn đến việc tăng huyết áp, làm tăng nguy cơ bị tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim.

mat ngu.jpg
Cơ thể bị thiếu ngủ kéo dài có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. (Nguồn: iStock)

Khuyến cáo về việc cải thiện thói quen ngủ

Bên cạnh việc bảo vệ sức khỏe tim mạch, thói quen ngủ điều độ còn có những tác dụng tích cực đối với nhiều khía cạnh khác của sức khỏe.

Ngủ đúng giờ giúp cân bằng các chức năng trao đổi chất, hỗ trợ quá trình tiêu hóa, củng cố hệ miễn dịch và cải thiện sức khỏe tinh thần. Mặt khác, những người ngủ không điều độ thường xuyên đối mặt với các vấn đề như suy giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung, trầm cảm, và lo âu

Chính vì vậy, duy trì một thói quen ngủ điều độ không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch mà còn tăng cường chất lượng cuộc sống.

Các chuyên gia khuyến cáo để bảo vệ sức khỏe tim mạch và ngăn ngừa các bệnh lý nghiêm trọng, mỗi người cần chú ý đến chất lượng giấc ngủ của mình. Giấc ngủ cần đủ và đúng giờ, tối thiểu 7-8 giờ mỗi đêm.

Ngoài ra, nên thiết lập một lịch trình ngủ ổn định, tránh thức khuya và giảm bớt những yếu tố làm gián đoạn giấc ngủ như căng thẳng, lo âu và sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ. Việc tạo ra một môi trường ngủ yên tĩnh, thoải mái cũng góp phần quan trọng giúp nâng cao chất lượng giấc ngủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục