Người Ba Na Kon Tum với nỗi buồn thất truyền nghề gốm thủ công

Đất sét phải được lấy từ suối Đăk Gơga mang về phơi nắng cho thật khô rồi bỏ vào cối giã cho thật mịn sau đó nhào với nước giếng để lấy bột nặn gốm, gốm được nặn trên một tấm phên tre....
Sản phẩm được hơ qua lửa trước khi nung. (Nguồn: thuvienkontum.vn)

Người dân tộc Ba Na tại tỉnh Kon Tum ngày xưa có nghề gốm thủ công, làm ra những vật dụng gia đình phục vụ nhu cầu sinh hoạt của bà con buôn làng.

Ngày nay, vì sự tiện lợi và kinh tế mà nghề gốm thủ công đã dần bị quên lãng ngay trong chính những nơi được coi là cái nôi sản sinh ra nghề gốm của Tây Nguyên.

Làng Kon Săm Luh, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy (Kon Tum) là một ví dụ, ngày xưa gần như cả làng dân tộc Ba Na này ai cũng biết nặn gốm, bây giờ, người cuối cùng làm gốm cũng đã bỏ nghề.

Nguy cơ thất truyền nghề gốm thủ công của người dân tộc Ba Na tại Kon Tum là rất cao bởi ngay trong làng Kon Săm Luh, bà Y Pư, người cuối cùng được truyền nghề cũng đã bỏ cuộc.

Lận đận, vất vả mà chẳng giữ nổi nghề

Bà Y Pư cho biết: “Nếu mình làm ra được một cái nồi thì mất thời gian, mất công lắm, bây giờ cái chén, cái nồi mua ngoài chợ tiện lợi hơn, đẹp hơn. Mình có làm ra thì giá cũng đắt hơn ngoài chợ nên không bán được đâu. Mình cũng muốn truyền nghề cho con cháu mà tụi trẻ nó không muốn học nghề nữa.”

Bà Y Pư kể trước đây mẹ bà là bà Y Nhanh nổi tiếng khắp vùng với nghề làm gốm bằng tay. Sau đó truyền cho chị là bà Y Ber, bà Y Ber tiếp nối nghề truyền thống của gia đình cho đến năm 2013 thì vì bệnh tuổi già, mắt kém nên không còn theo nghề được nữa.

Chị Y Ber cố bắt bà Y Pư học nghề để lưu giữ lại nét văn hóa truyền thống của dân tộc, lúc này bà Y Pư đã 50 tuổi.

Mặc dù tuổi đã cao nhưng năm 2014, bà Y Pư cũng nghe theo lời chị Y Ber bắt đầu học nghề và cho ra những sản phẩm gốm thủ công đầu tiên là cái nồi hong xôi rồi tiếp đến là cái ghè rượu nhỏ.

Hiện nay, hai vật dụng ấy vẫn còn được bà Y Pư trưng bày trong tủ kính làm kỷ niệm.

Đến năm 2016, tỉnh Kon Tum tổ chức chương trình Liên hoan nghệ thuật dân gian Tây Nguyên gắn với Tuần Văn hóa-Du lịch tỉnh Kon Tum, Ban tổ chức đã tìm kiếm và mời bà Y Pư, người cuối cùng còn giữ được nghề gốm thủ công của tỉnh Kon Tum về trình diễn cho bà con và du khách cách thức làm gốm bằng tay trong dịp lễ hội đó.

Kỹ thuật làm gốm thủ công của người Ba Na không giống người Kinh.

Nguy cơ thất truyền một ngành nghề đầy tính văn hóa truyền thồng

Bà Y Pư kể: đất sét làm gốm phải được lấy từ  suối Đăk Gơga cách bản hơn 2 cây số, mang về phơi nắng cho thật khô dưới nắng gắt chừng 3 ngày rồi bỏ vào cối giã thật nhỏ, sàng kỹ bột lấy đất sét thật mịn rồi đem nhào với nước giếng, trộn đập thật đều rồi mới đem nặn gốm. 

Gốm thủ công nơi đây là nghề truyền thống được truyền từ ngàn đời xưa nên bà con người Ba Na không dùng bàn xoay như của người Kinh mà nặn trên một tấm phên tre được đan chắc chắn.

Đầu tiên, bà Y Pư lấy lượng đất sét đã nhào đập kỹ tương ứng với món đồ cần nặn bỏ lên trên một tấm lá chuối hay lá bàng bằng phẳng rồi đặt lên trên tấm phên để đất không dính vào tấm phên, tất cả được đặt trên một khúc cây vững chắc hay chiếc cối lật úp để tạo trục, tiện cho việc di chuyển của người làm gốm.

Sau đó bằng bàn tay khéo léo của người phụ nữ Ba Na, bà Y Pư nặn riêng từng bộ phận của vật dụng và ghép chúng lại với nhau.

Điều đặc biệt của việc làm gốm thủ công là những người phụ nữ phải liên tục xoay quanh trục với bàn tay thoăn thoắt nặn thành hình chiếc nồi hay chiếc bát, chiếc bình như ý.

Với sự hỗ trợ đắc lực là một thanh tre hoặc nứa nhẵn mịn cộng với bàn tay khéo léo, bà lấy từng chút một phần đất sét phía trong ruột bình, bát, ghè ra bên ngoài rồi cẩn thận dùng thanh tre đó chuốt cho mặt ngoài của vật dụng phẳng phiu hơn.

Các công đoạn làm nồi, ghè cũng có trật tự của nó, đầu tiên bà Y Pư nặn thân rồi mới đến miệng và sau một ngày phơi khô mới nặn đáy ráp vào với nhau.

Cho chúng tôi xem một cái nồi hoàn chỉnh có màu đen bóng như đã được nấu rất nhiều lần, bà Y Pư cho biết chiếc nồi đó chưa được sử dụng lần nào vì đó là nồi kỷ niệm lần đầu làm được.

Bà Y Pư cho biết thêm sau khi ra thành phẩm, chiếc nồi, bình, bát được bà lấy đá cuội chà cho bóng mặt ngoài đồng thời đem phơi khoảng 1 tuần rồi đem nung với lửa.

Trong khi phơi thấy đến độ đất khô vừa phải, bà vẽ các họa tiết hoa văn của dân tộc lên ghè rượu hay chén bát… rồi lại đem phơi trước khi nung.

Trong thời gian nung gốm, người Ba Na thường lấy nước của vỏ cây rừng bôi lên vật nung để gốm có màu đen bóng và chắc hơn.

Một chiếc ghè rượu nặn mất khoảng 2 ngày công chưa tính thời gian lấy bùn và nhào đất sét cùng thời gian phơi, nung.

Sản phẩm sau khi nặn hoàn thành. (Nguồn: thuvienkontum.vn)

Trước đây, thì chị Y Ber của bà đổi 1 cái nồi lấy 1 con gà, một cái ghè lấy 3 con gà cho người trong làng, cũng có một số người từ xã Ngọc Réo (huyện Đăk Hà), huyện Sa Thầy, xã Hà Tây (huyện Chư Pah, Gia Lai)… đến mua gốm của gia đình, nhưng từ lúc bà Y Pư làm nghề thì bà bán gốm thành phẩm bằng tiền mặt.

Mặt hàng bán chạy nhất của bà là chiếc nồi hong xôi đặc trưng của người Ba Na. Chủ yếu bà Y Pư làm các sản phẩm gốm ra để phục vụ cho gia đình và bà con dân làng là chính vì theo họ cơm, xôi được nấu từ nồi gốm thủ công ăn rất thơm ngon, giữ gạo mềm lâu hơn.

Điều đáng tiếc là đến thời điểm này, bà Y Pư, không còn mặn mà với nghề nữa bởi giá thành bán ra của gốm thủ công cao hơn nhiều so với gốm thương mại hiện nay có trên thị trường nên thỉnh thoảng bà chỉ làm vài vật dụng phục vụ cho gia đình.

Một điều đặc biệt nữa của nghề gốm thủ công của người Ba Na tại Tây Nguyên là nghề chỉ được truyền lại cho con gái, tuyệt đối con trai thì không được học nghề.

Nhà bà Y Pư có 2 người con gái, rồi dòng họ cũng có rất nhiều phụ nữ nhưng họ không học nghề, cũng không muốn giữ nghề vì nếu có tập trung làm thì cũng chẳng có đầu ra.

Chính quyền nơi đây cũng không có cách nào khác để giữ lại nghề gốm thủ công khi mà người dân bản địa không thiết tha lưu giữ chính bản sắc của họ.

Ông Phan Văn Hoàng, phó giám đốc sở Văn hóa Thông tin và Du lịch tỉnh Kon Tum cho biết: “Nghề gốm thủ công tại địa phương chỉ còn vài người biết nặn gốm mặc dù chúng tôi cũng đã cố gắng vận động tuyên truyền gìn giữ bản sắc cho người đồng bào dân tộc Ba Na nơi đây.

Nhưng vì lý do giá thành cao mà quá tốn công làm rồi làm được thành phẩm lại không có đầu ra, người dân nản rồi cuối cùng bỏ nghề luôn, chúng tôi cũng không còn cách nào khác để phục dựng. Hiện tại, chúng tôi đang tập trung bảo tồn các lễ hội truyền thống, diễn tấu cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm… chứ nghề gốm thủ công coi như thất truyền."/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục