Người dân ngần ngại mua rau sạch sau vụ bê bối ‘rau VietGAP rởm’

Vụ việc một số doanh nghiệp biến rau từ chợ đầu mối thành rau chuẩn Viet GAP sau đó được tiêu thụ tại các siêu thị lớn đã làm nhiều người tiêu dùng dần mất niềm tin đối với các sản phẩm này.
Một số bê bối gần đây về rau sạch VietGAP đã khiến người tiêu dùng ái ngại khi đi mua sắm. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)
Một số bê bối gần đây về rau sạch VietGAP đã khiến người tiêu dùng ái ngại khi đi mua sắm. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Thông tin báo chí đăng tải về trường hợp một số doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh “phù phép” biến rau từ chợ đầu mối thành rau chuẩn Viet GAP sau đó được tiêu thụ tại các siêu thị lớn… khiến người tiêu dùng lo ngại.

Trưa 22/9, tại một siêu thị trên phố Võ Thị Sáu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), chị Hương (phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng) đang tìm mua rau để chuẩn bị cho bữa ăn gia đình. Sau một hồi chọn tới chọn lui, chị quyết định không mua bởi ngần ngại không biết rau mình mua có “chuẩn” hay không.

“Vì gia đình bận rộn không có thời gian đi chợ nên tôi thường xuyên vào siêu thị để mua thực phẩm như rau, thịt… cũng bởi nơi đây được quảng bá cung cấp thực phẩm sạch, an toàn. Nhưng khi nghe thông tin trên báo đài về việc đơn vị này bán rau ‘dởm’ thì tôi hoang mang, không biết phải mua ở đâu mới tốt…,” chị Hương nói.

Bà Dung, một người tiêu dùng khác tại đây cũng cho rằng người dân chấp nhận mua rau sạch giá cao gấp nhiều lần tại chợ nhưng lại dính rau bẩn thì rất mất niềm tin. “Khách mua hàng của siêu thị dựa trên sự tin tưởng thương hiệu chứ không biết đến các đơn vị cung cấp là ai. Các siêu thị cần phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, giá cả được bày bán tại quầy,” bà Dung cho hay.

Bên cạnh việc ái ngại của người tiêu dùng là nỗi lo của một số đơn vị nhỏ lẻ kinh doanh thực phẩm mặt hàng rau sạch.

Anh Lê Minh, chủ một cửa hàng bán thực phẩm tại đường Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng) cho biết thông thường sản phẩm rau hữu cơ, rau Viet GAP là mặt hàng được nhiều người tìm mua. “Tuy nhiên từ khi có thông tin vụ 'rau Viet GAP rởm' thì một số khách hỏi han và không mua nữa, kể cả tôi không nhập các loại rau từ các nơi bán bị dính ‘phốt’,” anh Minh tâm sự.

[Vụ 'rau VietGAP rởm' bán trong siêu thị: Quản lý thị trường vào cuộc]

Theo khảo sát của phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus tại một số siêu thị Winmart, Winmart +, Tops Market… trên địa bàn Thủ đô, các mặt hàng rau thuộc các đơn vị dính “phốt” là Trình Nhi, Đông A, Hugo Farm… không có trên các quầy hàng.

Tại một số siêu thị Winmart, đơn vị này phân phối các mặt hàng rau xanh, rau gia vị, nấm… từ các nhà phân phối như Rau Yên Phú, Công ty CP Omega Phú Thọ, Rau sạch Yên Dũng, TD Mart… giá của các sản phẩm này dao động từ 25.000-125.000 đồng/kg tùy loại. Hạn sử dụng, nguồn gốc các sản phẩm đều được ghi trên bao bì.

Khi được hỏi về việc nguồn cung các sản phẩm trong danh sách bị “điểm tên,” các nhân viên chuỗi siêu thị đều lắc đầu nói không biết. Còn đại diện của hệ thống Winmart là Wincomerce cho biết đã ngừng nhập và loại toàn bộ hàng hoá của nhà cung cấp Trình Nhi khỏi quầy kệ từ ngày 19/9 để xác minh, làm rõ thông tin.

Trước đó, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản khẩn gửi các Đội quản lý thị trường trực thuộc yêu cầu rà soát, kiểm tra, xử lý các hành vi kinh doanh rau, củ, quả không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đây là biện pháp mà nhà chức trách triển khai ngay sau thông tin mà báo chí phản ánh về tình trạng nhiều người dân phải trả giá cao để mua "rau an toàn" và “đạt chuẩn VietGAP” tại các siêu thị, nhưng thực tế một số công ty lại đi gom rau ở chợ đầu mối, dán nhãn VietGAP rồi bán cho siêu thị. 

Trong văn bản nêu rõ sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi tập kết, phân loại, đóng gói, kinh doanh rau, củ, quả không rõ nguồn gốc hoặc gian lận về nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội phát biểu tại lễ khai mạc. (Ảnh: Phương Anh/TTXVN)

Hà Nội tôn vinh 36 sản phẩm công nghiệp chủ lực 2024

Thành phố sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực như cải thiện môi trường đầu tư, quảng bá, phát triển thị trường....