Người dân Syria đi bỏ phiếu bầu chọn nhà lãnh đạo đất nước

Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh xung đột giữa quân đội chính phủ và các lực lượng đối lập, cũng như sự hoành hành của chủ nghĩa khủng bố, đã đẩy Syria vào một cuộc khủng hoảng hết sức nghiêm trọng.
Người dân Syria đi bỏ phiếu bầu chọn nhà lãnh đạo đất nước ảnh 1Một người bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống ở Syria, tại Bộ Thông tin ở Damascus, ngày 26/5/2021. (Nguồn: rfi.fr)

Sáng 26/5 (giờ địa phương, chiều cùng ngày giờ Việt Nam), hàng triệu cử tri Syria đã đi bỏ phiếu để bầu chọn nhà lãnh đạo đất nước.

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông-Bắc Phi, cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh xung đột dai dẳng giữa quân đội chính phủ và các lực lượng đối lập cũng như sự hoành hành của chủ nghĩa khủng bố đã đẩy đất nước Syria vào một cuộc khủng hoảng hết sức nghiêm trọng cả về chính trị, an ninh, kinh tế-xã hội và nhân đạo.

Chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của gần nửa triệu người Syria, đồng thời gây ra một cuộc khủng hoảng người tị nạn tồi tệ nhất kể từ sau cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Khoảng một nửa trong tổng số 23 triệu dân Syria phải rời bỏ nhà cửa, trong đó 6,5 triệu người đi sơ tán ở trong nước và 5,6 triệu người phải tị nạn tại các nước láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ, Liban, Jordan, Iraq và Ai Cập.

[Phát hiện âm mưu khủng bố hóa học trước thềm bầu cử Tổng thống Syria]

Sau hơn 10 năm nổ ra nội chiến, 13,4 triệu người đang cần cứu trợ nhân đạo khẩn cấp. Nhiều hộ gia đình không thể tiếp cận các loại lương thực cơ bản vì giá lương thực đã tăng 250% trong năm ngoái do đồng nội tệ mất giá và nguồn cung lương thực khan hiếm.

Nền kinh tế Syria đã bị tàn phá nặng nề. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Syria đã giảm từ 60,2 tỷ USD năm 2010 xuống còn hơn 21 tỷ USD năm 2020, với tỷ lệ thất nghiệp luôn ở mức 50% và 80% dân số hiện sống ở dưới mức nghèo khổ.

Theo ước tính sơ bộ của Ngân hàng Thế giới (WB), xung đột vũ trang đã gây tổn thất khoảng 300 tỷ USD cho Syria. Nhiều thành phố và làng mạc bị tàn phá, khoảng 45% số nhà ở bị phá hủy, hơn một nửa số cơ sở y tế và 70% số trường học phải đóng cửa. Chi phí cho công cuộc tái thiết tại Syria ước tính lên tới 250 tỷ USD.

Hiện nay, bên cạnh các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây vốn đã cản trở các hoạt động đầu tư và tái thiết đất nước, Syria cũng đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng do tác động của đại dịch COVID-19.

Trong bối cảnh Syria đang đứng trước nhiều khó khăn, với một loạt thách thức như nền kinh tế bị tàn phá trong xung đột, các lệnh trừng phạt của Mỹ cũng như tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, cuộc bầu cử tổng thống năm này sẽ đem lại những hy vọng mới về một nền hòa bình cũng như cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân Syria sau hơn một thập kỷ xung đột và bạo lực.

Cuộc bầu cử tổng thống năm 2021 chứng kiến cuộc đua giữa 3 ứng cử viên, gồm đương kim Tổng thống Bashar al-Assad (55 tuổi), cựu Thứ trưởng Nội các Abdallah Saloum Abdallah và ông Mahmoud Ahmed Marei - lãnh đạo một đảng đối lập nhỏ theo đường lối ôn hòa tại Syria.

Bộ trưởng Nội vụ Syria Mohammad al-Rahmoun cho biết khoảng 18 triệu cử tri đăng ký bỏ phiếu tại hơn 12.000 điểm bỏ phiếu trên khắp đất nước. Trước đó, ngày 20/5, các công dân Syria ở nước ngoài đã bỏ phiếu tại các đại sứ quán và lãnh sự quán của nước này.

Giới phân tích tại Trung Đông nhận định, đương kim Tổng thống Bashar al-Assad, người lên nắm quyền lãnh đạo đất nước từ năm 2000, sẽ giành chiến thắng để tiếp tục nhiệm kỳ thứ tư kéo 7 năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.