Người di cư tuần hành phản đối ở nhiều quốc gia châu Âu

Ngày 7/9, khoảng 200 người nhập cư đã xông qua hàng rào của cảnh sát và tuần hành khoảng 15km nhằm phản đối tình trạng người di cư bị mắc kẹt tại một trung tâm tị nạn ở Hungary.
Người di cư tuần hành phản đối ở nhiều quốc gia châu Âu ảnh 1Người tị nạn tuần hành trên đường cao tốc ở Hungary. (Nguồn: rte.ie)

Ngày 7/9, trên tuyến đường cao tốc từ biên giới Serbia dẫn tới thủ đô Budapest (ở Hungary), gần trung tâm tị nạn, khoảng 200 người nhập cư đã xông qua hàng rào của cảnh sát và tuần hành khoảng 15km nhằm phản đối tình trạng người di cư bị mắc kẹt tại đây.

Lực lượng cảnh sát đã kêu gọi nhóm người này bình tĩnh và thuyết phục họ quay trở lại các xe buýt để tới các địa điểm đăng ký xin tị nạn ở gần đó.

Trước đó, cảnh sát đã phải phong tỏa một đoạn đường cao tốc gần Roszke, Đông Nam Hungary, giáp với Serbia vì dòng người nhập cư đã trèo qua các hàng rào chắn để tràn vào con đường dẫn về thủ đô. Nhiều vụ xô xát giữa cảnh sát và người di cư cũng đã xảy ra do người di cư quá mệt mỏi khi phải chờ đợi làm thủ tục nhập cảnh nhiều ngày tại các lán trại quá tải ở Roszke.

Cùng ngày, cảnh sát tại khu vực phía Nam Đan Mạch cũng đã phải phong tỏa tuyến đường cao tốc khi các đoàn người di cư nối tiếp nhau tuần hành về phía biên giới với Thụy Điển, quốc gia có chính sách tị nạn khá nới lỏng.

Đoàn người tuần hành sau đó đã đồng ý quay lại các địa điểm đăng ký xin tị nạn để làm thủ tục. Nhưng rất nhiều người trong số này sau đó lại xô xát với cảnh sát khi họ nghĩ rằng việc lấy dấu vân tay sẽ khiến họ phải ở lại Đan Mạch thay vì được đến Thụy Điển.

Phát biểu tại một cuộc họp báo cùng ngày, Thủ tướng Đan Mạch Lars Rasmussen cho biết khoảng 400 người di cư đã vào Đan Mạch trong 24 giờ qua, và con số này tăng lên gấp đôi chỉ sau đó vài giờ. Ông kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) cần sớm đưa ra biện pháp chung nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng di cư đang ngày càng nghiêm trọng này.

Trong khi đó, Chính phủ Đan Mạch cũng khởi động một chương trình quảng cáo trên các báo nước ngoài nhằm cảnh báo người di cư về những nguy cơ bị cắt giảm các viện trợ xã hội, không được đoàn tụ gia đình trong năm đầu và có thể sẽ bị từ chối cấp quy chế tị nạn, trục xuất về nước khi tìm cách đến nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.