Giữa một vùng quê thanh bình tại xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, tiếng đẽo, tiếng dùi lâu lâu lại vang lên nghe vừa thân thương, vừa mộc mạc. Đó là những âm thanh được phát ra từ làng Đào Xá, nơi nổi danh với nghề làm đàn suốt nhiều thế kỷ.
Hơn hai giờ đồng hồ chạy xe từ trung tâm thành phố vào đến đường làng, chúng tôi cũng tìm đến được nhà nghệ nhân Đào Văn Soạn, người giữ lửa truyền thống nghề làm đàn của làng Đào Xá.
Thăng trầm làng nghề
Nghề làm đàn ở Ứng Hòa (Hà Nội) có lịch sử hơn 200 năm tuổi, bắt đầu từ cụ Đào Xuân Lan, sau được truyền lại cho các thế hệ con cháu. Từ đó, hễ cứ nhắc tới làm đàn là người ta nghĩ ngay tới làng Đào Xá.
Tại thời điểm ấy, người làng Đào Xá còn mang nghề làm đàn đi ra nhiều vùng miền khác của đất nước, từ Bắc vào Nam. Hiện nay ở đây có hầu hết các loại nhạc cụ âm nhạc truyền thống như đàn bầu, đàn tranh, đàn nguyệt, đàn tứ, đàn cò,...
Nghệ nhân Đào Văn Soạn cho biết: “Kể cả xưởng nhạc cụ Quốc dân ở Thanh Hóa cũng là người làng này, đi xa hơn nữa khi người làng này đi di cư, thì Hồ Thị Ngà, Lê Thị Hồng Gấm, các xưởng nhạc cụ đó cũng là của người làng này. Từ Nam Định, Thanh Hóa đến đất Sài Gòn cũng là người làng này hết.”
Hiện nay ở làng Đào Xá vẫn có nhà thờ tổ nghề làm đàn. Hàng năm vào ngày giỗ tổ, dân làng nghề lại đến đây dâng lễ, tưởng nhớ người đã có công gây dựng cơ nghiệp làng nghề.
Tuy nhiên, cũng có một thời gian nghề làm đàn bị chững lại. Đó là do các giai đoạn của chiến tranh và theo mạch lịch sử của đất nước. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nghề làm đàn phát triển mạnh.
Sau khi giải phóng miền Nam xong, thì nghề này gần như là không còn nữa. Nguyên nhân do sản xuất ra không có người tiêu dùng, cũng không có người tiếp nối.
Chế tạo nhạc cụ dân tộc đòi hỏi sự kiên trì
Theo nghệ nhân Đào Văn Soạn, để chế tạo được cây đàn tốt, khó nhất là việc tìm và chọn nguyên liệu. “Theo quan niệm xưa “Thành trắc mặt vông” cho nên gỗ tốt nhất nên là gỗ trắc, gỗ ngô đồng. Đặc biệt, gỗ phải để khoảng 2 năm cho đủ khô mới đưa vào sử dụng được. Không chỉ gỗ, nhiều loại đàn cần phải dùng da trăn để chế tạo. Do đó, để làm ra một cây đàn tốn khá nhiều thời gian và công sức,” ông Soạn chia sẻ.
[Người giữ lửa nghề vẽ tranh truyền thần ở Thủ đô Hà Nội]
Những người làm nghề chỉ dựa từ kỹ thuật thẩm âm do thế hệ trước truyền lại, rồi từ đó làm ra những loại đàn với nhiều âm sắc khác nhau. Việc làm đàn là một loại của nghề mộc, đòi hỏi sự khéo tay, tỉ mỉ trong từng bước, từng công đoạn. Mỗi cây đàn trung bình mất từ 2-3 ngày để hoàn thiện, có khi lâu hơn.
Tuy nhiên, để làm ra được một cây đàn như thế, người thợ phải trải qua nhiều năm học nghề khá vất vả. Vậy nên không phải ai cũng có đủ kiên trì để theo nghề này. Ông Soạn cho biết thêm: “Thực tế bây giờ, đất làng nghề thật nhưng mà thanh niên bây giờ lại không thích nghề này mấy. Phải là người thực sự kiên trì và yêu nghề mới làm được chứ nếu có tài năng nhưng nóng vội thì cũng không phù hợp.”
Trăn trở với tương lai của nghề làm đàn truyền thống
Đã có một thời gian, nghề làm đàn ở Đào Xá bị mai một do không có người tiêu dùng cũng như không có người để truyền nối. Lớp trẻ hiện nay thường thích tìm tới những công việc đơn giản, nhẹ nhàng hoặc nơi làm việc hiện đại hơn là quay trở lại với những nghề của ông cha.
Cho đến những năm 90, khi nhà nước khôi phục lại làng nghề truyền thống, thì nghề này mới được đánh thức trở lại.
“Lớp trẻ bây giờ không thích nghề này nhiều vì nó đòi hỏi tương đối khắt khe về mỹ thuật, kỹ thuật, học nghề ít ra là phải hai năm mới ra làm nghề được, mà hai năm nhiều khi lớp trẻ hay sốt ruột lắm. Trước đây có một cụ ở Hà Nội cũng làm đàn, nhưng ông ấy mới mất cách đây mấy năm rồi, nên bây giờ chỉ còn đúng mỗi tôi là lứa tuổi cao nhất, giữ nghề cho đến bây giờ. Nam nay tôi cũng gần 80 rồi, chỉ mong giới trẻ quan tâm nhiều hơn để làng nghề không bị mai một” - ông Soạn bộc bạch.
Chị Phương Mai (21 tuổi) chia sẻ: “Tôi yêu thích nhạc cụ dân tộc nên thường đến đây để tham quan và tận mắt ngắm đàn của làng Đào Xá. Mỗi lần đến đây vừa được xem nghệ nhân làm đàn, vừa được thưởng thức âm nhạc, cảm giác rất yên bình. Âm nhạc và cảnh làng quê thực sự rất tuyệt vời. Là một người trẻ, tôi cũng mong muốn nhiều người biết đến hơn về nhạc cụ truyền thống ở làng Đào Xá.”
Nghề làm đàn không chỉ góp phần lưu giữ nét đẹp làng nghề truyền thống, mà còn mang âm nhạc dân tộc đến gần hơn với các thế hệ sau. Những giai điệu ca trù, hát văn, cải lương... từ đàn đáy, đàn nguyệt, đàn gáo... không phải đi đâu cũng có thể thưởng thức được. Tuy vậy, để có được đam mê và đi theo con đường làm nghề không phải là điều dễ dàng.
Xưa nay nghề làm đàn ở Đào Xá vốn là nghề cầm tay, chỉ việc. Chính vì thế, nghệ nhân Đào Văn Soạn luôn ủng hộ và giúp đỡ cho nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ đến đây học nghề.
“Nghề này đòi hỏi sự tỉ mỉ, tôi sẵn sàng dạy làm đàn miễn phí, chỉ cần đến đây học thôi, căn bản là có đam mê hay không, để còn giữ lấy cái nền âm nhạc truyền thống của dân tộc ta" - nghệ nhân Đào Văn Soạn trăn trở.
Nghệ nhân Đào Văn Soạn hiện là Nghệ nhân dân gian Quốc gia và là Nghệ nhân Ưu tú của Thành phố Hà Nội. Đó là kết quả của quá trình nỗ lực không để nghề truyền thống bị mai một, góp phần đưa nhạc cụ dân tộc lan tỏa ra trong nước và thế giới. Hiện nay, ông đang truyền nghề lại cho con trai, con rể và một số thanh niên theo học ở xưởng.
Nghệ nhân Đào Văn Soạn là điển hình cho tấm lòng thiết tha với âm nhạc dân tộc, với truyền thống đẹp đẽ của cha ông. Những người giữ lửa cho làng nghề làm đàn Đào Xá như ông chỉ mong tiếp lửa thêm cho thế hệ trẻ hôm nay thật nhiều kỹ năng làm đàn và tình yêu đối với cây đàn để âm nhạc dân tộc Việt Nam càng thêm khởi sắc./.