Chỉ vài ngày trước khi tháng thánh lễ Ramadan linh thiêng bắt đầu, thế giới Hồi giáo đang đứng trước tình cảnh đặt ra do đại dịch COVID-19 là người dân phải tuân thủ các biện pháp giãn cách trong thời điểm các hoạt động xã hội là điều thiêng liêng nhất.
Tháng Ramadan với người Hồi giáo là thời gian dành cho gia đình và gặp gỡ cộng đồng, sám hối, cho các hoạt động thiện nguyện và cầu nguyện tập thể.
Tuy nhiên, khi các đền thờ đều đóng cửa, các biện pháp giới nghiêm và cấm tụ tập đông người được áp dụng nhằm ngăn chặn virus lây lan tại hầu hết các quốc gia từ Senegal tới Đông Nam Á, khoảng 1,8 tỷ người Hồi giáo đang chuẩn bị bước vào tháng lễ Ramadan khác biệt nhất trong lịch sử.
Tại Algeria, bà Yamine Hermache, 67 tuổi, cho biết mỗi năm vào tháng lễ Ramadan, khi người Hồi giáo thường ăn chay hoặc nhịn ăn từ lúc bình minh tới khi mặt trời lặn, bà đều tiếp người thân và hàng xóm đến nhà chơi để thưởng thức trà hay nước uống mát lạnh.
Nhưng năm nay, mọi việc sẽ khác, bà Hermache cho biết mọi người sẽ không tới thăm nhau vì đều lo ngại dịch bệnh và hạn chế tiếp khách.
Chồng bà, ông Mohamed Djemoudi, 73 tuổi, không thể tưởng tượng tháng lễ sẽ ra sao khi người dân không thể đến đền thờ cầu nguyện.
[Dịch COVID-19 trên thế giới: Đã có trên 2,4 triệu người mắc bệnh]
Chính phủ Jorrdan và các quốc gia Arab láng giềng sẽ phối hợp để ra thông báo chung về những nghi thức hành lễ được phép tiến hành trong tháng Ramadan năm nay.
Tại thủ đô Cairo (Ai Cập), thành phố 23 triệu dân này đang vất vả phòng chống COVID-19. Chủ một tiệm tạp hóa gần đền thờ al-Sayeda Zainab cho biết doanh số bán hàng năm nay chưa bằng 1/4 năm ngoái khi mọi người không ra ngoài đi mua sắm do lo ngại dịch bệnh.
Năm nay, giới chức áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm và cấm tụ tập cầu nguyện hay các hoạt động khác nên những người bán hàng rong tại Cairo cũng không có nhiều cơ hội kinh doanh.
Không chỉ làm mất không khí lễ hội ngay từ những ngày đầu, đại dịch còn khiến một phần quan trọng của thánh lê Ramadan là ăn chay và thiện nguyện không biết sẽ diễn ra theo hình thức nào.
Tại Algeria, các chủ nhà hàng cũng không biết làm sao để đưa các bữa ăn “xả chay” (iftar- khi người dân ăn uống đồ mặn sau một ngày ăn chay hoặc không ăn) cho khách hàng khi các cửa hàng đều phải đóng cửa.
Các nhà từ thiện ở Abu Dhabi cũng không biết sẽ tổ chức các bữa ăn iftar cho người lao động thu nhập thấp ở đâu khi các đền thờ đều đã đóng cửa.
Các bữa ăn thiện nguyện này đáng lẽ sẽ giúp ích rất nhiều cho những lao động nghèo đang thất nghiệp vì đại dịch khiến mọi hoạt động ngưng trệ hoặc cho những người được cách ly.
Senegal vẫn cho phép tổ chức các bữa ăn thiện nguyện một cách hạn chế. Các nhà từ thiện tại Dakar sẽ phát đồ ăn và sữa cho người dân tại các trường học thay vì trên đường phố.
Tại Indonesia, quốc gia có cộng đồng người theo đạo Hồi đông nhất thế giới, nhiều người dân cho biết sẽ tổ chức gặp gỡ người thân trên mạng, thông qua các nền tảng trực tuyến khi mọi hình thức tụ tập đều bị cấm./.