Người Italy sợ bị IS tấn công, nhưng không ủng hộ can thiệp quân sự

Tình hình ngày càng bất ổn ở Libya và việc IS đang tiến quân mạnh mẽ và bắt đầu đe dọa thủ đô Tripoli của nước này ngày càng khiến người dân Italy lo ngại.
Người Italy sợ bị IS tấn công, nhưng không ủng hộ can thiệp quân sự ảnh 1Nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Libya đã tung một đoạn video trên mạng Internet quay cảnh hành quyết 21 người Cơ đốc giáo gốc Ai Cập mà lực lượng này tuyên bố bắt giữ ở Libya. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tình hình ngày càng bất ổn ở Libya và việc lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang tiến quân mạnh mẽ và bắt đầu đe dọa thủ đô Tripoli của nước này ngày càng khiến người dân Italy lo ngại.

Phóng viên TTXVN tại Italy dẫn kết quả cuộc thăm dò do Viện nghiên cứu dư luận IXE thực hiện mới đây cho thấy 72% số người được hỏi lo ngại rằng IS có thể tấn công Italy từ Libya theo nhiều cách khác nhau.

Nỗi lo ngại này ngày càng tăng lên trong những ngày qua, sau khi IS chiếm được thành phố Sirte của Libya, cách phần lãnh thổ gần nhất của Italy chỉ hơn 300km theo đường chim bay.

Tiếp đến là việc IS tuyên bố Italy là kẻ thù của lực lượng này và đã đưa ra những lời đe dọa tấn công bằng tên lửa Scud.

Tuy nhiên, cuộc thăm dò cũng cho thấy 63% số người được hỏi không ủng hộ một cuộc can thiệp quân sự vào Libya nhằm ngăn chặn IS, chỉ 27% cho rằng can thiệp quân sự là cần thiết và phải thực hiện ngay lập tức, trong khi 10% trả lời "không biết."

Italy đang cùng một số nước vận động giải pháp ngoại giao cho vấn đề Libya dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc.

Thủ tướng Italy Matteo Renzi mới đây đã loại trừ khả năng đưa quân tham gia lực lượng liên quân chống IS ở Libya, ít nhất là trong thời điểm hiện nay, song yêu cầu cộng đồng quốc tế nhanh chóng có giải pháp.

Italy là nước phương Tây cuối cùng đóng cửa sứ quán ở thủ đô Tripoli trước nguy cơ thành phố này rơi vào tay IS./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.