Người lao động tự do ngày càng ‘lao đao’ vì dịch COVID-19

Bốn đợt dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới cuộc sống của nhiều người lao động, trong đó có các lao động tự do. Nhiều người lâm vào cảnh thất nghiệp, phải lăn lộn với nghề mới để mưu sinh.
Người lao động tự do ngày càng ‘lao đao’ vì dịch COVID-19 ảnh 1Chị Thảo xoay sở đủ nghề nhằm trang trải cuộc sống khi dịch bùng lại (Ảnh: Khánh Hương/Vietnam+)

Tác động của dịch COVID-19 đã khiến hàng triệu lao động lâm vào cảnh khốn đốn.

Tại Hà Nội, nhiều lao động tự do chưa kịp gượng dậy từ 3 đợt dịch trước thì đợt dịch tiếp theo khiến cuộc sống của họ thêm muôn vàn khó khăn.

Giật gấu, vá vai trong mùa dịch

Mặc dù sinh ra và lớn lên tại Hà Nội nhưng cuộc sống, công việc của chị Uông Thị Thanh Thảo (Thành Công, Ba Đình) không khác gì người dân ở nơi khác về Thủ đô mưu sinh. Cả bốn người trong gia đình sống trong căn nhà 15m2 được thuê với giá 1,1 triệu đồng/tháng.

Khó khăn chồng chất khi chồng chị Thảo nhận làm tăng ca. Công việc quá sức khiến anh đột quỵ, bị liệt nửa người. Từ đó, gánh nặng dồn hết lên đôi vai gầy của chị Thảo, vừa phải lo thuốc cho chồng vừa phải lo sinh hoạt hàng ngày.

[Dịch COVID-19: Tìm giải pháp giữ ổn định việc làm cho người lao động]

Chị Thảo chia sẻ: “Trước kia tôi bán hàng nước ở vỉa hè, nhưng COVID-19 ập tới khiến chợ cóc, chợ tạm đóng cửa, tôi chuyển sang làm xe ôm, ai thuê chở gì thì tôi chở nấy. Khi học sinh chưa nghỉ, thu nhập của tôi có từ việc đưa đón các cháu đi học. Nếu trước đây mỗi ngày thu nhập cũng được khoảng 500.000 đồng thì nay chỉ còn một nửa. Bao nhiêu thứ phải chi tiêu từ tiền thuốc cho chồng đến chi phí sinh hoạt hàng ngày. Vì dịch bệnh nên nhiều người ít đi ra ngoài hoặc tự đi xe cá nhân chứ cũng không dám đi xe ôm.”

Chị Nguyễn Thêm (Dương Nội, Hà Đông) từng là công nhân của công ty sản xuất bánh kẹo. Nhưng từ khi dịch bùng phát trở lại với diễn biến phức tạp, công ty của chị thực hiện việc cắt giảm nhân công và chị nằm trong số đó. Cuộc sống ngày càng vất vả khi chồng chị đi làm ăn xa tận Thành phố Hồ Chí Minh, mọi gánh nặng đều dồn lên đôi vai của chị.

Chị Thêm tâm sự: “Trước đi làm công ty lương cố định chưa thêm thưởng được 5 triệu đồng, buôn bán thêm đồng ra đồng vào cũng được gần 6-7 triệu đồng. Giờ dịch bệnh bùng phát, buôn bán như cũ không được nên theo mấy chị em trong khu rủ đi thu mua đồng nát. Tôi phải chạy đôn chạy đáo cả ngày hết chỗ nọ sang chỗ kia để thu gom xốp, tập hợp lại một nơi làm sạch, bóc băng dính xong xuôi rồi chở ra những nơi tái chế bán lại.”

“Ở nhà còn con gái bé quá, tôi phải gửi cháu sang nhà họ hàng gần đó nhờ trông hộ. Đi buôn đồng nát, ngày nào nhiều thì được 250.000-300.000 đồng nhưng có hôm chỉ được một nửa. Tôi cũng lo ra ngoài tiếp xúc nhiều người mình có thể bị lây nhiễm bất cứ lúc nào,” chị Thêm thở dài.

Ở trường hợp khác, chị Nguyễn Thị Quỳnh (huyện Thạch Thất) xuống nội thành Hà Nội để buôn bán hàng rong. Cuộc sống vẫn diễn ra như bình thường cho đến khi dịch đợt COVID-19 bùng phát, lực lượng chức năng ra quân giải tỏa chợ cóc, chợ tạm khiến con đường kiếm sống của chị tại nội thành trở nên mong manh.

Dù vậy, chị Thanh vẫn “cố thủ” trên chiếc xe đạp cũ, hàng ngày ra chợ đầu mối lấy các mặt hàng rau củ để đi bán khu chợ cóc ở phường Bồ Đề (Long Biên).

“Tôi không có chỗ ngồi cố định nên không dám lấy nhiều hàng, hôm nào nhiều thì được 100.000 đồng, có hôm chỉ có 30.000-50.000 đồng. Mấy hôm nay tôi chỉ ăn mỳ tôm hoặc cơm chấm vừng,” chị Quỳnh chia sẻ.

Vừa nói vừa chấm những giọt mồ hôi lăn trên trán, chị Quỳnh bảo đang tính về quê đợi dịch ổn thì lại xuống bán hàng. Bởi lẽ, đi bán rong thì tiền phạt chẳng bù lại cho tiền lãi, chưa kể phải trả tiền thuê trọ. 

Những đồng tiền tiết kiệm sắp cạn...

Vấn đề tiền bạc trước giờ vẫn đè nặng lên đôi vai của những lao động chính trong nhà. Họ đều chia sẻ phải tiết kiệm rất nhiều, hạn chế chi tiêu những thứ không cần thiết thì mới ổn định cuộc sống thời dịch.

Anh Hiếu (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ: “Trước tôi làm bảo vệ cho một cửa hàng ăn hàng tháng cũng được khoảng 4 triệu đồng, giờ họ không được đón khách mà chỉ bán mang về nên không cần bảo vệ nữa. Hiện tôi chuyển sang chạy xe ôm cũng chỉ là phương án tạm thời vì mình không chạy quen nên cũng không có khách.”

Cũng theo lời anh Hiếu, công việc khó khăn khiến anh chị phải xoay sang đủ thứ để trang trải cuộc sống và lo cho các con ăn học. Việc thiếu, họ bắt đầu tính tới việc sử dụng những đồng tiền tiết kiệm bấy lâu cất giữ để phòng thân.

Người lao động tự do ngày càng ‘lao đao’ vì dịch COVID-19 ảnh 2Thu mua xốp giờ là công việc hàng ngày của chị Thêm. (Ảnh: Khánh Hương/Vietnam+)

Chị Thảo (Thành Công) thì bảo rằng để duy trì cuộc sống như hiện tại, chị đã phải dùng tiền tiết kiệm từ trước và hiện số tiền đó không còn nhiều.

"Tôi chỉ mong dịch bệnh qua nhanh cho cuộc sống của những người lao động chân tay như chúng tôi bớt khổ," chị Thảo chia sẻ.

Trên thực tế, dù có chuyển nghề, thì với những lao động như anh Hiếu, chị Thảo, chị Quỳnh, cũng chỉ là những phương án mưu sinh tạm thời, như kiểu "đi câu." Bởi thế, họ chỉ mong dịch bệnh sớm qua nhanh để ổn định lại công việc, lo toan cuộc sống.

Còn bây giờ, dù vất vả, khó khăn đến mấy thì họ cũng sẽ phải cố gắng để vượt qua, nỗ lực kiếm tiền để lo cho bản thân và gia đình dù ở ngoài kia, dịch bệnh vẫn đang hoành hành phức tạp.../.

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, trong quý 1, dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên, trong đó 540.000 người bị mất việc và hàng triệu lao động phải tạm nghỉ, nghỉ giãn việc, giảm thu nhập (2,8 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 3,1 triệu người cho biết họ bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động bị giảm thu nhập).
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.