Bất chấp quy định của luật pháp, mỗi ngày có hàng nghìn người Maroc tiêu thụ rượu. Nhưng Nhà nước vẫn nhắm mắt làm ngơ, dù từ năm 1967, quốc gia Hồi giáo Bắc Phi này đã ban hành nghị định cấm bán hoặc tặng đồ uống có cồn hoặc rượu đối với người Maroc Hồi giáo.
Theo nghị định trên, chỉ người nước ngoài mới có quyền mua rượu hoặc tiêu thụ rượu. Nhưng thực tế thì khác hoàn toàn như vậy.
Một nghiên cứu của Euromonitor thực hiện năm 2013 cho biết mỗi năm người Maroc tiêu thụ không dưới 131 triệu lít bia rượu, trong đó có 400 triệu chai bia, 38 triệu chai vang, 1,5 triệu chai whisky, 1 triệu chai vodka và 140.000 chai champagne.
Cũng theo nghiên cứu trên, các sản phẩm đồ uống được sản xuất, nhập khẩu và phân phối bởi các công ty trong nước.
Hơn thế nữa, với 37.000ha đất được dành chỉ để trồng nho, Maroc hiện nay là nước sản xuất và xuất khẩu rượu vang lớn nhất khu vực Arab. Do đó, giữa luật pháp và thực tế có một khoảng cách khá xa.
Một luật sư giấu tên ở thủ đô Rabat cho biết: "Nếu chúng ta áp dụng nghiêm luật pháp, hàng triệu người Maroc sẽ bị bỏ tù, tất cả các quán bar, hộp đêm, sàn nhảy sẽ bị đóng cửa. Các cửa hàng và siêu thị sẽ bị trừng phạt. Người ta đang nhắm mắt làm ngơ trước hiện tượng trên."
Mohamed VI, giáo chủ số 1 ở Maroc, cách đây vài tháng vẫn còn là nhà kinh doanh rượu lớn nhất Maroc, thông qua chuỗi siêu thị Marjane-Acima thuộc tập đoàn của SNL.
Hồi tháng Tám vừa qua, chuỗi siêu thị này đã quyết định xóa bỏ các quầy rượu. Một lãnh đạo của chuỗi siêu thị này cho biết: "Chúng tôi chỉ đợi rượu hết trong kho. Năm 2015, chúng tôi sẽ không còn bán một giọt rượu nào nữa."
Cho đến nay, mới chỉ có doanh nghiệp trên tuyên bố không bán rượu nữa. Chuỗi siêu thị Label Vie, thuộc tập đoàn Best Financière, siêu thị nhượng quyền của tập đoàn Carrefour, hiện là siêu thị lớn duy nhất phục vụ những người uống rượu.
Tại chuỗi siêu thị này, người ta có thể mua rượu, nhưng không có hóa đơn bán hàng, một cách để xóa bỏ mọi bằng chứng.
Một lãnh đạo của chuỗi siêu thị này nói: "Chắc hẳn là luật pháp không được áp dụng, nhưng luật pháp vẫn hiện hữu. Chúng tôi rất cẩn thận khi không giao hóa đơn cho khách hàng, vì hóa đơn là một bằng chứng cụ thể chứng minh chúng tôi vi phạm luật pháp."
Chính thức thì Nhà nước cấm bán rượu nhưng đồng thời, Nhà nước cũng được hưởng lợi từ kinh doanh rượu, bia. Trên thực tế, ngành rượu bia tạo việc làm cho hàng nghìn lao động và mỗi năm có doanh thu lên tới 358 triệu euro, ngoài ra thuế thu được cũng lên tới 100 triệu euro. Một khoản thu mà ngay chính phủ của người Hồi giáo là Đảng Công lý và Phát triển (PJD) cũng không thể bỏ qua để tăng ngân sách nhà nước./.