Trong những ngày gần đây, số ca nhiễm ở các tỉnh phía Nam tăng vọt, có nơi ghi nhận hơn 3 con số mỗi ngày.
Trong đó, tại 3 tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre đều đã xuất hiện nhiều chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng và các trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19.
Hiện, cả hệ thống chính trị và người dân ở những địa phương này đang nỗ lực tận dụng “14 ngày vàng” để nhanh chóng khống chế dịch.
Lan nhanh và hình thành nhiều “điểm nóng”
Sau khi có ca bệnh đầu tiên vào ngày 8/7, tình hình diễn biến dịch bệnh của Bến Tre liên tục tăng trong những ngày gần đây. Toàn tỉnh đến ngày 24/7 có 437 ca dương tính với SARS-CoV-2 và 2 trường hợp tử vong. Tỉnh đã tổ chức cách ly tập trung cho hơn 2.300 người; 10.500 người được cách ly tại nhà.
Huyện Ba Tri hiện là “điểm nóng” của dịch COVID-19 tại Bến Tre, với 168 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 ở 16 xã, thị trấn. Khởi phát từ một bệnh nhân ban đầu là tài xế lái xe vận chuyển tôm lên các chợ đầu mối tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã lây lan cho người thân và những người xung quanh. Từ đó, hình thành một chuỗi lây nhiễm phức tạp trên địa bàn huyện Ba Tri.
Một trường hợp khác, cũng từ tài xế lái xe chở hàng đông lạnh, sau khi đi từ vùng dịch về đã lây nhiễm bệnh cho người dân ở xã An Điền, huyện Thạnh Phú. Đến nay xã An Điền đã có 53 ca dương tính lây nhiễm trong cộng đồng và cũng trở thành vùng tiềm ẩn nguy cơ của huyện Thạnh Phú nói riêng, tỉnh Bến Tre nói chung.
Tại Vĩnh Long, tính đến ngày 24/7, tỉnh này ghi nhận 519 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Tình hình dịch bệnh vẫn đang căng thẳng, trong đó chuỗi lây nhiễm tại Khu Công nghiệp Hòa Phú, huyện Long Hồ đang là “điểm nóng” do đã có nhiều ca thứ phát trong cộng đồng, với 424 ca mắc.
Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Long Phạm Thành Khôn cho hay, đến nay đã có 27/45 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đã tiến hành xét nghiệm sàng lọc bằng test nhanh cho hơn 31.000 công nhân. Hiện còn lại 18 doanh nghiệp với 4.115 người chưa thực hiện.
Nhận định tình hình các doanh nghiệp đã có ca bệnh đang có nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong công ty và mức độ lây lan cộng đồng là khá cao, Ban Quản lý đã đề xuất tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh 14 ngày đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh có F0 để khoanh vùng, kịp thời xử lý.
[Cây “ATM gạo” hỗ trợ người dân gặp khó tại vùng dịch Phú Yên]
Mới đây, sau khi kiểm tra đánh giá thực tế về phương án “3 tại chỗ” tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Vĩnh Long đã ra quyết định tạm dừng hoạt động sản xuất đối với 15 doanh nghiệp trên địa bàn để bổ sung các điều kiện phòng, chống dịch.
Thành phố Sa Đéc là nơi phát hiện chuỗi ca bệnh phức tạp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp từ ngày 24/6. Sau một tháng, nơi đây hiện vẫn là một trong những nơi tiềm ẩn nguy cơ rất cao - “vùng đỏ” của tỉnh.
Do đó, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo, trong 3 ngày, địa phương này phải test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 tầm soát trên diện rộng tất cả vùng có nguy cơ cao.
Trong 2 ngày 22-23/7, hơn 5.332 người dân ở khu vực phong tỏa và các tiểu thương ở các chợ truyền thống trên địa bàn đã được lấy mẫu test nhanh. Kết quả, phát hiện 90 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Đáng chú ý nhất, trong ngày 22/7, có 3/5 chợ được test nhanh tầm soát đã phát hiện một số trường hợp dương tính. Cụ thể, một mẫu dương tính ở chợ Ông Quế (xã Tân Khánh Đông); 7 mẫu dương tính ở chợ Bà Châu (phường 2) và 4 mẫu dương tính ở chợ Sa Đéc.
Ngoài ra, cũng phát hiện 30 mẫu dương tính ở khu phong tỏa khóm Hòa Khánh, phường 2; 7 mẫu dương tính ở khu phong tỏa ấp Phú Hòa, xã Tân Phú Đông; 9 mẫu dương tính ở khóm 3, phường 1.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong yêu cầu thành phố Sa Đéc phải phát hiện cho nhanh, tầm soát được hiện trạng của địa phương, để xây dựng phương án xử lý cho triệt để.
Quá trình lấy mẫu phải đảm bảo nhanh, gọn, hiệu quả nhưng yếu tố an toàn được đưa lên hàng đầu; cần có phương án dự trù, nếu có ca dương tính phải tách ngay F0 ra khỏi cộng đồng và truy vết nhanh nhất có thể để hạn chế tối đa dịch bệnh lây lan.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị thành phố Sa Đéc phải phân luồng, giãn cách việc mua bán tại các chợ, đóng cửa các quầy, cửa hàng không thiết yếu, giảm thời gian hoạt động tại các chợ, đa dạng các hình thức giao hàng tận nhà, chuẩn bị các kênh phân phối, đầu mối lớn để cung ứng cho người dân.
Đồng thời, thành phố Sa Đéc phối hợp với lực lượng quân sự tổ chức phun xịt khử khuẩn ở ấp phong tỏa, ấp lân cận vòng ngoài và trung tâm thành phố Sa Đéc.
Tính từ 24/6 đến 12 giờ ngày 24/7, Đồng Tháp ghi nhận 1.871 ca mắc COVID-19 phân bố hầu hết trên các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; 38 trường hợp tử vong. Trong đó, ca mắc nhiều nhất tại thành phố Sa Đéc, huyện Châu Thành, huyện Cao Lãnh, huyện Lai Vung,…
Chống dịch là nhiệm vụ hàng đầu
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong nhấn mạnh, thời điểm này, chống dịch là nhiệm vụ hàng đầu của Đồng Tháp.
Với tốc độ lây lan của dịch bệnh, nhận định, tình hình dịch bệnh rất phức tạp, diễn biến rất khó lường, mọi công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Đồng Tháp đặt trong yêu cầu cao nhất, tập trung cao độ và tranh thủ “giờ vàng” để khống chế dịch.
Mỗi cá nhân, đơn vị, địa phương phải trong tư thế chủ động giải quyết nhanh các vấn đề phát sinh trong phạm vi nhiệm vụ, không trông chờ, lưỡng lự. Đồng thời quán triệt tinh thần “chống dịch không có khái niệm thứ bảy, chủ nhật và ngày hay đêm.”
Đồng thời cả tỉnh tăng cường công tác khoanh vùng, truy vết, tăng năng lực xét nghiệm điều trị tại các cơ sở với quyết tâm cao. Mục tiêu lớn nhất hiện nay là phải khống chế dịch, trong đó giảm số ca mắc, số ca chuyển biến nặng và số ca tử vong liên quan COVID-19, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo, các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ, chấn chỉnh tình trạng người dân ra đường khi không cần thiết, tập trung đông người…; phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong việc tuần tra, nhắc nhở và tuyên truyền để bà con hiểu, chia sẻ và đồng thuận; tăng cường tuần tra, xử lý thật nghiêm những trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch.
Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long Văn Công Minh cho rằng, hiện nay tỉnh vẫn đang đối mặt với nguy cơ lây nhiễm từ cộng đồng vào khu công nghiệp và ngược lại từ khu công nghiệp ra cộng đồng.
Trước những diễn biến mới của dịch bệnh, ngành y tế đang phối hợp với các địa phương khảo sát tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh thành lập thêm các cơ sở cách ly tập trung để đảm bảo nhu cầu cách ly các F1; nâng công suất thu dung, điều trị lên 1.000 giường; chuyển một số Trung tâm y tế từ khám chữa bệnh bình thường sang công năng khám, điều trị bệnh nhân COVID-19.
Ngành cũng đang có phương án điều chuyển hệ thống xét nghiệm sang các cơ sở đủ năng lực để thực hiện, kêu gọi cơ sở y tế tư nhân cùng tham gia để nâng cao năng lực khẳng định PCR tại tỉnh, đảm bảo xét nghiệm tối thiểu 3.000 mẫu/ ngày.
Bắt đầu từ 0 giờ ngày 19/7, cùng với các địa phương phía Nam, Vĩnh Long áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời, đây là “cơ hội vàng” để khoanh vùng và khống chế dịch bệnh. Do đó, trong thời gian này tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp và người dân thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 16.
Trong đó, tập trung bảo đảm nguồn vật tư, trang thiết bị, nhân lực y tế phục vụ cho công tác phòng, chống dịch; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, đồng thời quan tâm công tác an sinh, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý, kiên quyết không để “chặt ngoài, lỏng trong,” xác định rõ đầu mối và trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân và từng cấp chính quyền; phát huy tối đa vai trò của các Tổ truy vết, Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng trong việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người,” đảm bảo quản lý chặt địa bàn ở cơ sở.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, Trần Ngọc Tam yêu cầu, toàn thể hệ thống chính trị, nhân dân tỉnh Bến Tre tiếp tục tập trung cao nhất, ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch; bảo vệ sức khỏe, tính mạng và an toàn của người dân là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, đặt lên trước hết và trên hết.
Chủ tịch Trần Ngọc Tam đề nghị, các ngành, các địa phương triển khai nhanh các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp với các biện pháp cụ thể, phù hợp với thực tiễn và quy định hiện hành.
Phát động và thực hiện tốt phong trào thi đua theo kế hoạch thi đua “Đồng khởi mới” trong phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Quyết liệt bằng mọi giải pháp cần thiết, nỗ lực giữ vững “vùng trắng,” “vùng xanh” địa bàn chưa ghi nhận F0; tiếp tục phong tỏa khu vực có diễn biến phức tạp; test nhanh kịp thời phát hiện F0 để tách ra khỏi cộng đồng.
Các địa phương còn “trắng” địa bàn không được chủ quan mà cần chủ động tầm soát trong cộng đồng. Mạnh dạn mở rộng cách ly F1 tại nhà, giảm tải các khu cách ly tập trung. Khuyến khích tiêu thụ hàng hóa của người dân nhưng đảm bảo an toàn.
Tiếp tục kiểm soát các chốt ra vào tỉnh nghiêm túc; tổ chức có quản lý người về từ Thành phố Hồ Chí Minh theo lộ trình.
Thường xuyên tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở, xử lý quyết liệt các hành vi vi phạm công tác phòng, chống dịch, nhất là doanh nghiệp trong phương án sản xuất “4 tại chỗ”. Các bệnh viện khu vực và bệnh viện huyện phải chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch có khu điều trị trong trường hợp quá tải.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, trước diễn biến dịch bệnh trong cả nước và với chủng biến thể mới, trong thời gian tới các tỉnh trong khu vực Tây Nam Bộ và đồng bằng Sông Cửu Long vẫn có thể tiếp tục có các ca bệnh mới. Tuy nhiên, sự xuất hiện các ca bệnh mới vẫn có thể trong tầm kiểm soát của địa phương.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, một trong những nội dung góp phần quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh hiện nay là vấn đề truy vết, khoanh vùng, phong tỏa, dập dịch. Ngoài ra, công tác xét nghiệm cũng góp phần tích cực trong vấn đề phát hiện sớm các ca bệnh hoặc các trường hợp nghi ngờ.
Đối với xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 (hay còn gọi là phương pháp xét nghiệm RT-PCR) là xét nghiệm theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới và nhà chuyên môn. Do vậy, các địa phương cần phải nâng cao năng lực phương pháp xét nghiệm này để phù hợp với tình hình dịch bệnh thực tế tại địa phương, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên lưu ý.
Cụ thể, mỗi tỉnh phải nâng năng lực xét nghiệm lên được 3.000 mẫu đơn PCR trở lên trong ngày. Bên cạnh đó, cũng cần phải quan tâm tập huấn cho lực lấy mẫu, lực lượng xét nghiệm để lấy được mẫu nhanh nhất và trả kết quả xét nghiệm nhanh trong vòng 24 giờ sau khi lấy mẫu.
Tránh tình trạng khi lấy mẫu về thì việc đọc kết quả xét nghiệm, trả lời chậm hơn 24 giờ, ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác xét nghiệm, truy vết và khoanh vùng các trường hợp nghi ngờ, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu./.