Kết quả một nghiên cứu về di truyền công bố ngày 8/7 cho thấy có sự giao phối giữa các dân tộc bản địa cổ đại ở Nam Mỹ và Polynesia - các quần đảo ở Trung và Nam Thái Bình Dương, từ cách đây khoảng 800 năm.
Phát hiện này giúp vén bức màn bí ẩn của một trong những giai đoạn kỳ bí nhất của lịch sử loài người.
Giả thuyết về sự phối ngẫu nói trên từ lâu đã được giới khoa học đặt ra, một phần dựa trên sự xuất hiện lâu đời ở Polynesia một giống khoai lang có nguồn gốc từ khu vực Nam-Trung Mỹ.
Các nhà khoa học tại Đại học Standfort (Anh) cho biết kết quả kiểm tra bộ mã gene di truyền ADN của 807 người - thuộc cộng đồng dân cư ở 14 hòn đảo thuộc Polynesia và người Mỹ gốc quần đảo Thái Bình Dương từ Mexico đến Chile, đã giúp giải đáp nghi vấn này.
Theo công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature, trong ADN của người dân trên 4 đảo của vùng lãnh thổ Polynesia thuộc Pháp - gồm Mangareva và Pallisers ở quần đảo Tuamotu, Fatu Hiva và Nuku Hiva ở quần đảo Marquesas - đều mang dấu tích của việc giao phối với người Nam Mỹ, vốn có quan hệ gần gũi nhất với người Colombia bản địa hiện đại, vào khoảng năm 1.200 sau Công nguyên. Các hòn đảo này nằm cách Nam Mỹ khoảng 6.800km.
[Phát hiện hầm mộ cổ 2 tầng thời Hy Lạp-La Mã cổ đại tại Ai Cập]
Ngoài ra, các nhà khoa học cho biết những người sống trên Đảo Phục sinh (còn gọi là Rapa Nui) của Chile nằm ở Nam Thái Bình Dương cũng có tổ tiên là người Nam Mỹ. Đảo Rapa Nui nằm cách Nam Mỹ 3.700km về phía Tây và được biết đến với khoảng 900 bức tượng đá cổ khổng lồ.
Theo các nhà khoa học, kết quả nghiên cứu cũng giúp trả lời câu hỏi tại sao khoai lang có mặt ở Polynesia sớm hơn đến hàng thế kỷ trước các thủy thủ châu Âu./.