Người nghèo tiếp tục được hỗ trợ khi tăng giá điện

Dù có điều chỉnh giá thì chủ trương hiện nay Đảng và Nhà nước là vẫn giữ mức hỗ trợ cho người nghèo và các gia đình chính sách.
Đáng lẽ giá điện phải điều chỉnh sớm hơn vì từ tháng 12/2012 chúng ta chưa điều chỉnh, nhưng một loạt thông số đầu vào của ngành điện đều đã điều chỉnh tăng rất nhiều, biến động rất nhiều, nếu kéo dài quá thì vấn đề tài chính của ngành điện rất khó khăn.

Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đưa ra tại chương trình trực tuyến "Dân hỏi bộ trưởng trả lời" tối 4/8.

- Thưa bộ trưởng, tại sao trong một thời gian ngắn, chỉ cách nhau 3 tuần liền mà giá điện, xăng, dầu lại cùng tăng?

Đây cũng là vấn đề rất đáng suy nghĩ, tôi xin nói thành thật mỗi lần Bộ Công Thương đặt vấn đề phải điều chỉnh giá điện thì chúng tôi có tâm trạng rất khó tả "không thể không điều chỉnh giá" theo hướng tăng.

- Vậy để giải quyết những khó khăn của ngành điện thì người dân sẽ phải gánh chịu?

Thực ra giải quyết vấn đề của ngành điện thì cần người dân và ngành điện cùng tham gia nhưng ngành điện là chính, nếu không có sự quan tâm và sự chia sẻ của người dân và xã hội thì ngành điện rất khó khăn, nhưng phải lưu ý một điều, dù có điều chỉnh giá thì chủ trương hiện nay Đảng và Nhà nước là vẫn giữ mức hỗ trợ cho người nghèo và các gia đình chính sách, và hỗ trợ 30.000 đồng/tháng vẫn được duy trì.

- Tại sao Bộ Công Thương lại đề xuất ban hành nghị định 109/CP hạn chế bóp nghẹt đầu ra của hạt gạo Việt Nam và gây khó cho nông dân?

Nghị định 109/CP không phải là đề xuất riêng của Bộ Công Thương mà được lấy ý kiến của các hiệp hội. Việc lấy 100 doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu gạo cũng không phải là ý kiến riêng của Bộ Công Thương.

Trên thực tế qua vận hành Nghị định 109 thì ý kiến của nhiều đơn vị liên quan là phải giảm bớt, không để 300 doanh nghiệp như trước mà thực hiện việc này cần phải giảm bớt để đảm bảo khi các doanh nghiệp khi đã được cấp phép thì hoạt động phải có hiệu quả

- Làm thế nào để doanh nghiệp không trục lợi từ chính sách này của Chính Phủ?

Vừa qua ngày 31/7, Thủ tướng Chính Phủ đã có văn bản 1711 thông báo đồng ý về nguyên tắc sửa đổi bổ sung Nghị định 109/CP theo hướng tập trung vào khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện về tài chính, kho bãi, thị trường được thuận lợi trong kinh doanh xuất khẩu gạo. Đồng thời kiên quyết ngăn chặn các doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện thậm chí không có khả năng nhưng lại được cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo rồi bán lại để trục lợi.

Văn bản của Thủ tướng cũng yêu cầu, trước mắt chúng ta vẫn cứ phải tạm thời khống chế số lượng doanh nghiệp được phép kinh doanh xuất khẩu gạo. Nếu doanh nghiệp nào liên tiếp 2 năm không xuất khẩu được quá 10.000 tấn gạo/năm thì không được cấp phép nữa.

- Vậy làm thế nào để Bộ Công Thương có thể kiểm soát việc bán giấy phép của các doanh nghiệp này?

Việc này cũng liên quan đến công tác Quản lý thị trường và các bộ ngành khác, trước hết là từ chính các Hiệp hội lương thực Việt Nam và các bộ ngành, địa phương, trong đó vai trò chính là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

- Thưa Bộ trưởng, công tác đấu tranh chống mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường trong thời gian qua được Bộ Công Thương chỉ đạo quyết liệt, nhưng liệu sau những đợt ra quân rầm rộ như vậy, tình trạng trên có lại tiếp tục tái diễn?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Từ cuối năm 2012, Bộ Công Thương cũng xác định đây là một mặt hàng trọng tâm cần tập trung kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường cả nước. Sau hai đợt ra quân, lực lượng quản lý thị trường đã tạm giữ, tịch thu 57.596 chiếc mũ bảo hiểm.

Đến thời điểm này các vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và tình trạng bày bán công khai các loại mũ có kiểu dáng giống mũ bảo hiểm, mũ nhựa, mũ thời trang không bảo đảm chất lượng tại các tuyến phố, tuyến đường giao thông và trên lòng đường, vỉa hè đã giảm đáng kể.

Để tránh tái diễn tình trạng vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo Cục Quản lý thị trường tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm.

Đồng thời công tác vận động, tuyên truyền sẽ được đẩy mạnh để các cá nhân kinh doanh và người dân chấp hành đúng các quy định của pháp luật không tham gia hoặc tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng.

Bộ cũng sẽ kiến nghị Chính Phủ rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng các cơ chế mới để tạo điều kiện cho sản xuất phát triển cũng như có hành lang pháp lý vững chắc phục vụ kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm.

- Xin cảm ơn bộ trưởng./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục