Người Nhật phát sốt với cây anh đào ‘thần kỳ’ từ vũ trụ

Cây anh đào này được mọc ra từ 1 hạt anh đào đã bay vòng quanh quỹ đạo Trái Đất trong 9 tháng, sau đó hoa của nó nở sớm hơn nhiều năm.
Cây anh đào có cánh hoa rất khác lạ. (Nguồn: AFP)

Một cây hoa anh đào bí ẩn đang khiến người Nhật Bản phát “sốt,” đã thu hút sự chú ý của cả giới tu hành lẫn các nhà khoa học.

Cây anh đào này được mọc ra từ một hạt anh đào đã bay vòng quanh quỹ đạo Trái Đất trong vòng 9 tháng, sau đó hoa của cây anh đào này nở sớm hơn nhiều năm so với dự kiến, với những cánh hoa rất lạ khác hẳn với hoa anh đào thông thường.

Theo AFP, cây anh đào trên mới được bốn năm tuổi. Nó đã mọc lên từ một hạt anh đào được đưa lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) và nở hoa trong ngày 1/4 vừa qua, trước sáu năm so với chu kỳ tự nhiên.

Việc cây này nở hoa sớm trong khu vườn của một tu viện cổ ở miền Trung Nhật Bản, đã khiến các nhà sư Phật giáo ở đây đã hết sức ngỡ ngàng.

Masahiro Kajita, vị sư phụ trách quản lý đền Ganjoji ở Gifu, cho AFP nói: "Chúng tôi kinh ngạc khi thấy cây lớn nhanh như thế. Nó sẽ thay thế cây anh đào mẹ, được cho là đã 1.250 tuổi."

Hạt giống thần kỳ trên nằm trong số 265 hạt anh đào được thu hoạch từ cây "Chujo-hime-seigan-zakura." Việc này nằm trong một dự án thu hoạch hạt của các cây anh đào trồng tại 14 địa điểm trên khắp Nhật Bản.

Các hạt anh đào được gửi lên ISS vào tháng 11/2008 và đã trở lại Trái Đất trong tháng Bảy năm sau đó cùng phi hành gia Nhật Bản Koichi Wakata, sau khi bay vòng quanh Trái Đất 4.100 lần.

Hạt anh đào được đưa lên vũ trụ. (Nguồn: SMCP)

Một số hạt anh đào đã được đưa tới các phòng thí nghiệm để phục vụ nghiên cứu. Nhưng phần lớn các hạt khác đã được chuyển trở lại nơi người ta thu hoạch chúng. Hạt giống thần kỳ trên đã được trồng trong vườn ươm gần đền Ganjoji.

Tới tháng Tư năm nay, "cây anh đào vũ trụ" nảy ra từ hạt giống đã cao tới 4m và đột nhiên nở ra 9 bông hoa. Mỗi bông hoa này chỉ có 5 cánh, rất đặc biệt so với các bông hoa có 30 cánh ở cây mẹ.

Thường phải mất 10 năm để cây anh đào có thể nở những bông hoa đầu tiên.

Tác động của tia vũ trụ?

Đó là một dự án mang tính giáo dục và văn hóa nhằm khuyến khích trẻ em thu hoạch hạt anh đào và tìm hiểu xem người ta đã trồng hạt thành cây ra sao, sau khi các hạt giống được đưa trở về từ vũ trụ, Miho Tomioka, một phát ngôn viên của đơn vị đã đứng ra tổ chức dự án là Japan Manned Space Systems (JAMSS) cho biết.

Bà nói: "Chúng tôi đã hy vọng những cây anh đào đó bừng nở trong khoảng 10 năm sau khi được trồng, cũng là thời điểm những đứa trẻ trưởng thành."

Kaori Tomita-Yokotani, một nhà nghiên cứu ở Đại học Tsukuba, người đã tham gia vào dự án, cho AFP biết rằng bà cũng bất ngờ trước bí ẩn quanh cây anh đào trên. "Chúng tôi vẫn chưa thể loại bỏ khả năng hạt giống này đã chịu những tác động nhất định từ môi trường vũ trụ," bà nói.

Tomita-Yokotani, một chuyên gia thực vật, cho biết rất khó để giải thích vì sao cây anh đào trên lại lớn nhanh thế, bởi người ta không có các nhóm cây tương ứng để so sánh tốc độ tăng trưởng.

Bà nói rằng tình trạng lai giống với các loài cây khác cũng có thể khiến cây anh đào lớn nhanh đột biến. Tuy nhiên việc thiếu dữ liệu nghiên cứu khiến các nhà khoa học khó đưa ra câu trả lời thỏa đáng.

"Hiển nhiên vẫn có khả năng việc tiếp xúc với tia vũ trụ mạnh đã thúc đẩy tiến trình nảy mầm và tăng trưởng nói chung của cây Từ quan điểm khoa học, chúng tôi chỉ có thể nói rằng hoàn toàn không biết vì sao hiện tượng này lại xảy ra," bà nói.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục