Người thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu và quyết tâm bảo vệ Thủ đô

Những ngày Thu lịch sử, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Tiến Hà lại bồi hồi nhớ về những năm tháng tham gia Đoàn Thanh niên Cứu quốc Hoàng Diệu, hoạt động cách mạng sôi nổi.
Người thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu và quyết tâm bảo vệ Thủ đô ảnh 1Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Tiến Hà từng là thành viên Đoàn Thanh niên Cứu quốc Hoàng Diệu. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Một sáng tháng Tám, tôi đỡ Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Tiến Hà chầm chậm bước trong sân Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Đã tròn 95 tuổi, lại mới bị gãy chân nên ông đi lại khá khó khăn.

Tuy vậy, trong không khí kỷ niệm 78 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2023) và Ngày Quốc khánh (2/9/1945-2/9/2023), ông vẫn cố gắng trở lại nơi này để gặp gỡ đồng đội, đồng chí, cùng hồi tưởng lại những ngày thanh xuân hoạt động cách mạng sôi nổi trong Đoàn Thanh niên Cứu quốc Hoàng Diệu (Hoàng Diệu là tên bí mật của Hà Nội lúc đó). Chính tại Nhà tù Hỏa Lò này, ông vẫn kiên cường đấu tranh, chờ ngày cách mạng thành công.

Giác ngộ cách mạng từ sớm

Ông Nguyễn Tiến Hà có tên khai sinh là Nguyễn Hữu Tự, sinh năm 1928 trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng. Anh trai ông là Nguyễn Hữu Văn (Tạ Quang Chiến), một trong tám chiến sỹ cận vệ được Bác đặt tên là: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi.

Ông còn nhớ rõ, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, vận nước rối ren, đời sống người dân khổ sở, lầm than. In đậm trong ký ức của ông là hình ảnh đồng bào chết đói, chết bệnh nằm la liệt khắp đầu đường, góc phố.

Người thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu và quyết tâm bảo vệ Thủ đô ảnh 2Hai anh em ông Nguyễn Tiến Hà (tức Nguyễn Hữu Tự) và Tạ Quang Chiến (tức Nguyễn Hữu Văn). (Ảnh: NVCC)

“Tuổi già hạt lệ như sương” vậy mà khi nhắc lại chuyện cũ, ông vẫn xúc động rưng rưng, bảo: “Các cháu không thể hình dung nổi năm 1945 nhiều người chết như thế nào…”

Tình yêu nước, lòng căm thù giặc khiến ông luôn đau đáu: “Cần phải làm gì đó để góp sức giải phóng dân tộc.”

Với quyết tâm ấy, đáp lại lời hiệu triệu non sông của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc “Hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta,” chàng trai trẻ Nguyễn Hữu Tự đã tình nguyện tham gia vào Đoàn Thanh niên Cứu quốc Hoàng Diệu.

“Lúc đó, phần vì được cách mạng ‘soi đường’, phần vì tin yêu lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tôi hân hoan, phấn khởi đi theo lý tưởng của cuộc đời mình,” ông kể.

Với tấm bằng tú tài, ông được giao nhiệm vụ làm giáo viên truyền bá chữ quốc ngữ cho nhân dân. Với chiếc đèn dầu trong tay, đêm đêm, thầy giáo Tự đến Trường “Công ích” nằm trong Ngõ Chùa Liên Phái, Phố Bạch Mai (Hà Nội) để dạy chữ cho người lao động, qua đó giác ngộ, tập hợp họ theo cách mạng.

Người thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu và quyết tâm bảo vệ Thủ đô ảnh 3Kỷ niệm thanh xuân của ông được lưu giữ trong cuốn sách này. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Đầu năm 1945, ông cùng đội tự vệ khu phố tập luyện cách sử dụng vũ khí chiến đấu; tham gia dán truyền đơn, vận động đồng bào ủng hộ Việt Minh khắp phố Bạch Mai cũng như các xã Mai Động, Hoàng Mai, Tương Mai, Kim Liên.

Ấn tượng không phai về ngày Quốc khánh đầu tiên

Ngày 17/8/1945 là một ngày thiêng liêng liêng với Đoàn Thanh niên Cứu quốc Hoàng Diệu. Họ tập hợp trước Nhà hát Lớn Hà Nội mít tinh rầm rộ, cổ vũ cách mạng.

Một lá cờ sao vàng lớn phủ kín mặt trước lễ đài, quần chúng reo hò ủng hộ Mặt trận Việt Minh. Cuộc mít tinh dưới sự dẫn dắt của Đoàn Thanh niên Cứu quốc Hoàng Diệu đã chuyển sang biểu tình, tuần hành rầm rộ. Đoàn đi qua nhiều tuyến phố, từ Nhà hát Lớn, qua các phố Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hàng Ngang, Hàng Đào, Cửa Bắc.

Người thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu và quyết tâm bảo vệ Thủ đô ảnh 4Ông hoạt động cách mạng với danh nghĩa giáo sư. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

“Từ khi tham gia cách mạng, chủ yếu chúng tôi hoạt động bí mật. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi được cùng nhân dân tham gia một cuộc diễu hành công khai. Khí thế rầm rộ như thác vỡ bờ. Đi đến đâu hô khẩu hiệu đến đó ‘Việt Nam độc lập muôn năm, Mặt trận Việt Minh muôn năm’. Trước đây, mình là dân một nước nô lệ, giờ được tự do hô vang như thế là tự hào, vui sướng, khó có thể diễn tả hết bằng lời,” ông hào hứng kể.

Sáng sớm ngày 19/8/1945, tại Hà Nội, hàng vạn nông dân, dân nghèo từ khắp nơi mang theo cờ cách mạng, tập trung trước Nhà hát Lớn. Nhưng tiếng hô vang: "Ủng hộ Việt Minh", “Cách mạng muôn năm”, “Việt Nam hoàn toàn độc lập"... rung chuyển Hà Nội.

Đúng 11 giờ, trên lễ đài ở ban công trước Nhà hát Lớn, Ủy ban Khởi nghĩa đọc lời kêu gọi khởi nghĩa và giới thiệu Ủy ban Cách mạng Lâm thời của Hà Nội. Sau đó, cuộc mít tinh biến thành biểu tình vũ trang giành các cơ quan đầu não của chính quyền bù nhìn.

Ông cùng các đoàn người chia đi các ngả chiếm Bắc Bộ phủ, Tòa Đốc lý, Sở mật thám, Sở Bưu điện, Trại Bảo an binh…

Tối 19/8/1945, cách mạng đã giành được các cơ quan quan trọng của chính quyền bù nhìn tay sai tại Hà Nội. Việt Minh hoàn toàn làm chủ thành phố. Cuộc khởi nghĩa đã thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay Nhân dân.

[Chiếu loạt phim nhân 78 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9]

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước cuộc mít tinh của gần một triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ông Tự dẫn đầu đoàn người từ Bạch Mai đến quảng trường Ba Đình. Dọc đường lại có thêm những người khác nhập đoàn. Cứ như vậy, hàng ngàn người hòa vào biển người, cả dân tộc òa lên trong niềm sung sướng vô bờ.

“Lúc đó, tôi đứng từ xa nhìn ngắm kỳ đài độc lập, trong lòng tôi rộn lên cảm xúc vừa vui sướng, tự hào, vừa ngỡ ngàng bởi hình ảnh giản dị, gần gũi của vị lãnh tụ kính yêu, thân thuộc như cha anh của mình,” người thầy giáo già nhớ lại.

Cuộc vượt ngục bất thành

Sau này, ông tiếp tục cùng dân tộc bước vào hai cuộc trường chinh vệ quốc, với một “vỏ bọc” khác là giáo sư Trần Hữu Thỏa, dạy các môn Anh, Pháp, Toán ở các vùng địch hậu.

“Thông qua việc dạy học, tôi cùng các đồng chí khác đã bồi dưỡng cho nhiều người tinh thần yêu nước, khéo léo vận động học sinh của mình đi theo kháng chiến. Cũng từ đây, tôi chính thức mang tên Nguyễn Tiến Hà như một lời thề ‘nguyện tiến về Hà Nội,” ông kể.

Người thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu và quyết tâm bảo vệ Thủ đô ảnh 5Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú cùng nhiều sự ghi nhận cao quý khác. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Năm 1949, ông Nguyễn Tiến Hà là cán bộ đại đội của Thành đội Hà Nội. Trong một cuộc chiến đấu ác liệt, giáp mặt với quân thù, tháng 5/1950, ông bị địch bắt về Sở Mật thám (nay là Trụ sở Công an Thành phố Hà Nội ở 87 Trần Hưng Đạo).

Ông Hà bị địch tra tấn dã man nhưng ông không hé răng khai nửa lời. Cũng chính tại Sở Mật thám, ông đã cùng một số đồng chí khác tìm cách đào tường vượt ngục.

Họ cẩn thận quan sát địa hình trong và ngoài nhà giam đồng thời theo dõi quy luật tuần tra canh gác của lính canh, mật vụ. Qua đường dây tiếp tế, ông Hà gửi mật thư báo cáo với Ban Chỉ huy Mặt trận quân sự nội thành đề nghị khi trốn về đến một xã ngoại thành thì cho người đưa ra khu căn cứ. Kế hoạch được chấp nhận.

Ông và đồng đội bắt tay vào thực hiện ngay, moi, đào liên tục khoảng 4-5 đêm thì xong. Đến ngày hẹn, ông Hà hoàn tất giai đoạn cuối cùng là khoét thủng tường, tạo một lỗ hổng vừa một người chui lọt. Ông chui đầu ra đầu tiên, kéo theo một tấm chăn mỏng.

“Như chiếc lò xo, tôi bật lên chiếc thùng phuy kê sát tường đã nhằm trước, chớp nhoáng tung chăn phủ lên hàng rào dây thép gai có điện, liệng người qua đường. Như được tiếp thêm một sức mạnh phi thường, tôi vọt qua bức tường thứ hai, nhảy xuống ngõ Liên Trì như kế hoạch đã định,” ông Hà nói.

Nhóm bốn người trốn thoát, nhưng trên đường ra căn cứ, họ bị địch vây bắt trở lại. Lần này, ông phải chịu những trận đòn tra tấn tàn bạo hơn gấp nhiều lần hòng bắt ông phải khai, nhưng người chiến sỹ cộng sản kiên trung ấy vẫn không hé răng nửa lời.

“Chúng cho tôi đi tàu bay tức là treo lên xà nhà, dí điện, rồi đi tàu ngầm, giúi vào bể nước cho sặc sụa ngạt thở nhưng chúng tôi kiên quyết không khai,” ông Hà nhớ lại.

Sau trận đòn dã man, ông Hà bị đưa sang Nhà tù Hỏa Lò. Ở đây, nhờ đồng đội chăm sóc, thuốc thang, sức khỏe ông đã dần hồi phục. Ông được anh em tín nhiệm bầu vào Ban Chi ủy, sau đó làm Bí thư chi bộ của nhà tù, tiếp tục đấu tranh ở các trại đồng thời tổ chức các lớp học văn hóa, chính trị, ngoại ngữ.

Cuối năm 1952, khi không thể kết án, kẻ địch trả tự do cho ông Hà. Ngay sau khi ra khỏi tù, ông tìm cách bắt liên lạc với đơn vị, hoạt động bán công khai với danh xưng Giáo sư Trần Hữu Thỏa.

Kể từ đó, ông tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng gắn với sự nghiệp giáo dục. Trước khi nghỉ hưu, ông là chuyên viên cao cấp của Bộ Giáo dục và Đào tạo, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.

Hiện nay, ông là Trưởng Ban Liên lạc Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày tại Nhà lao Hỏa Lò (1930-1954). Cầm trên tay những tấm ảnh chụp chung với các đồng chí, đồng đội, ông rưng rưng: “Ban liên lạc thành lập năm 1991, có khoảng 400 người vậy mà đến nay chỉ còn vài chục người…”

Thời gian sẽ chẳng bỏ quên một ai, có lẽ đó cũng chính là lý do ông Hà luôn gắng gượng tham gia các cuộc giao lưu với thế hệ trẻ, để câu chuyện về Đoàn Thanh niên Cứu quốc Hoàng Diệu còn được kể lại mãi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục