Sáng ngày 10/3, Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) đã khai mạc triển lãm "Phút hồi sinh." Triển lãm được thực hiện nhân dịp kỷ niệm 50 năm các chiến sỹ cách mạng tù đày được trả tự do (1973-2023) và 48 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2023).
Triển lãm chia thành ba phần theo từng chủ đề, trưng bày các hiện vật và những tấm ảnh để khách tham quan hiểu và cảm nhận được hành trình tù đày gian khổ, đấu tranh khốc liệt, đến những giây phút tự do quý giá... của các chiến sĩ cách mạng trong một giai đoạn lịch sử của đất nước.
Phần đầu tiên là "Mở cửa tù ngục," kể về những thủ đoạn tàn khốc nhằm đày ải, đàn áp về thể xác và tinh thần như: Tra điện, tra nước, đánh bằng chày vồ, búa, dùi cui cao su, bẻ răng, đóng đinh vào đầu ngón tay... tại 6 "địa ngục trần gian": Nhà tù Côn Đảo, trại giam tù binh Phú Quốc, nhà gian Chí Hòa, nhà tù Phú Lợi, nhà lao Tân Hiệp (Khám lớn Cần Thơ) và nhà lao Thủ Đức (trại giam nữ tù binh Phú Thái).
Phần hai "Ngày chiến thắng trở về" - là các cuộc trao trả bắt đầu được triển khai từ tháng 2/1973. Hai điểm trao trả lớn nhất là tại sông Thạch Hãn (Quảng Trị) và sân bay Lộc Ninh (Bình Phước).
Cuối cùng, phần thứ ba "Viết tiếp bản hùng ca" - chính là những gì còn lại sau cuộc đấu tranh khốc liệt. Vượt qua nỗi đau thương tật, hoàn cảnh khó khăn, các cựu tù binh và tù chính trị vẫn vươn lên để học tập, nỗ lực phấn đấu và đóng góp cho xã hội.
[Triển lãm 'Khoảng lặng': Chuyện chưa kể về phi công Mỹ tại Việt Nam]
Sau khi Hiệp định Paris về chiến tranh Việt Nam được ký kết cuối tháng 1/1973, từ tháng Hai, nhiều cuộc trao đổi tù binh của hai phía đã diễn ra, đáng nhớ nhất là khoảnh khắc Bắc-Nam hội ngộ trên dòng Thạch Hãn (Quảng Trị). Đây cũng chính là hình ảnh, khoảnh khắc lớn nhất, nằm ở giữa khu vực trưng bày.
Bên bờ Nam dòng Thạch Hãn, hàng ngàn chiến sỹ được trả tự do, đi canô sang bờ Bắc. Thấy cờ giải phóng tung bay từ xa, nhiều người đã lao xuống sống để ùa về với đồng đội. Nhiều chiến sỹ giơ cao khẩu hiệu và hát vang các ca khúc cách mạng, tạo nên "phút hồi sinh" - tên của cuộc trưng bày.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ triển lãm cũng có hoạt cảnh tái hiện giây phút tù nhân được trả tự do, vượt sông Thạch Hãn trở về với đồng đội từ phía Bắc. Hoạt cảnh này sẽ được diễn trong hai ngày thứ Năm 16/3 và thứ Ba 21/3 đồng thời có các cuộc gặp gỡ, giao lưu với các cựu tù binh.
Ngay tại buổi khai mạc triển lãm, được nhắc lại về khoảnh khắc trả tự do, các nhân chứng lịch sử đều rưng rưng nước mắt. Ông Lâm Văn Bảng là cựu tù binh từ năm 1968 ở trại giam Biên Hòa, từ năm 1970 ở nhà giam Phú Quốc, hồi tưởng về những ngày tháng gian khổ không thể quên: “Mỗi khi đi thay băng, tôi đều nhét tài liệu vào vết thương để trao đổi với đơn vị chữa bệnh của mình, rồi nhận tài liệu mới về cho bí thư Đảng ủy."
“Chúng tôi cũng tham gia rất nhiều cuộc đấu tranh tuyệt thực. Đấu tranh để giữ được khí tiết người cách mạng, để sống. Bất đắc dĩ lắm, chúng tôi mới phải tổ chức tự rạch bụng hoặc bắt quân cảnh. Quân cảnh Mỹ đến phân khu B2 đều rất ‘gờm’ nơi này vì biết tiếng chúng tôi rất đoàn kết, đấu tranh rất mạnh mẽ,” ông nói thêm.
Một năm sau Hiệp định Paris được ký, những người tù ở một số trại giam, trong đó có Phú Quốc chưa được trả lại hòa bình. Ông Vũ Văn Kim chính là một trong số hai người đã xung phong rạch bụng mình để phản đối việc Mỹ trì hoãn trao trả tù binh. Khi ấy, ông cùng đồng đội đã tuyệt thực 7 ngày, tay cầm con dao tự chế và bắt đầu rạch bụng, đang rạch thì bị ngất xỉu vì đã quá yếu.
Trở lại với hòa bình, ông Vũ Văn Kim trở về quê nhà ở Thuận Thành, Bắc Ninh đi học rồi vận động thành lập ban liên lạc cựu tù binh Phú Quốc, nay đã đổi tên là Hội chiến sỹ cách mạng bị bắt tù đày tại tỉnh Bắc Ninh.
Cùng cháu gái đến triển lãm, nhân chứng, cựu tù binh nhà tù Côn Đảo - ông Hoàng Gia Lượng cho rằng thế hệ của ông đã được đào tạo để tham gia cuộc chiến. Nhưng bước ra khỏi cuộc chiến, đất nước nghèo khó, tan hoang, những người lính không có đủ điều kiện để gây dựng đất nước trong bối cảnh mới. Vì vậy, ông gửi gắm niềm tin và nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, bảo vệ đất nước cho những thế hệ trẻ.
“Chúng tôi, những người sống sót trở về, giống như được sinh ra lần thứ hai. Chúng tôi không còn là chính mình, mà là người của đồng đội, của Đảng, của nhân dân. Cuộc chiến để giành lại độc lập tự do rất khó khăn, nhưng cuộc chiến để không lạc hậu, chấn hưng đất nước cũng quyết liệt không kém. Chúng tôi xin gửi lại cho thế hệ trẻ các bạn nhiệm vụ bảo vệ và phát triển đất nước,” ông Hoàng Gia Lượng chia sẻ./.