Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, nền kinh tế Canada vẫn chưa thể phục hồi ổn định khi lạm phát đang có dấu hiệu tăng trở lại sau đợt giảm tạm thời.
Điều này khiến giá cả sinh hoạt leo thang và gây khó khăn cho cuộc sống của người dân nói chung, cũng như người Việt tại Canada nói riêng.
Cơ quan Thống kê Canada cho biết lạm phát của nước này trong tháng 4/2023 ở mức 4,4%, tăng 0,1% so với tháng trước. Đây là lần tăng lạm phát đầu tiên kể từ tháng Sáu năm ngoái, gây thách thức đối với Ngân hàng Trung ương Canada trong việc điều chỉnh về mức mục tiêu 2%.
[Lạm phát leo thang, niềm tin kinh doanh và tiêu dùng ở Canada suy yếu]
Trong bối cảnh đó, hầu hết các mặt hàng đều tăng giá và lạm phát cao hơn là điều mà người dân khó tránh khỏi.
Cụ thể, so với năm ngoái, giá xăng đã tăng 6,3%, giá thuê nhà tăng 6,1%, lương thực, thực phẩm tăng gần 10%, đặc biệt lãi suất thế chấp tăng vọt 30%.
Lạm phát đã tác động tới đời sống hằng ngày của nhiều người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc ở Canada.
Bác Chung Vinh, một viên chức trong cơ quan nhà nước Canada đã về hưu, cho biết thực phẩm tăng giá rất nhiều, đặc biệt là thực phẩm châu Á có mặt hàng tăng giá tới 30%. Nhiều người phải tìm kiếm các nơi bán buôn hoặc nhờ tới sự hỗ trợ của chính quyền sở tại để giảm bớt khó khăn. Có những mặt hàng không thể kiểm soát được như giá điện, giá xăng hay tiền thuê nhà và đây chính là những thách thức.
Tuy nhiên, bác Chung Vinh cho rằng với sự linh hoạt và thói quen phòng xa, người Việt sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều cho dù phải cắt giảm chi tiêu.
Trong khi đó, chị Hồ Anh Hoa, cố vấn di trú tại thành phố Toronto, cho biết may mắn hơn một số người khác, công việc của chị khá ổn định và hiện vẫn có những khoản thu nhập để đối phó với bão giá. Là luật sư và chuyên gia tư vấn về di trú tại Canada, lạm phát và tăng giá có ảnh hưởng đôi chút tới khách hàng vì phải thuê nhà cũng như sinh sống và học tập tại Canada.
Tuy nhiên, lạm phát và tăng giá tại đây vẫn tốt hơn so với nhiều quốc gia khác nên đó có thể là yếu tố khiến nhiều người nước ngoài đến Canada học tập, định cư và công việc của họ hiện nay bận rộn hơn.
Đối với những người Việt trẻ tuổi, mỗi người lại có những cách xử lý phù hợp để tiếp tục vượt qua khó khăn và vươn lên.
Bạn Jessie Thảo Trần, nhân viên thẩm mỹ và chăm sóc da, chia sẻ rằng với những sinh viên mới tốt nghiệp như mình, các công ty tuyển dụng thường thuê làm bán thời gian vì thủ tục giấy tờ sẽ đơn giản hơn và công việc cũng sẽ linh hoạt hơn.
Chính nhờ điều này, bạn có thể làm được nhiều việc cùng lúc và có thể chủ động sắp xếp thời gian cho những công việc đã nhận như giao hàng, chạy bàn, hoặc dịch vụ dắt thú cưng đi dạo.
Đây là những ngành dịch vụ rất thịnh hành mà người bản xứ ít lựa chọn nên có nhiều cơ hội cho sinh viên hoặc những người mới ra trường kiếm thêm thu nhập và hòa nhập với cuộc sống.
Đối với những sinh viên Việt Nam đang học tập và sinh sống tại Canada, ngoài học bổng và những khoản chu cấp từ gia đình, họ cũng cố gắng đi làm thêm và chi tiêu tiết kiệm để có thể đảm bảo cuộc sống trong thời kỳ "bão giá."
Bạn Minh, sinh viên năm thứ 2 Đại học Ottawa, chia sẻ rằng dù lương đi làm thêm tăng lên, nhưng không thể theo kịp lạm phát và nhiều sinh viên như em buộc phải giảm chi tiêu cá nhân. Ngoài những khoản cố định, các bạn sinh viên thường tìm cách cắt giảm tối đa những khoản chi không cố định như tiền điện, nước...
Người Canada cũng đang cảm nhận rõ những tác động của lạm phát khi họ luôn phải hạn chế mua những mặt hàng không thiết yếu. Thách thức hiện nay của chính phủ là phải đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%, dù điều này có thể sẽ không sớm diễn ra trước cuối năm 2024.
Giáo sư Luis Silva tại Đại học Toronto nhận định rằng lạm phát ảnh hưởng đến mọi người theo những cách khác nhau và phụ thuộc vào mức thu nhập của từng người. Những người giàu có thể vượt qua bão giá vì vấn đề này không tác động lớn đến thói quen chi tiêu của họ.
Những người có thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất và tầng lớp trung lưu cũng chịu tác động ít nhiều. Việc tiền lương không bắt kịp với đà tăng lạm phát khiến những người thu nhập thấp tiếp tục gặp khó khăn.
Đây là lý do vì sao Chính phủ Canada hay bất kỳ quốc gia công nghiệp nào trên thế giới cũng muốn duy trì lạm phát ở mức khoảng 2%.
Điều này sẽ giúp tạo ra sự ổn định về giá và cho phép mọi người ở các mức thu nhập, đặc biệt là người thu nhập thấp hay tầng lớp trung lưu có thể đủ sống./.