Nguy cơ cao dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm do lơ là tiêm vaccine

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vaccine phòng các bệnh nguy hiểm như: Dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng...
Thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa, diễn biến phức tạp, gây bất lợi cho sức khỏe đàn vật nuôi và tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nguy cơ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm như dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng, viêm da nổi cục, tai xanh... trong các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 tiếp tục xảy là rất cao. Do đó, các địa phương không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hôm nay 3/11 tại Hà Nội.

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh

Theo số liệu của Cục Thú y, trong 10 tháng năm 2023, về cơ bản các dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm đang được kiểm soát tốt so với cùng kỳ năm 2022. Bệnh dịch tả lợn châu Phi có số ổ dịch giảm 60% và số lợn bị chết, tiêu hủy giảm 68%; bệnh cúm gia cầm có số ổ dịch giảm 54% và số gia cầm chết, tiêu hủy giảm 63%; bệnh viêm da nổi cục có số ổ dịch giảm 60%; số trâu, bò mắc bệnh giảm 80%; số chết, tiêu hủy giảm 79%.

[Chăn nuôi đang tập trung tái đàn, tăng đàn chuẩn bị cung ứng dịp Tết]

Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, thời tiết giao mùa, diễn biến phức tạp, ông Phan Quang Minh, Phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) nhận định các nguyên nhân dễ phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm là do thời tiết bất thường, do tình trạng buôn bán, vận chuyển, nhập lậu gia súc, gia cầm, giết mổ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng dịch vẫn xảy ra có thể làm phát tán mầm bệnh. Cùng với đó việc chủ quan, lơ là của người chăn nuôi do thiếu tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm có thể làm dịch bệnh phát sinh.

Theo đại diện Cục Thú y, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao vì đặc điểm của virus dịch tả lợn châu Phi rất nguy hiểm đối với lợn, có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp; chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, không đảm bảo các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

Số lượng vaccine dịch tả lợn châu Phi đã sản xuất và đang bảo quản tại kho của các công ty là trên 2 triệu liều.(Ảnh: PV/Vietnam+)

Bên cạnh đó, việc buôn bán, vận chuyển lợn, giết mổ lợn bệnh, cũng như tình trạng không báo cáo theo đúng quy định còn diễn ra ở một số địa phương, doanh nghiệp và người chăn nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh.  

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có văn bản cho phép sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi trên phạm vi toàn quốc từ tháng 7/2023, nhưng số lượng sử dụng còn hạn chế, do một số địa phương, chủ nuôi lợn chưa thực sự quan tâm, còn tâm lý e ngại chưa tiêm cho đàn lợn. Số lượng vaccine đã sản xuất và đang bảo quản tại kho của các công ty là trên 2 triệu liều.

Ông Trần Xuân Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương (Navetco) cũng cho biết việc triển khai tiêm vaccine dịch tả heo châu Phi trong thời gian qua cũng như hiện tại đang khó khăn vì đây là vaccine mới, người dân còn e dè. Nguyên nhân chính dẫn đến tồn đọng vaccine vẫn là do người chăn nuôi thường có tâm lý khi có dịch bệnh mới tiêm phòng, mà không tiêm phòng chủ động.

Đại diện lãnh đạo Navetco đã kiến nghị xây dựng cơ chế tiêm phòng vaccine bắt buộc từ trung ương đến địa phương, nhưng phải có chính sách hỗ trợ trong giai đoạn đầu để người dân hiểu, quen dần vaccine dịch tả heo châu Phi.

Không chủ quan, lơ là phòng dịch

Thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa, diễn biến phức tạp, gây bất lợi cho sức khỏe đàn vật nuôi và tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh. Đặc biệt, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao vì virus có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp.

Lãnh đạo Cục Thú y cho rằng việc quan trọng nhất hiện nay là tổ chức thực hiện của các địa phương (nhất là cấp huyện, cấp xã), các doanh nghiệp và người chăn nuôi. Để bảo đảm phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp, các cơ quan truyên môn của địa phương tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt.

Đặc biệt, các địa phương khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vaccine phòng các bệnh, đặc biệt các dịch bệnh nguy hiểm như: Dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, viêm da nổi cục, dại…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh để ngành chăn nuôi phát triển, đảm bảo nguồn cung thực phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

“Các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng như các bộ, ngành trung ương và chính quyền địa phương không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh, đấu tranh ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm,” Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục